Tin mới

Quy định mới về các trường hợp hưởng BHXH một lần

Thứ sáu, 03/02/2023, 19:00 (GMT+7)

Có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, Thông tư 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế đã sửa hướng dẫn về các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần.

Sáu quy định mới về hưởng BHXH

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2022/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2023 và có 6 quy định mới về hưởng BHXH.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định bảo hiểm xã hội một lần.

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT, các trường hợp mắc bệnh được hưởng BHXH một lần bao gồm: Trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội; Người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Như vậy, thông tư mới đã rút gọn điều kiện rút BHXH một lần so với Thông tư 56/2017/TT-BYT. Trước đây, lao động mắc bệnh nguy hiểm tính mạng phải đồng thời đáp ứng điều kiện không tự sinh hoạt được cần người chăm sóc. Nhóm thứ hai là lao động mắc bệnh khác mà bị suy giảm khả năng lao động hoặc độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự sinh hoạt cần người chăm sóc hoàn toàn.

Các trường hợp còn lại được rút BHXH một lần vẫn giữ như Thông tư 56/2017/TT-BYT, gồm: Lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH có nhu cầu rút; lao động nữ chuyên trách ở xã phường nghỉ việc ở tuổi 55 đóng BHXH từ 15 đến dưới 20 năm; người ra nước ngoài định cư; một số trường hợp trong lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Hồ sơ giám định hưởng BHXH một lần là bản chính hoặc bản sao hợp lệ một trong số giấy tờ sau: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh, phiếu khám bệnh, phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.

Thông tư mới loại bỏ biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động với người được khám giám định và bổ sung các giấy tờ như phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh. Người lao động lưu ý chỉ cần bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong số giấy tờ này, không cần có tất cả.

Thứ hai, sửa đổi hồ sơ khám giám định lần đầu để hưởng BHXH

Khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT đã sửa đổi hồ sơ khám giám định lần đầu để hưởng BHXH tại Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Thứ ba, được chủ động đi giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để hưởng BHXH.

Khoản 8 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về thời hạn giám định lại như sau: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hiện nay, đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời hạn giám định lại ít nhất sau 02 năm kể từ ngày người lao động được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỉ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó, trừ trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Thứ tư, số ngày nghỉ trên giấy nghỉ việc hưởng BHXH có thể lên đến 50 ngày.

Khoản 18 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT đã bổ sung quy định sau: Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, trong trường hợp này số ngày nghỉ trên giấy nghỉ việc hưởng BHXH có thể lên đến 50 ngày.

Thứ năm, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19.

Tại khoản 13 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYT đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người nhiễm Covid-19.

Theo đó, người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 168/NQ-CP (như sau: Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19; Bệnh viện điều trị Covid-19; Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19; Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19).

Thứ sáu, được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp.

Khoản 18 Điều 1 Thông tư 18/2022/TT-BYTđã bổ sung quy định sau: Trường hợp người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Thông tư này và văn bản đề nghị của người đó làm căn cứ cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó tại phần ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề ghi theo ngày cấp.

Như vậy, từ ngày 15/2/2023, người lao động được yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu đi khám mà chưa được cấp.

Mức hưởng BHXH một lần

Tại khoản 2 Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định về mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Lưu ý, mức hưởng BHXH một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật BHXH 2014 không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014.

Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.

Được lãnh BHXH một lần trực tuyến trên Cổng dịch vụ công nếu có chữ ký số

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Quyết định số 3612/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định về việc áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số trong quy trình giải quyết hưởng BHXH một lần trên Cổng dịch vụ công quốc gia, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023.

Theo Quyết định 422/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, đáng lẽ việc tích hợp thủ tục Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã phải được hoàn thành trong quý III năm 2022 nhưng phải đến ngày 01/01/2023, thủ tục này mới chính thức được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, không phải bất kì ai cũng có thể lãnh tiền BHXH một lần trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ quốc gia mà theo Quyết định số 3612/QĐ-BHXH, thủ tục này chỉ áp dụng đối với người lao động thuộc diện hưởng BHXH mà đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Đã được cấp sổ BHXH bản điện tử; Có tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và chữ ký số tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động.

Như vậy, nếu sở hữu chữ ký số, người lao động hoàn toàn có thể đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và làm thủ tục nhận BHXH một lần online.

Tăng hệ số trượt giá BHXH năm 2023

Để bù đắp sự mất giá của đồng tiền cho những người đóng BHXH ở các thời kỳ trước, hàng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh lại mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (còn gọi là hệ số trượt giá).

Có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH đã công bố hệ số trượt giá mới.

Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm sẽ bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh cho những năm đóng BHXH trước năm 1995 là 5,26; năm 1995 là 4,46; các năm tiếp theo từ 4,42 (năm 1996) xuống còn 1,00 (năm 2022).

Theo mức điều chỉnh nêu trên, một người đóng BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu vào năm 2023, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ chính là tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH sau khi điều chỉnh chia cho tổng số tháng đã đóng BHXH.

Tương tự những người đóng BHXH bắt buộc, với những người đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập đã tính đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh để bù trượt giá.

Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, tuy nhiên các quy định nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: BHXH