Tin mới

Tiết lộ rợn người về cuộc sống của 320 nô lệ trên ốc đảo

Thứ tư, 08/04/2015, 20:14 (GMT+7)

Ngày 4/4/2015, khoảng 320 ngư dân bị bắt làm nô lệ ở hòn đảo của Indonesia đã được giải cứu trong niềm vui khôn cùng. Từ đây, cuộc sống đau khổ và những hình phạt như thời trung cổ mà họ phải trải qua trong suốt nhiều năm đã được hé lộ…

Ngày 4/4/2015, khoảng 320 ngư dân bị bắt làm nô lệ ở hòn đảo của Indonesia đã được giải cứu trong niềm vui khôn cùng. Từ đây, cuộc sống đau khổ và những hình phạt như thời trung cổ mà họ phải trải qua trong suốt nhiều năm đã được hé lộ…

Những đòn tra tấn như thời trung cổ

Khi biết tin các nhà chức trách Indonesia tiến đến hòn đảo Benjina để giải cứu những ngư dân bị bắt làm nô lệ cho các tàu cá của công ty đánh bắt Pusaka Benjina Resources, Win Win Ko, 42 tuổi, người Myanmar sung sướng chạy như bay ra phía những chiếc thuyền đang chờ sẵn. Anh kể về niềm vui sướng của mình: “Người đầu tiên tôi muốn gặp lúc này là cha mẹ tôi.

Chắc bố mẹ mừng lắm khi nhìn thấy tôi”. Dù rời Myanmar và làm nô lệ trên hòn đảo hoang vu này được bốn năm nhưng với Win Win Ko, thời gian đó như thể hàng chục năm trời. Mái tóc anh giờ đã dài đến ngang lưng vì bốn năm rồi anh không được cắt tóc. Còn khuôn mặt thì hốc hác, sạm đen và đặc biệt, hàm răng trên của anh còn bị mất một chiếc do bị thuyền trưởng đánh gẫy bởi một lần anh bê thùng cá chậm.

Cuộc giải cứu các ngư dân sống đời nô lệ này chỉ đến sau khi hãng tin AP phát đi phóng sự các ngư dân bị lạm dụng trên các thuyền khai thác hải sản của công ty đánh bắt Pusaka Benjina Resources. Trong phóng sự này, khán giả khắp thế giới đã vô cùng bàng hoàng khi chứng kiến hình ảnh 8 người đàn ông bị nhốt trong lồng sắt lả đi vì đói khát. Tuy nhiên, theo lời các ngư dân trong cuộc giải cứu lần này, những hình ảnh đó chưa thấm vào đâu với những cực hình mà họ đã phải trải qua. Theo đó, các chủ thuyền đánh cá liên tục áp dụng những hình phạt quái đản như đánh, đấm, chích điện mỗi khi họ mắc lỗi nhỏ, thậm chí chỉ là do làm việc chậm do kiệt sức.

Những ngư dân được giải cứu khỏi “địa ngục giữa trần gian” ngày 4/4/2015.

Trường hợp của Saw Eail Htoo và Myo Naing, người Myanmar là một điển hình. Sau 3 tháng bị bắt làm nô lệ đi đánh bắt cá ở biển, vì kiệt sức nên một lần hai người đã ngủ gục trên thuyền trong buổi làm việc và đã bị các chủ thuyền người Thái trừng phạt nặng… để làm gương. Cả hai ngay sau đó được chở lên một ngọn đồi phía trên cảng cá, bị xích tay lại với nhau và bị đấm đá vào mặt cho đến khi bất tỉnh, máu chảy đầy mặt.

 

Không cần biết các ngư dân ốm đau, bệnh tật ra sao, các chủ thuyền vẫn bắt họ phải làm việc gần như suốt cả ngày đêm. Mỗi ngày họ được nghỉ nhiều nhất cũng chỉ đến bốn tiếng. Làm vất vả là vậy song họ không được ăn no, đủ và thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Họ cũng không bao giờ được trả chút tiền công nào. Ở đây, còn có cả một bãi tha ma để nhốt những ngư dân phạm lỗi. Rất nhiều người không chịu được cảnh cực khổ này đã nhảy xuống biển tự tử. Cho đến nay, danh tính những chủ thuyền bắt các ngư dân sống đời nô lệ vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, số hải sản mà các “nô lệ” đánh bắt được chuyển ngược về Thái Lan và được xuất khẩu khắp thế giới.

Không có đường thoát

Trong số 320 ngư dân được giải cứu lần này, phần lớn là người Myanmar và Campuchia. Một số ít là người Thái Lan hoặc Indonesia. Vì ở quê hương, không có công ăn việc làm, gia cảnh lại nghèo khó nên những người đàn ông này đã mềm lòng khi được các cò mồi hứa hẹn: “Có công việc tốt ở Thái Lan”. Nhưng rồi rốt cục họ bị đưa tới Indonesia và bị ép buộc đánh bắt hải sản. Họ gần như cả ngày đêm theo các tàu thuyền lênh đênh trên biển để đánh bắt cá và chỉ trở về các ngôi nhà tạm trên đảo Benjina để nghỉ 1-2 tiếng mỗi ngày.

Khi đã đến đảo Benjina, nghĩa là họ không có đường thoát. Benjina cách rất xa Indonesia và giống như một ốc đảo. Ở đây không có sóng điện thoại và điều kiện sống cực khổ. Trong vài tháng của năm, thuyền không thể đến được Benjina do nước cạn. Ở đây chỉ có một hải cảng nhỏ thì lại là thuộc công ty Pusaka Benjina Resources, chủ của hơn 90 tàu đánh cá mà họ đang làm việc, quản lý nên các ngư dân không có cách nào trốn thoát.

Chuyện các ngư dân phải sống đời nô lệ trên các tàu đánh bắt cá ở khu vực biển Thái Lan, Indonesia đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây khi việc xuất khẩu cá được tăng cường, việc thuyết phục những thanh niên trẻ ở các nước lân cận đi làm thuê cho họ trở nên khó hơn. Các chủ tàu đánh cá thậm chí đã tuyển cả trẻ con và nói dối về mức lương khủng để thu hút lao động. Thậm chí, một số tàu thuyền còn bắt cóc để có người lao động. Và cũng từ đây, các đường dây môi giới người lao động hình thành. Những người sau khi rơi vào tay các cò lao động sẽ được bán cho các chủ thuyền với giá khoảng 1.000 USD. Và những ngư dân này sau đó phải làm việc trong nhiều năm để trả nợ cho khoản tiền các chủ thuyền đã bỏ ra mua.

Theo Đời sống & Pháp luật

Xem thêm Clip 'diễn kịch' để trộm iPhone trong shop thời trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: nô lệ