Thượng Tọa một ngôi chùa ở Bà Rịa-Vũng Tàu khuyên nhà sư ở Long Hồ (Vĩnh Long) "nên hiến những chú chim khổng tước quý hiếm cho Thảo Cầm Viên thì sẽ hay hơn...".
Chiều 27/10, một nhà sư ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long đến Thảo Cầm Viên, Sài Gòn xin nhận lại chú chim khổng tước vừa được "giải cứu" trước đó.
Sư thầy này khẳng định chim công lạc vào khu dân cư quận 3 (TP.HCM) và được “giải cứu” là một trong 3 con chim công nuôi tại khuôn viên chùa bị mất trộm.
Nhiều người thắc mắc về việc loài chim rừng quý hiếm này được nhà chùa nuôi liệu có đảm bảo về điều kiện môi trường? Và dường như chỉ nhà giàu mới có thú chơi chim công quý như vậy.
Khổng tước được nuôi dưỡng trong Thảo Cầm Viên - Ảnh: Ngọc Khải/VnExpress |
Trước luồng dư luận trên, Thượng Tọa một ngôi chùa ở Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: "Giàu hay nghèo ta không phân biệt, miễn sao bảo tồn được giống chim cực kỳ quý hiếm đó".
Đồng thời vị Thượng Tọa cũng khuyên nhà sư ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long "nên hiến những chú chim quý hiếm đó cho Thảo Cầm Viên thì hay hơn".
Trước đó, ngày 25/10, một chú khổng tước bất ngờ xuất hiện trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3) khiến nhiều người thích thú quan sát. Một số thanh niên sau đó dùng gậy rượt bắt nhưng bất thành.
Một ngày sau, người của Thảo Cầm Viên phối hợp với chính quyền bắt được con chim mang về nuôi dưỡng. Đây là giống công xanh Việt Nam, phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ, nằm trong sách đỏ thuộc nhóm 1B, rất quý hiếm.
Chiều 27/10, nhà sư ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long, đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin nhận lại con khổng tước vừa được đơn vị này bắt trước đó một ngày. Sau hồi quan sát, nhà sư khẳng định đây là một trong 3 con công mà chùa bị mất trộm. Theo nhà sư, việc mất 3 con chim xảy ra ngày 22/8, chùa có báo với Công an huyện Long Hồ (Vĩnh Long) nhưng chưa tìm được.
Trao đổi với PV VnExpress, ông Thân Văn Nê – Phó giám đốc Xí nghiệp động vật của Thảo Cầm Viên – chim công này thuộc nhóm 1B (động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Chủ sở hữu muốn nhận lại cần phải chứng minh được nguồn gốc kèm các thủ tục pháp lý theo quy định. Trong trường hợp này, nhà chùa phải có giấy phép nuôi, do Chi cục kiểm lâm Vĩnh Long cấp; giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trung Khánh (ghi)