Sau khi bắt con rắn hổ trâu nặng hơn 2 kg trong chum gạo, gia đình anh Nhi lại xảy ra mấy cái tang trong một thời gian ngắn đã khiến người trong vùng thêu dệt nên câu chuyện rắn báo oán rùng rợn.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Vũ Hữu Nhi (ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) để tìm hiểu thực hư chuyện nhà anh từng bắt được rắn hổ trâu hơn 2kg trong chum gạo. Anh cho hay, chuyện đó là có thực vì hôm bắt con rắn, dân cả xóm nghèo này đều kéo đến xem rất đông.
Người đầu tiên nhìn thấy con rắn là mẹ anh Nhi (bà Cử, năm nay 76 tuổi). Bà cho biết, lúc ấy vào khoảng gần 5 giờ chiều, sau khi phụ giúp vợ chồng con trai làm cỏ rau ngoài vườn, bà vào nhà chuẩn bị thổi cơm chiều. Lúc vừa mang rá bước vào gian buồng để đong gạo, bà bất giác trông thấy có gì đó giống như cái que đang nghoe nguẩy, cử động ngay phía trên miệng chum. Do gian buồng hơi tối cộng với mắt không được tinh nên bà tò mò tiến lại gần để quan sát.
“Sau khi cúi xuống thật sát chỗ miệng chum và nhìn thật gần “vật lạ”, tôi run lên thất kinh khi phát hiện đó là một cái …đuôi rắn. Tôi sợ quá, thót tim đứng nhìn cho đến khi cái đuôi đó chui lọt hẳn vào chum gạo. Hai chân tôi lúc đó như có ai đeo gạch đá vào, nặng không thể nhúc nhích nổi. Tôi muốn gọi vợ chồng thằng út vào để xua con rắn nhưng lại sợ chỉ cần mình bất giác gây ra tiếng động gì thì con rắn có thể giật mình lao ra và trườn bò tứ phía. Lúc đó, nhỡ chẳng may nó cạp vào ai đó thì khốn. Vậy nên tôi gần như nín thở, đứng chôn chân tại chỗ mất mấy phút” – bà Cử hồi hộp kể lại.
Khi thấy con rắn đã yên vị trong đó và nhận ra miệng chum bé hơn chiếc rá tre mình đang xách trên tay, bà lấy hết can đảm úp nhanh cái rá lên miệng chum và giữ chặt, đồng thời la lên “Có rắn, có rắn!” để đánh tiếng cho vợ chồng cậu út.
Bà Cử - người đầu tiên trông thấy con rắn chui vào chum gạo
“Đang làm cỏ rau ngoài vườn, nghe tiếng bà kêu, hai vợ chồng tất tưởi chạy vào nhà. Vì trước đó, bà vào để chuẩn bị thổi cơm chiều nên hai vợ chồng tôi chạy xuống gian bếp trước tiên để xem bà bị làm sao. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bếp vẫn lạnh tanh, chúng tôi mới nháo nhác lên tìm bà ở khu nhà ngang. Và khi mẹ tôi la lên “Có rắn!” một lần nữa, hai vợ chồng mới xác định được tiếng la đó phát ra từ phía buồng” – anh Nhi cho biết.
Sau khi nghe mấy câu mẹ kể trong đứt quãng, anh đoán định được sự việc và lập tức yêu cầu mọi người đứng yên để anh tìm cách xử lý.
“Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rắn bò vào nhà chắc chắn là rắn khô, có độc. Vậy nên không thể thò tay vào trong chum mà bắt được. Chưa kể, nếu không cẩn thận, nó lao ra phía ngoài và cắn người thì nguy hiểm” – Anh Nhi kể lại một cách chậm rãi.
Và việc “xử lý” con rắn đã được làm theo một cách thủ công nhất nhưng theo anh Nhi là an toàn nhất. Đó là anh cho vợ đi gọi thêm 5 người nam giới trong xóm tới để phụ anh bắt rắn. Do buồng hơi tối, lại thêm bữa ấy mất điện nên vợ anh Nhi cầm đèn pin rọi trong buồng tối để mọi người cẩn thận luồn một chiếc quang gánh bằng thép chắc chắn xuống phía dưới đáy chum. Trong khi đó, chiếc rá đậy phía trên miệng chum vẫn được giữ chặt để con rắn không thể lao ra ngoài.
Sau khi cân được chum gạo lên chiếc quang, hai người đàn ông cẩn thận gánh chiếc chum ra phía ngoài và đặt ngay ngắn giữa sân. Một hòn đá ước chừng khoảng gần 7kg được đặt đè lên phía trên chiếc rá chỗ miệng chum để thay cho tay người giữ.
Anh Nhi kể: “Chiều bữa ấy dân trong xóm đồn nhà tôi bắt được con trăn hoa cỡ lớn nên ai cũng tò mò. Vậy nên người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà trong xóm kéo đến mỗi lúc một đông và đứng chật cả sân. Hàng xóm cạnh nhà tôi – ông Bang, còn phải quát mọi người đứng xa xa chỗ chum gạo vì nếu rắn lao ra cắn người thì nguy hiểm. Thú thực, lúc ấy, bản thân tôi cũng còn không biết trong chum gạo kia là rắn hay trăn, loại nào và to nhỏ bao nhiêu.
