Thiếu kiến thức về làm đẹp nhưng lại muốn có nhan sắc tức thì, nhanh gọn, nhiều thiếu nữ đã phải trả giá bằng chính gương mặt của mình.
Những vụ lùm xùm liên quan đến chuyện làm đẹp của phái nữ liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua khiến dư luận không khỏi hoang mang và bất ngờ trước hậu quả của việc làm đẹp.
Mới đây, vụ việc cô gái xinh đẹp tố bị thẩm mỹ viện biến thành gương mặt quỷ đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một cô gái xinh đẹp có tên Lê Thị T., ngụ quận Tân Bình, TP.HCM, tố bị thẩm mỹ viện biến thành gương mặt quỷ sau khi dùng liệu pháp trị liệu chăm sóc da mặt tại đây.
Gương mặt của T. sau khi bị dị ứng.
Sau khi được chủ thẩm mỹ viện là bà Nguyễn Thị Xuân K. tư vấn về da và liệu trình chăm sóc da, cô gái đã quyết định chọn gói "Điều trị tàn nhang, thu nhỏ lỗ chân lông, làm trắng mịn da" (giảm 80% trong 2 tháng) với giá trọn bộ là 7 triệu đồng, tặng kèm bộ mỹ phẩm không dán nhãn mác được giới thiệu là mỹ phẩm đặc biệt do spa tự bào chế từ các sản phẩm của người dân tộc.
Tuy nhiên, đến tuần thứ 3 trị liệu (một tuần/lần), da của T. đã có dấu hiệu dị ứng, mụn nước nổi lên nhiều trên trán và gò má. T. quay lại thẩm mỹ viện thì được bà K. hút mụn, đắp các loại thuốc bí truyền của tiệm.
Bà K. đang làm đẹp cho khách tại cơ sở thẩm mỹ của mình.
Sau đó, gương mặt của T. ngày càng bị tàn phá nhanh chóng: lở loét, sưng tấy, máu mủ chảy ra liên tục. T. hoảng quá, đến viện da liễu khám thì được chẩn đoán có dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Tuy thế, T. vẫn quay lại thẩm mỹ viện để điều trị vì nghĩ "còn nước còn tát". Bà K lại tiếp tục lể, nặn mụn, đắp thuốc lên mặt, da của T. chẳng những không đỡ mà còn có dấu hiệu bội nhiễm có thể gây hoại tử.
Vụ việc trở nên ồn ào khi bà chủ thẩm mỹ viện đổ lỗi cho T. và không công nhận việc gây dị ứng cho khách hàng. Bức xúc, T. đã lên tiếng tố thẩm mỹ viện này để làm bài học cảnh giác cho người khác.
Ngay sau đó, bà chủ K. cũng tố ngược lại khách hàng rằng T. đã nhắn tin đe dọa, và cho rằng khách hàng vu khống, còn thẩm mỹ viện không hề sử dụng kem tự chế để có thể gây nên dị ứng.
Chưa rõ việc khách hàng T. tố cáo thẩm mỹ viện này có đi tới đâu, nhưng Cộng đồng mạng đã phản ứng rõ ràng với khả năng chịu đau cũng như "giao trứng cho ác" của cô gái trẻ. Được biết, bà chủ thẩm mỹ viện này chỉ có chứng chỉ của nhà văn hóa phụ nữ.
Rất nhiều độc giả ngạc nhiên khi chứng kiến bức ảnh "thẩm mỹ viện" - nơi cô gái chịu bỏ ra 7 triệu để làm đẹp.
Một độc giả tên Mirana đã phải thốt lên: "Trông như nhà trọ của sinh viên ngày xưa vậy. Thế mà cũng can đảm chui vào. Sao chị này dễ dãi đặt niềm tin vậy?".
