Theo các chuyên gia, trong tuyển dụng, tiêu chí bằng cấp chỉ nên là một điều kiện tham khảo. Điều quan trọng là cần chú trọng đến thực tài. Quá đề cao tiêu chí hộ khẩu, vô tình lại là cách làm lòng vòng, nảy sinh tiêu cực trong vấn đề thi công chức...
|
Các thí sinh chen chúc đăng ký dự tuyển tại cục Thuế Hà Nội năm 2014. |
Ngoại tỉnh phải có bằng tiến sỹ
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội năm 2015.
Theo Quyết định, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức năm 2015 là 560 người. Về điều kiện và tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức, ngoài điều kiện phải có quốc tịch Việt Nam, phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, phải có ít nhất một trong các điều kiện sau: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35; có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30. Người trúng tuyển công chức sẽ được làm việc tại các chi cục, phòng, ban chuyên môn tại các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã.
Bằng tiến sỹ có giá 9 triệu đồng Đầu tháng 1/2015, phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM phối hợp bộ Công an vừa khám phá, bắt giữ 13 đối tượng chuyên làm bằng giả. Băng nhóm này chuyên làm từ bằng cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Bằng tiến sỹ, thạc sỹ được bán khoảng 9 triệu đồng/bằng. Các đối tượng khai, đường dây này đã bán rathị trường cả nước, từ Bắc vào Nam với khoảng từ 500 đến 600 người mua bằng từ cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ tất cả các chuyên ngành, đều được đường dây này đáp ứng nhanh chóng, mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng internet, quán cà phê và qua điện thoại. |
Lý giải về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Tạ Quang Ngải - Trưởng phòng Đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng (Sở Nội vụ Hà Nội) cho hay, trong Luật Cán bộ, viên chức không đặt ra vấn đề hộ khẩu. Tuy nhiên, vì Hà Nội là Thủ đô, dân số quá đông, nên cần phải có điều kiện riêng.
Là một trong những thành phố lớn của cả nước, nhiều cơ quan đơn vị tại TP.HCM cũng yêu cầu phải có hộ khẩu thường trú khi tham gia thi tuyển công chức. Lý do mà các đơn vị này đưa ra là vì thành phố đang thừa biên chế và đang tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Số lượng người dân có hộ khẩu thành phố ứng tuyển vào công chức, viên chức hiện rất đông nên chưa thể tuyển dụng đến những đối tượng chỉ có sổ tạm trú dài hạn.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra những tiêu chí quá cao như vậy là một hình thức "ngăn sông cấm chợ" đối với người ngoại tỉnh!? Mặt khác, việc quy định phải có hộ khẩu rất có thể sẽ tạo ra những tiêu cực "chạy" hộ khẩu, thậm chí "chạy" bằng giả để có đủ điều kiện thi công chức. Ngược lại cũng không ít ý kiến ủng hộ, với lập luận việc đưa ra những tiêu chí cao như vậy là cần thiết, một phần hạn chế việc thi tuyển ồ ạt, mặt khác cũng góp phần để tuyển chọn được những người có năng lực thực sự.
Bày tỏ thái độ không đồng tình với các tiêu chí trên, chị Phạm Thị H. (đang làm việc theo chế độ hợp đồng tại một đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay: "Quy định trên có phần quá khắt khe với những người ngoại tỉnh và dễ làm nảy sinh tình trạng chạy hộ khẩu, giấy tờ. Quy định như vậy chỉ là cách làm lòng vòng dễ nảy sinh tiêu cực. Hộ khẩu chỉ quản lýá về mặt cư trú, chứ về tài năng, phẩm chất đạo đức thì đâu có phụ thuộc vào hộ khẩu. Cái chính là quản lý chặt để tuyển dụng người có tài thực sự, không có cơ hội cho chạy tiền, cho con ông cháu cha".
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng cũng không đồng tình với một số điều kiện thi tuyển công chức của Hà Nội năm 2015. Theo đó, ông cho rằng, những tiêu chí đưa ra quá chú trọng bằng cấp không đúng với chủ trương của Nhà nước và xu thế của thế giới. Hiện Nhà nước ta đang có chủ trương tự chủ hoá các trường, có nghĩa là đưa các trường ra ngoài công lập. Hà Nội lại đi ngược lại, chỉ tuyển người tốt nghiệp loại giỏi ở trường đại học công lập là chưa hợp lý.
|
PGS. Trần Xuân Nhĩ. |
Vị Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam phân tích: Khi tuyển công chức thì tiêu chí đầu tiên phải tuyển người nào đáp ứng được yêu cầu của công việc đó. Việc học ở nhà trường và được nhà trường đánh giá qua bằng cấp cũng là một tiêu chí cần thiết. Song Hà Nội phân biệt trường công và trường tư để thi tuyển công chức bởi đánh giá trường công lập hơn trường tư là điều không đúng, không có cơ sở. Các nước trên thế giới đều theo xu hướng xã hội hóa các trường đại học, cao đẳng. Chẳng hạn: Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, có tới 80% trường ngoài công lập mà nhân lực vẫn rất tốt. Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều trường dân lập đạt chất lượng.
Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí này không phù hợp với mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Hệ lụy của việc phân biệt bằng cấp có thể dẫn tới nhiều người sử dụng bằng giả. Do đó, bằng cấp chỉ là tiêu chí để cơ quan đánh giá người đó đã tốt nghiệp trường nào đó. Chuyện phân biệt công lập và dân lập đã bị lên án ở nhiều tỉnh thành.