Bà cụ nhà tôi khẳng định, con rắn này rất to vì phần khấu đuôi của nó lớn bằng ngón chân cái nhưng lúc ấy tôi nghĩ có thể do bà mất kém, hơn nữa gian buồng cũng tối nên có thể bà nhìn không chính xác. Khi nồi nước cỡ lớn đã được đun sôi sùng sục, hai người đàn ông lần lượt dùng xô múc nước từ nồi lớn đổ vào chum. Và nước sôi dội tới đâu, cái chum gạo rung lên tới đó. Con rắn bị dội nước nóng nên quậy dữ lắm”…
Theo lời anh Nhi, sau khi nước sôi đổ ngập hết chum gạo, con rắn còn quẫy làm rung cái chum thêm vài chục giây nữa rồi mới chết. Sau khi chờ đợi khoảng 10 phút và không thấy chum có động tĩnh gì nữa, anh cùng mấy ông nam giới lật bỏ hòn đá chèn ra ngoài, khui chiếc rá ra khỏi miệng chum và dùng một cây thép móc cong vớt con rắn ra ngoài. Mọi người chứng kiến sự việc hôm đó được một phen kinh ngạc khi “thần núp” trong chum gạo là một con rắn hổ trâu cỡ đại, da nó bóng lì, dài 2m2. Người ta đem nó đi cân được 2,4kg. Khi treo con rắn lên mái hiên nhà bếp, đuôi của nó còn quét đất. Lúc mang con rắn đi thịt còn lấy được 12 quả trứng trong bụng nó, kích thước mỗi quả nhỉnh hơn quả trứng gà so một chút.
Anh Nhi cho biết, việc dân quanh vùng này đồn đoán chuyện nhà anh có tang
liên quan tới câu chuyện rắn báo oán khiến gia đình anh thêm buồn
“Ở vùng này sát đồi, cây cối rậm rạp nên chuyện rắn bò vào nhà không phải là chuyện hiếm. Nhưng chuyện bắt được rắn nặng tới hơn 2 kg trong nhà giống như trường hợp của gia đình tôi thì không phải là nhiều” – anh cho hay.
Tuy nhiên, khi nhắc về câu chuyện “hậu bắt rắn”, giọng anh chùng xuống, buồn buồn: “Rắn hơn 2 cân, hơn 2m bò vào nhà tôi thì ai trong vùng này cũng biết. Do vậy, khi nhà tôi gặp biến cố, thiên hạ suy ra đủ thứ chuyện liên quan tới con rắn này. Số là gia đình tôi vừa rồi xảy ra 3 cái tang liên tiếp trong vòng hơn 10 ngày. Và cách đây không lâu, hai đứa cháu tôi cũng qua đời cách nhau một tháng. Người ta đồn đoán gia đình đang bị con rắn “báo oán” vì xưa kia đã lấy mạng của nó và thêu dệt nên chuyện mạng đổi mạng. Thú thực, gia đình tôi chẳng bao giờ tin vào chuyện đó. Vì là con người, chuyện sống chuyện chết đâu ai lường được. Chẳng qua nó là sự ngẫu nhiên đau lòng mà mình phải chấp nhận.
Và thật buồn là những câu chuyện xung quanh con rắn lại đeo đẳng gia đình tôi theo nhiều cách khác nhau. Số là sau khi xảy ra chuyện 5 người thân lần lượt ra đi chỉ trong mấy tháng trời, có rất nhiều người tự xưng là “thầy” (!!!) đến gia đình tôi “đặt gạch” nhận làm các loại lễ giải oán, giải mệnh, trả mạng liên quan tới con rắn và 12 quả trứng. Họ đưa ra đủ các loại “quy tắc âm phần” để giảng giải cho gia đình và thuyết phục chúng tôi nên mau chóng sửa soạn làm lễ để cắt đứt oan nghiệp, kèm theo đó là mấy chục tới hàng trăm triệu “lễ tạ”.
Có người chuyên hành nghề mê tín dị đoan, tự xưng là "thầy" đã “hù” nhà tôi sẽ phải đổi 13 mạng người trong một khoảng thời gian ngắn vì đã lấy mạng của rắn mẹ và 12 quả trứng (sẽ cho ra đời 12 con rắn con). Có "thầy" chỉ gia đình phải mang 130 con rắn nước vào tận trong vùng Nghệ An để thầy làm lễ giải, nếu chần chừ thì chuyện mạng đổi mạng là không thể tránh khỏi. Cũng có "thầy" tới khuyên chúng tôi nên bốc bát nhang, lập ban thờ cho con rắn ngay trong khu đất nhà mình…
Và nhìn chung, các "thầy" đưa ra đủ mọi lý lẽ để gia đình tôi bằng lòng mà tình nguyện làm lễ cắt oan nghiệp cho cả dòng họ. Tuy nhiên, đối với gia đình tôi, những câu chuyện mang tính huyền bí mà các "thầy" đưa ra hoàn toàn không có sức hút. Vậy nên cho đến bây giờ, vẫn chưa có một “lễ giải” nào được tiến hành giống như lời khuyên của họ.
Có điều, khi trong nhà có người mất mà người ta lại đem việc con rắn hồi xưa để thêu dệt nên những câu chuyện báo oán rùng rợn đã khiến gia đình tôi thêm buồn vì dư luận ít nhiều” – anh Nhi cho hay.
Vũ Đậu