Trong thư ngỏ, nhà báo Trần Đăng Tuấn kiến nghị Hà Nội nên tạm dừng việc hạ chặt 6.700 cây xanh một thời gian để người dân tự kiểm tra.
-
Hàng cây xà cừ tại đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ.
Ngoài ra, trong thư còn đặt ra câu hỏi “Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào?”
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, thành phố chấp thuận cho thay thế cây không đúng chủng loại đô thị, cong nghiêng, sâu mục mất an toàn giao thông, không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng mỹ quan đô thị trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Thống kê của Sở Xây dựng, hiện trên đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài được trồng hai bên vỉa hè. Ngoài cây hoa sữa (228 cây), keo (81 cây), 13 loài còn lại có số lượng không đáng kể, tạo ra sự không đồng đều về chủng loại cây trên tuyến đường này. “Sở Xây dựng đã đề xuất thay thế toàn bộ bằng cây vàng tâm và được thành phố chấp thuận”, ông Dục nói.
Trao đổi với phóng viên về nguồn kinh phí thực hiện để chặt hạ, thay thế cây xanh, Sở Xây dựng – đơn vị trực tiếp nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện cho biết, Sở đề xuất xin nguồn kinh phí từ ngân sách 73 tỷ đồng để thay thế 6.700 cây. Còn lại chủ yếu được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Theo khảo sát của PV, đến thời điểm này, trên nhiều tuyến phố như Phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy…các cây xanh hai bên đường đã dần được chặt hạ, thay thế.
Dưới đây là nguyên văn bức thư ngỏ mà ông Tuấn gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Kính gửi: Ông Nguyễn Thế Thảo
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Thông tin về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội và thực tế đang diễn ra việc chặt hạ cây xanh trên nhiều tuyến đường của Hà Nội đang gây lo lắng, băn khoăn và cả thắc mắc cho rất nhiều người dân, không chỉ ở Thủ đô mà trong cả nước.
Cần nói rằng người dân không phản đối chặt một số cây. Nếu việc hạ cây vì những lý do bất khả kháng như:
- Cây nguy hiểm,bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn
- Cây gây hại cho sức khoẻ, cây không có tác dụng cho cuộc sống.
- Để đảm bảo giao thông thì chắc không ai có ý kiến khác.
Hiện Sở Xây dựng Hà Nội nói rằng đã khảo sát trên các tuyến phố và lọc ra 6700 cây thuộc dạng đó cần loại bỏ, cần thay.
Tôi xin kiến nghị Ông Chủ tịch:
Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?
Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể.
Đánh dấu nhận biết 6700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không.
Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Hãy lắng nghe các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc:
- Nên giữ lại hay bỏ những cây gì. Cây gì giữ nhưng nên bớt.
- Việc thay thế (nếu thực sự cần) theo cách thức nào: Trồng mới xen thay dần cây cũ hay trồng mới một loạt, bỏ cây cũ một loạt.
- Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thoả đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào. Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này.
Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào.
Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch.
Mong ông Chủ tịch quan tâm xem xét kiến nghị này.
Trân trọng.
Trần Đăng Tuấn
(Mỹ Đình- Từ Liêm-Hà Nội)
Xem video: Hà Nội thay thế cây xanh như thế nào?
PV