Không chỉ dòng họ Quách có tục lạ này, mà ngay như một số dòng họ khác ở đất Mường cũng không ăn thịt chó, bởi họ cho rằng chó là linh vật để đuổi thú dữ, trừ tà ma.
Ăn thịt chó là “chết người”
Thịt chó là một món ăn của người Việt có từ ngày xưa, thời phong kiến chỉ có người lớn mới được ăn thịt chó chứ trẻ con tuyệt đối không được đụng đũa. Ngày nay thịt chó là món ăn bình dân và ai cũng có thể thưởng thức. Vào những ngày cuối tháng, quán thịt chó trở nên đắt khách, lúc nào cũng đông nghịt người.
Tuy nhiên lại có một dòng họ Mường kiêng kỵ món ăn này vì cho rằng, ăn thịt chó là “chết người”. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã gặp cụ Quách Công Tâm (80 tuổi) để hỏi chuyện.
Khi nhắc đến tục kiêng thịt chó, cụ Tâm cao giọng bảo: “Ăn thịt chó là “báng bổ” đấy các chú à. Bởi các cụ ngày xưa đã thề độc với nhau rồi, thậm chí có người mới ăn vào đã sủi bọt mép”.
Thịt chó trở thành món ăn kiêng kị của người Mường.
Theo câu chuyện của cụ Tâm, nguồn gốc của dòng họ Quách là ở Mường Khênh (Hòa Bình). Xưa kia, khi giặc phương Bắc kéo sang chúng sát hại người dân vô tội ở trong Mường. Không khí thảm thương, chết chóc bao trùm cả vùng.
Một số người còn sống quay trở về thì nghe thấy tiếng khóc ở trong bếp. Tiếng khóc ấy chính là đứa trẻ duy nhất của dòng họ Quách còn sống sót lại. Điều kỳ lạ là đứa trẻ ấy lại được một con chó nuôi sống bằng chính dòng sữa của mình.
Cảm kích trước tình thương giữa người và chó, về sau những đứa con ở trong họ đã thề độc với nhau rằng: nếu ai ăn thịt chó thì sẽ bị tổ tiên quở phạt… Cũng vì chuyện ấy cho nên ai cũng coi chó là con vật quý ở trong nhà.
Cụ Tâm bảo: “Không riêng gì dòng họ chúng tôi có tục lạ này, mà ngay như một số dòng họ khác ở đất Mường cũng không ăn thịt chó. Bởi họ cho rằng chó là linh vật để đuổi thú dữ, trừ “tà ma”, “tà khí”...
Việc thề độc không ăn thịt chó ở trong dòng họ đã diễn ra cách đây mấy trăm năm, cho đến bây giờ lời thề ấy vẫn còn linh ứng. Vì đã có người ở trong dòng họ mạo phạm thịt chó đến nỗi ốm liệt giường, thậm chí còn dẫn đến “chết người”.
Phải chăng lời thề linh ứng?!
Anh Quách Công Tài (em bác Tân) cho biết “cứ ăn vào là bị ốm, thậm chí còn nôn thốc nôn tháo”.
“Đấy là do các cụ đã thề độc với nhau rồi, ngay như chú Phương ở cạnh nhà cũng không dám ăn”, chị Quách Thị Luận khẳng định.
Cụ Tâm kể thêm: “Trước đây cụ Quách Công Cốc không hề kiêng khem gì cả, về sau ông Cốc bị tổ tiên quở phạt đến nỗi không há được mồm để ăn cơm. Gia đình tôi đã phải mời thầy lang giỏi ở trong Mường về chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Lúc đó nhiều người còn nghĩ ông Cốc bị dính “bùa ngải”. Sau đó tôi phải sắm lễ, đưa ông Cốc ra khu mộ tổ tạ lỗi thì mới lành bệnh”.
“Tôi thì không mê tín điều gì, tuy nhiên vì đã chứng kiến sự việc xảy ra ngay trong gia đình, cho nên không tin cũng phải tin. Hôm đó cả nhà đang ăn cơm thì đột nhiên đứa cháu sủi bọt mép, nước dãi cứ chảy ra tuồn tuột vì ăn nhầm phải một miếng thịt chó. Ngay lập tức tôi phải đốt nhang cầu khấn tổ tiên, cũng may là chỉ sau một tuần hương thì cháu nó khỏi ngay”, một người dân cho hay.
Tuy đã 10 đời người kiêng ăn thịt chó, nhưng ở trong dòng họ vẫn có người không tin vào sự linh ứng của lời thề. Anh Quách Công Nam (là cháu 9 đời trong dòng họ) cho rằng: “Chuyện dòng họ kiêng ăn thịt chó thì tôi cũng chỉ nghe các cụ nói lại. Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc ăn thịt chó là ốm đau bệnh tật, thậm chí còn “chết người” thì tôi không tin. Chẳng qua mọi người tự suy diễn linh tinh, thậm chí còn hiểu lệch lạc về món ăn dân tộc này”.
Bác sỹ Quách Thị Khiếu, (bệnh viện huyện Thạch Thành) cho biết: “Do thịt chó có tính nóng, không phải là món ăn thích hợp cho những người kém chịu nóng, táo bón, khó ngủ. Cũng có người vì ít hiểu biết nên họ ăn vào sẽ có hiện tượng bị dị ứng rồi nôn mửa. Theo tôi, ở một số dòng họ Mường vẫn còn quan niệm tâm linh do tổ tiên truyền lại. Tuy nhiên, ngày nay chỗ nào cũng có quán thịt chó và ai cũng có thể mua được. Hằng tuần chúng ta nếu ăn một đến hai bữa thịt chó thì cũng tốt cho sức khỏe, không hề ảnh hưởng đến tâm linh”.