Việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội là thỏa thuận của cả hai bên. Nếu có thỏa thuận, người giúp việc sẽ tham gia chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đây là thông tin do bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ lao động Tiền lương (bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết xung quanh những băn khoăn của dư luận về việc có hay không việc phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc khi ngày 25/5 tới đây, nghị định số 27 của Chính phủ về quản lý lao động giúp việc gia đình chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, trao đổi với báo chí, bà Minh khẳng định, nghị định 27 không bắt buộc chủ sử dụng phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Việc đóng bảo hiểm xã hội hay không là phụ thuộc vào thỏa thuận của cả hai bên. Lao động giúp việc gia đình cũng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vì đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là các cơ sở, đơn vị sử dụng từ 10 lao động trở lên. Nếu có thỏa thuận thì tham gia chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội thì trong hợp đồng lao động cần phân biệt rạch ròi đâu là khoản tiền lương, đâu là khoản bảo hiểm xã hội trả cả vào lương.
Nghề giúp việc - còn rất xa mới chuyên nghiệp
Theo nghị định mới này, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, trong đó người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, Tết theo quy định. Người sử dụng lao động đồng thời có trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình như quy định của bộ Luật Lao động và không được phép trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, theo phần đông đa số ý kiến thì sẽ còn rất lâu nữa, thị trường người giúp việc gia đình mới có thể phát triển chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Ngọc Lan (người có hơn 10 năm làm việc cho một công ty chuyên đào tạo giúp việc) chia sẻ, đây là lĩnh vực có đặc thù riêng và những tiêu chí khó có thể định lượng. Đặc biệt, hiện nay nguồn cung lao động giúp việc khan hiếm. Người giúp việc chủ yếu là ở nông thôn, trình độ văn hóa hạn chế. Các thỏa thuận công việc giữa hai bên chủ yếu bằng miệng. Chưa kể luôn có xu hướng “giúp việc kiêu” vì họ luôn nghĩ nhiều người cần họ.
Bà Hoàng Anh (giám đốc văn phòng Heath Bridge Canada, đơn vị có nhiều nghiên cứu về giúp việc gia đình) phân tích, nhiều người trong chúng ta cọi nhẹ công việc giúp việc nên không ai để ý tới việc phải quản lý nó. Có thể thấy lương của người giúp việc tăng một cách chóng mặt theo từng tháng và nó sẽ tăng phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội. Khi mặt bằng lương giúp việc thay đổi, việc tranh chấp, tìm lao động sẽ rất khó cho xã hội.
Thực tế cho thấy, chưa kể chi phí ăn, ở tại gia đình của chủ sử dụng, mức lương nhận được của lao động giúp việc gia đình tăng từ khoảng 2 triệu đồng/tháng vào năm 2012 lên khoảng 3 triệu đồng/tháng vào năm 2013 và tăng lên khoảng 3,5- 4 triệu đồng/tháng vào năm 2014, trong khi chất lượng của người giúp việc dường như vẫn giậm chân tại chỗ.
Một nghiên cứu do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành năm 2011 cho thấy phần lớn người giúp việc gia đình ở Hà Nội và TP.HCM là nữ giới từ nông thôn. Hầu hết người giúp việc gia đình mới chỉ tốt nghiệp cấp hai và không được đào tạo để làm công việc này.
Thiếu hướng dẫn, địa phương lúng túng
Dường như ai cũng thấy việc “thừa nhận thêm một nghề”, xã hội sẽ có lợi. Tuy nhiên để làm được thì xã hội cần sự chuẩn bị.
Theo bà Ngô Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng, sẽ có nhiều khó khăn khi triển khai nghị định này và cần thời gian dài để cả chủ sử dụng lao động và người giúp việc gia đình có thói quen ký hợp đồng lao động và thương lượng với nhau.
Hiện nay trên 90% lao động giúp việc gia đình thỏa thuận bằng miệng, chưa có hợp đồng mẫu, chưa có hướng dẫn. Nghị định có yêu cầu chủ sử dụng và người giúp việc sau khi ký hợp đồng xong thì phải mang hợp đồng ra phường để đăng ký. Tuy nhiên, tới nay các cán bộ phụ trách lao động xã hội tại phường, xã, thị trấn vẫn chưa biết nhiệm vụ của mình như thế nào, khi có tranh chấp lao động thì phải xử lý thế nào?
Giải đáp về vấn đề mẫu hợp đồng, bà Tống Thị Minh cho rằng, sẽ không có mẫu hợp đồng lao động vì đây là thỏa thuận giữa hai bên. Bộ Lao động chỉ hướng dẫn các điều khoản trong hợp đồng như việc cung cấp thông tin giữa hai bên như thế nào, những việc nào trong quy định và những việc cấm như cấm ngược đãi, quấy rối, cưỡng bức, giao việc không có trong hợp đồng, trách nhiệm bồi thường của giúp việc gia đình và việc trừ lương từ chủ sử dụng…
Về băn khoăn chưa có hướng dẫn việc tiếp nhận các đăng ký hợp đồng lao động, đại diện bộ Lao động cho biết, hiện nay ở xã, phường, thị trấn nào cũng đang có cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội. Các cán bộ này sẽ là người tiếp nhận các hợp đồng đăng ký, tiếp nhận các tố cáo của người lao động và báo cáo tình hình chung cho cấp trên nếu có yêu cầu. Trong trường hợp có tranh chấp lao động thì người đứng ra xử lý tranh chấp là trọng tài lao động cấp quận, huyện. Nếu tranh chấp không được xử lý nữa thì có thể kiện ra tòa.
Được biết, ngoài việc tập huấn thí điểm cho chính quyền địa phương và lao động giúp việc gia đình. Bộ Lao động sẽ xây dựng các tờ rơi tuyên truyền, sẽ phát hành cuốn sách cầm tay hướng dẫn các cán bộ xã phường phụ trách vấn đề này.
Thiên Lam