Theo tin tức trên VGP, VOV, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chống Covid-19, sáng 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm việc đóng cửa dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, điểm du lịch, vui chơi, rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng.
Thủ tướng dẫn lại một ý kiến khuyến nghị nên xem tình hình dịch của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam, đó là đầu tháng 3, cả Việt Nam và Mỹ có 100 trường hợp bị nhiễm nhưng sau 3 tuần, Mỹ có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang) và tuyên bố tình trạng thảm họa, đóng cửa bang California (ngày 22/3) khi đã quá muộn, đáng nhẽ nên đóng cửa vào 12/3 khi số ca dưới 1.000, Việt Nam nghiên cứu vấn đề này như thế nào.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cũng đã ra thông báo, nếu phát hiện các địa điểm vui chơi, cơ sở kinh doanh nào còn mở cửa hoặc có dấu hiệu tụ tập đông người, người dân hãy chụp ảnh và gửi thông tin vào app Hanoi Smart City. Ban chỉ đạo sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng. Ảnh: Tuổi trẻ
Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000.
"Theo dự báo, chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt", Thủ tướng nhận định và yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống…
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhắc nhở UBND quận Tây Hồ trong ngày mùng 1/3 âm lịch vừa qua (24/3) đã để quá đông người dân đến chùa chiền ở khu vực này. Ảnh: FB
Đối với Hà Nội và TP.HCM, kể cả Hài Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, "như thế chúng ta bảo đảm nhu cầu cần thiết cho nhân dân, những dịch vụ không cần thiết trong lúc này thì tạm thời đóng cửa".
Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2thành phố lớn (Hà Nội và TP.HCM) đến những nơi khác. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Người dân từ thành phố, khu vực đang có dịch sẽ được các địa phương quản lý như đi từ vùng dịch.
Chính phủ cũng yêu cầu cấm tụ tập trên 10 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Các cơ sở làm đẹp, Phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu trên toàn quốc phải đóng cửa.
Thời gian thực hiện các biện pháp trên từ 0h ngày 28/3; sẽ xem xét lại sau một tuần hoặc một vài tuần tới.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu xét nghiệm nhân viên y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể để bệnh viện không thành nơi tập trung đông người, dễ lây nhiễm. Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại cơ sở chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV, sẽ được cách ly.
"Tinh thần là có phương án chăm sóc tốt hơn cho các bác sĩ, nhân viên y tế, nhất là tại các bệnh viện trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, bảo toàn đội ngũ y tế để có sức chiến đấu lâu dài trong mùa dịch.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm quản lý biên giới đường bộ, hàng không, dường thuỷ; thực hiện nghiêm cách ly tập trung; không được đến thăm, mang đồ ăn uống tới nơi cách ly.
Hiện Việt Nam hiện ghi nhận 148 người nhiễm nCoV; trong đó 17 người đã bình phục; 26 người xét nghiệm âm tính lần đầu; 7 người âm tính lần hai. Cả nước có gần 47.000 người đang được theo dõi sức khoẻ.
Bộ Quốc phòng, Tư lệnh các quân khu được giao mở rộng cơ sở cách ly ở miền Trung và khu vực biên giới Tây Nam. Những người không khai báo y tế, không cách ly có thể bị xử lý hình sự. Bộ Quốc phòng và Y tế phối hợp xây dựng thêm bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Đồng thời, các địa phương tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị để xét nghiệm trên diện rộng. Hà Nội và TP HCM cần tăng thêm cơ sở xét nghiệm, nâng công suất để đảm bảo sàng lọc toàn bộ người nghi nhiễm.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế mua ngay trang thiết bị y tế; phối hợp với ngành công thường có hợp đồng cụ thể để sản xuất khẩu trang y tế và khẩu trang đạt tiêu chuẩn khác phục vụ đủ nhu cầu trong nước. Chính phủ nghiêm cấm đầu cơ nhu yếu phẩm và vật tư y tế.
"Để bảo đảm an toàn, nhất là thời điểm hiện nay và thời gian tới, người dân nên ít di chuyển và thay đổi phương thức làm việc, từ trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để tránh lây nhiễm", Thủ tướng nói.