Cần củng cố hệ thống y tế
Liên quan đến nội dung đã đến lúc Việt Nam công bố hết dịch Covid-19, trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQJH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) cho rằng, ngành y tế cần đề cao cảnh giác, chưa thể công bố hết dịch.
Lý do được nữ đại biểu này đưa ra là nếu xuất hiện biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn với khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin, hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, thì khi đó rất khó trở tay.
“Khi công bố hết dịch, các cơ chế, Chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng, ngành Y tế sẽ trở tay không kịp”, đại biểu bày tỏ sự lo ngại.
Đại biểu Phong Lan cũng cho biết việc công bố hết dịch hay không không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, hợp đồng kinh tế đang triển khai.
“Chúng ta đã bình thường hóa trở lại, mở cửa du lịch, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tôi, điều quan trọng là phải củng cố hệ thống y tế bằng các giải pháp thiết thực, bài bản, căn cơ”, đại biểu đoàn Tp.HCM nêu quan điểm.
Cũng trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Việt Nam đã bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch mở cửa hoàn toàn; không hoạt động nào bị hạn chế bởi dịch Covid-19.
“Theo tôi, để công bố hết dịch Covid-19 thì vẫn cần phải rất thận trọng”, đại biểu Việt Nga cho biết.
Thách thức nếu công bố hết dịch
Đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, theo đánh giá ngành y tế và các chuyên gia, dịch Coviid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, với nhiều biến chủng khác, chưa lường hết được.
Đại biểu nhấn mạnh: "Nếu công bố hết dịch rất có thể dẫn tới tâm lý chủ quan, bất cứ sự chủ quan nào cũng sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Vì thế, thận trọng là điều hết sức cần thiết, cần nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Trước ý kiến nêu trên, thông tin với báo chí GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định tình hình Covid-19 chưa ổn định và khó dự đoán, nếu tuyên bố hết đại dịch Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn như bị động khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm, tâm lý chủ quan. Hai thách thức Việt Nam sẽ gặp nếu công bố hết dịch.
Theo đó, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Khi ấy dịch nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
"Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc-xin trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống", ông Phan Trọng Lân nói.
Cùng với đó, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là.
Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian.
Theo ông Lân, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19.
Trong trường hợp tình hình dịch Covid-19 diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được Bộ Y tế kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Trước đó, ngày 22/10, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023..., ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch Covid-19 để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác.
Theo đại biểu Lân Hiếu, trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch.
“Bằng chứng là tỉ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm Covid-19 hay các đơn vị điều trị Covid hiện nay ngày càng giảm xuống. Trong hội trường này không thấy ai đeo khẩu trang cả mà theo đúng quy định của đại dịch là phải đeo khẩu trang”, đại biểu Lân Hiếu nêu dẫn chứng.
Theo đại biểu Lân Hiếu, Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch mới với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu dịch bùng phát hoặc dịch khác xuất hiện.