Tổ chức y tế thế giới WHO (World Health Organization) là một tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc. Hãy cùng tìm hiểu về quy mô và nhiệm vụ của tổ chức này trên thế giới.
1. Những thông tin cơ bản về WHO
Được chính thức thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1948, WHO được kế thừa và phát triển từ Tổ chức tiền thân Organisation de la Santé còn gọi là Tổ chức sức khỏe.
WHO - kế thừa và phát triển từ Tổ chức sức khỏe Organisation de la Santé. |
Trụ sở chính của WHO được đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Hiện nay, tổ chức bao gồm 194 nước thành viên và có 34 thành viên trong ban điều hành có trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế. Những thành viên này được bầu lên bởi các quốc gia thành viên với nhiệm kỳ 3 năm.
Những quyết định của tổ chức này được đưa ra bởi Đại hội đồng, được họp định kỳ hàng năm tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 5 với sự tham gia của tất cả đại diện của các quốc gia thành viên. Thông qua http://www.who.int. Là nơi mọi người có thể tìm thấy tất cả những thông tin cần thiết về tổ chức như cơ cấu tổ chức, những thông tin về sức khỏe, các con số thống kê cụ thể hay chương trình hành động của WHO theo từng thời điểm khác nhau.
Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng chấp hành WHO từ tháng 5 năm 2003 đến tháng 5 năm 2005.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ của WHO
Tổ chức được mở ra để giúp mọi người có được điều kiện tốt nhất về sức khỏe |
Tổ chức y tế thế giới được thành lập với sứ mệnh đúng như tên gọi của nó, đó là giúp mọi người trên thế giới có được điều kiện tốt nhất về sức khỏe. Để làm được điều này, WHO đề ra những định hướng chiến lược như sau:
- Giảm thiểu tỉ lệ tử vong, tỉ lệ mắc các bệnh tật nguyền trong nhóm cư dân nghèo.
- Khuyến khích những lối sống lành mạnh và giảm thiểu các yếu tố bên ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người như môi trường, kinh tế, xã hội…
- Xây dựng các hệ thống y tế trong đó, nâng cao các kết quả về sức khỏe, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con người và sự công bằng về tài chính.
- Xây dựng môi trường thể chế và chính sách thuận lợi trong ngành y tế, đẩy mạnh có hiệu quả vị thế y tế trong chính sách phát triển, môi trường, kinh tế và xã hội.
Cụ thể, WHO liên tục nghiên cứu và đưa ra những giải pháp về sức khỏe để hỗ trợ người dân trên toàn thế giới như những tác hại của ô nhiễm không khí, tác hại của thuốc lá... với những thông tin hết sức cụ thể với từng quốc gia thành viên, đưa ra những con số thống kê tương đối chính xác về vấn đề và đưa ra những chương trình hành động thực tiễn.
3. Ngày hành động thực tế của WHO
Là ngày lễ quốc tế về những vấn đề sức khỏe do WHO đưa ra và được thế giới công nhận:
- 04/02: Ngày ung thư thế giới (World Cancer Day).
- 24/03: Ngày Thế giới phòng chống lao (World Tuberculosis Day).
- 07/04: Ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day).
- 24 - 30/04: Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới (World Immunization Week).
- 25/04: Ngày Sốt rét Thế giới (World Malaria Day).
- 31/05: Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day).
- 14/06: Ngày Hiến Máu Thế giới (World Blood Donor Day).
- 28/07: Ngày Viêm gan Thế giới (World Hepatitis Day).
Nguyễn Toàn Trung