"Tôi nghĩ là Thủ đô thì phải tiến bộ hơn nhưng Hà Nội lại lặp lại vết xe đổ của các tỉnh thành khác là không tốt, không đúng và không có lợi cho sự phát triển giáo dục của nước ta", PGS. Nhĩ nhấn mạnh.
"Rào" cao có lọc được nhân tài?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, theo dự án của Chính phủ thì các địa phương sẽ thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy. Với yêu cầu này, bất kỳ địa phương nào cũng phải chú trọng chất lượng, muốn có được chất lượng thì cần phải có chuẩn. Tôi nghĩ tiêu chí này không phải việc chú trọng bằng cấp mà chỉ là lọc bớt hồ sơ qua vòng sơ tuyển. Các thí sinh dự thi đều phải trải qua kỳ thi tuyển công chức mới được chọn. Tiêu chí này của Hà Nội khá cao, tuy nhiên cũng phải thông cảm cho TP.Hà Nội vì Thủ đô có những đặc thù riêng.
Thực tế, Thủ đô đang quá tải dân số và kéo theo đó là vô số hệ luỵ như quá tải giao thông, trường học. Luật Thủ đô cũng đã quy định về điều kiện nhập cư, mục tiêu là ai cư trú ở Hà Nội phải đảm bảo những quy định về nơi ăn, chốn ở, việc làm. Luật Cán bộ Công chức không cấm người ngoại tỉnh, không yêu cầu về hộ khẩu để dự tuyển, bất cứ ai cũng có quyền dự thi ở nơi họ muốn. Hà Nội đặt mức tối thiểu để được xét tuyển khá cao cũng vì nhân sự dưới điều kiện này hiện Hà Nội đã quá thừa rồi. Hà Nội đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao nên họ đưa ra tiêu chí dự tuyển như vậy ở thời điểm này là phù hợp với tình hình riêng của địa phương.
Đối với những lo ngại liệu quy định trên có làm nảy sinh tiêu cực "chạy" hộ khẩu Hà Nội để được dự thi công chức, bà An thẳng thắn nói: "Quy định để có hộ khẩu Hà Nội đã khá cụ thể. Ai, đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm".
Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ với PV, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Vì muốn khống chế lượng người nhập cư vào Thủ đô nên Hà Nội ưu tiên những người có bằng cấp, có trình độ học hành giỏi giang hoặc tốt nghiệp ở nước ngoài. Đây là một cách để Hà Nội tuyển chọn, tăng cường nguồn lực chất lượng cao cho Thủ đô. Vì chưa có thước đo nào để đánh giá đó là thực tài nên người ta căn cứ vào bằng cấp để lựa chọn.
Tuy nhiên theo ông Phúc, điều quan trọng khi lựa chọn cán bộ cho các cơ quan của Hà Nội vẫn là thực tài của mỗi người. Năng lực đó phải tương xứng với bằng cấp chứ không chỉ là những tấm bằng hình thức cho đủ quy định đầu vào. Kinh tế thị trường cần những người lao động đích thực. Trong Luật Công chức, viên chức không đề cập đến vấn đề hộ khẩu. Ai cũng bình đẳng và thi vào nếu được là được. Song trong quá trình tuyển lựa, nhiều tỉnh cũng khắt khe về việc này.
Không thể bỏ qua tiêu chí bằng cấp? Trao đổi với PV, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thẳng thắn cho rằng, cần bằng cấp ở khâu tuyển chọn đầu vào công chức là một thực tế. Chúng ta lấy gì để đánh giá thí sinh khi nhu cầu sử dụng nhân sự thì ít mà người có nhu cầu vào làm lại nhiều. Chúng tôi phải đưa ra một vài tiêu chí, trong đó không thể bỏ qua tiêu chí trình độ, mà trình độ thể hiện bằng gì, khi chưa thể kiểm tra ngay được. Rõ ràng bằng cấp là một thứ thể hiện người thi vào học đúng chuyên ngành, chuyên môn đó hay không? Chỉ khi trong quá trình sử dụng nhân lực, người có bằng cấp bộc lộ yếu kém, không có năng lực mà lãnh đạo cơ quan cứ nhất định chọn, bổ nhiệm người có bằng cấp cao hơn thì đó mới là quá trọng bằng cấp. Ông Long cũng lý giải, tại sao Hà Nội lại có yêu cầu hộ khẩu. Thực tế có xu hướng người ngoại tỉnh muốn về Hà Nội, làm phát sinh dân số cơ học. Bản thân việc phát sinh dân số tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố không thể lo cho tất cả mọi người khi mà cơ sở hạ tầng chỉ có hạn. Nó là một thực tiễn trong giai đoạn quá độ bắt buộc phải đặt ra yêu cầu hộ khẩu. Tuy nhiên Hà Nội không phải không tạo cơ hội cho nhân tài làm việc tại Hà Nội đối với trường hợp có điều kiện nhất định. Còn đối với lo ngại có thể nảy sinh tiêu cực sử dụng bằng giả để được dự thi thì cá nhân đó phải tự chịu trách nhiệm khi bị phát hiện. |
Theo Đỗ Thơm- Phạm Hạnh/Đời Sống & Pháp Luật