Tin mới

Thời hạn sử dụng CMND và chuyển sang Căn cước gắn chíp, người dân lưu ý ngay việc này tránh bị phạt

Thứ năm, 30/11/2023, 15:55 (GMT+7)

Việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang Luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là Thẻ căn cước.

Căn cước công dân (CCCD) gắn chip được xem là giấy tờ tùy thân quan trọng của mỗi người, bao gồm các thông tin liên quan đến thẻ BHYT, BHYX, bằng lái xe, hộ khẩu và nhiều thông tin cá nhân quan trọng khác. Quá hạn đổi thẻ có thể gây ra mức phạt đáng kể.

Ngày 27/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024). Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang Luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là Thẻ căn cước.

Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp quy định rõ: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Thời hạn sử dụng CMND và chuyển sang Căn cước gắn chíp, người dân lưu ý ngay việc này tránh bị phạt - Ảnh 1
 

Đối với trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Như vậy, theo quy định này thì từ ngày 01/01/2025, CMND chính thức bị khai tử, không còn giá trị sử dụng.

Đối với các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Quy định về việc sử dụng CCCD, CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.

Tiếp tục sử dụng CMND đã hết hạn thì bị phạt như thế nào?

Việc làm lại CMND khi hết hạn (hiện nay là thực hiện đổi sang Căn cước công dân) là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của công dân.

Do đó, nếu CMND sắp hết hạn hay công dân thuộc một trong các trường hợp phải đổi và phải đề nghị cấp lại như nêu ở phần nội dung trên thì tiến hành đổi từ CMND sang Căn cước để đảm bảo quyền lợi của mình.

Về mức phạt đối với hành vi dùng CMND hết hạn, tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Do đó, nếu CMND hết hạn mà không đổi sang CCCD thì có thể chịu mức phạt cao nhất tới 500.000 đồng.

Lợi ích của việc sử dụng Căn cước 

Căn cước gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay. Ngoài việc cho phép chính quyền quản lý, truy suất dữ liệu công dân nhanh, chính xác và dễ dàng, thẻ căn cước điện tử còn cho phép người dùng có thể truy cập và sử dụng hệ thống dịch vụ công.

Thời hạn sử dụng CMND và chuyển sang Căn cước gắn chíp, người dân lưu ý ngay việc này tránh bị phạt - Ảnh 2
 

Căn cước gắn chip còn tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Do đó công dân chỉ cần mang theo CCCD gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.

Những lưu ý đối với công dân khi sử dụng Căn cước

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng. Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin này cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường hợp bị mất CCCD, CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD, CMND không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất; đồng thời, phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Thời hạn sử dụng CMND và chuyển sang Căn cước gắn chíp, người dân lưu ý ngay việc này tránh bị phạt - Ảnh 3
 

Trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện số căn cước công dân/chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê căn cước công dân hay chứng minh nhân dân; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu biết đối tượng sử dụng căn cước công dân, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Ảnh: Tổng hợp 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: CCCD