Nick Nguyen cho biết: "Thẩm mỹ viện gì nhìn phòng điều trị như cái ổ. Chưa kể riêng việc mặt bị dị ứng nổi mụn nhọt mà lể ra nhoe nhoét rồi đắp khoai tây với thuốc Bắc (không rõ thuốc gì), không có phương pháp chuyên khoa để sát trùng hay kháng sinh thì quá nguy hiểm. Không hiểu sao vẫn có người tới làm đẹp".
Trường hợp của Lê Thị T. không phải là hiếm trong thời buổi chị em lao đầu vào làm đẹp, bất chấp việc quá nhiều nơi không đủ chuyên môn mà chỉ dựa vào những uy tín dạng bình luận trên mạng. Rất nhiều cô gái ham làm đẹp một cách nhanh chóng nhưng lại không đủ tỉnh táo cũng như kiến thức, chỉ cần nghe chủ tiệm chăm sóc sắc đẹp hoặc những người bán mỹ phẩm qua mạng là họ sẵn sàng giao phó ngay nhan sắc của mình.
Thời gian vừa qua, nhiều vụ tố mua mỹ phẩm nghi là giả - để lại hậu quả khôn lường như tàn phá mặt, biến làn da đang trắng trẻo bình thường thành mụn bọc, mụn cám chi chít. Rất nhiều cô gái phải tìm đến viện Da liễu để chữa với nhiều quy trình trong vài tháng, tổng thiệt hại lên tới 5-7 triệu đồng do sử dụng phải kem trộn chất lượng kém. Nhưng điều khiến họ đau đớn không phải là mất tiền, mà gương mặt như mặt quỷ khiến họ không đủ tự tin giao tiếp, làm việc như bình thường.
Gương mặt đầy mụn đỏ li ti của T.M. sau khi bị dị ứng vì dùng kem trắng da bán online trên mạng.
N.T, một cô gái trẻ đã mua loại kem trắng da trị mụn khá hot - chỉ qua những lời quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Theo N.T, lúc đầu thì da có đẹp, T. còn giới thiệu cho bạn mua. Nhưng sau khi sử dụng được một nửa thì bắt đầu lên mụn, T. tiếp tục dùng hết lọ thì mụn nổi rất nhiều, nổi đầy cả mặt. N.T. hốt hoảng dùng đủ loại đắp mặt bằng thiên nhiên vẫn không khỏi, cô đành phải đến viện Da liễu và điều trị bằng thuốc tây từ tháng 8 năm ngoái tới tận tháng 2 mới đỡ. Số tiền T. bỏ ra chữa trị là 3 triệu đồng, trong khi hộp kem chỉ xấp xỉ 300.000 đồng.
Một cô gái khác có tên T.M., lại mất 5 triệu để chữa mặt sau khi sử dụng mỹ phẩm trắng da bán trực tuyến. Sau 8 tháng chữa (từ tháng 6/2013 tới tháng 2), mặt của M. vẫn chưa hoàn toàn khỏi hẳn mà chỉ mới lành hơn. Cô gái này không dám tiếp xúc với bạn bè, ít ra đường hơn và luôn bị ám ảnh về gương mặt nổi li ti mụn đỏ trên khắp trán, má, cằm. Những hậu quả do cả tin, ham đẹp cấp tốc cũng như thiếu kiến thức về làm đẹp đã khiến M. cũng như N.T. nói trên phải trả cái giá quá đắt.
Sau những vụ lùm xùm về việc bán kem trắng da, trị mụn trực tuyến cũng như thẩm mỹ viện không tên tuổi, về việc thẩm mỹ viện làm đẹp được mở tràn lan chỉ nhờ văn hóa truyền miệng - mong rằng chị em sẽ cẩn thận và tỉnh táo hơn khi giao phó gương mặt của mình cho các “lang băm”. Với số tiền bỏ ra cho các thẩm mỹ viện “vườn”, hoặc số tiền phải đi chữa mặt đầy tốn kém, họ đã có thể đường hoàng bước vào một cơ sở uy tín, tên tuổi để tránh rước lấy bực bội, bức xúc vì hỏng mặt.