Tăng kỳ thi, tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Mùa tuyển sinh năm 2023, tại Tp.HCM có 3 đơn vị dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực, cùng với đó là hàng chục cơ sở đào tạo khác đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào.
Năm nay, lần đầu tiên Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực riêng để tuyển sinh đầu vào cho 7 ngành thuộc chương trình quy chuẩn. Với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này, trường dự kiến tuyển 10 - 15% chỉ tiêu cho mỗi ngành trên.
Đại diện Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho biết, kỳ thi Tốt nghiệp THPT hiện nay có mục đích chủ yếu là để xét tốt nghiệp, không phải có mục tiêu chính là giúp các trường đại học lựa chọn người học có năng lực phù hợp.
Trong điều kiện đó, các trường đại học nói chung và Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM nói riêng cần chủ động có các phương thức tuyển sinh phù hợp để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường.
Còn tại Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM, sau thành công của lần tổ chức đầu tiên năm 2022, năm nay, đơn vị này tiếp tục kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để lấy kết quả xét tuyển kết hợp xét học bạ vào các ngành đào tạo sư phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM cho hay, từ kết quả của lần tổ chức đầu tiên, năm nay trường dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt, hướng đến phát triển kỳ thi này trở thành phương thức xét tuyển chính của trường trong tương lai.
Triển khai từ năm 2018, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM là một trong những kỳ thi riêng có quy mô lớn, thu hút nhiều thí sinh đăng ký dự thi, cũng như nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Năm 2022, có gần 122.700 lượt thí sinh đã đăng ký dự kỳ thi này, tăng gấp 20 lần so với năm đầu tiên tổ chức. Ngoài các đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Tp.HCM thì còn có 76 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả từ kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm nay, Đại học Quốc gia Tp.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực với hai đợt vào tháng 3 và tháng 5, tại 21 tỉnh, thành và dự kiến dành ít nhất 45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị thành viên để xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi này.
Theo TS.Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Tp.HCM, bài thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.
“Kỳ thi giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh trong học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn. Việc tham dự kỳ thi sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường phù hợp”, ông Chính nói.
Băn khoăn áp lực thi cử, năng lực ra đề
Việc có nhiều phương thức xét tuyển cùng nhiều kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức để xét tuyển đầu vào sẽ giúp thí sinh tăng thêm lựa chọn xét tuyển, giúp các cơ sở đào tạo tuyển được sinh viên phù hợp với từng ngành, đáp ứng với yêu cầu học bậc đại học.
Trước xu hướng này, cũng không ít ý kiến lo ngại sẽ làm tăng áp lực thi cử cho học sinh.
Lãnh đạo một trường THPT tại quận Tân Phú, Tp.HCM nêu quan điểm, các kỳ thi riêng của trường đại học là không bắt buộc, thí sinh có thể lựa chọn hoặc không để gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc để tránh việc phải lao vào luyện thi, tham dự nhiều kỳ thi ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập. Đồng thời, khi các trường đua nhau tổ chức kỳ thi riêng, theo ông có thể phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm như: chất lượng kỳ thi, thí sinh lao vào việc luyện thi, nhiều thí sinh ở xa không có điều kiện dự thi bị mất cơ hội...
TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì cho phép các trường được quyền tự chủ, tự quyết định phương thức tuyển sinh.
Tuy nhiên, ông Khuyến bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng. Nhiều trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử cho người học?
"Một trong những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác nhau. Nếu trượt trường này, thí sinh vẫn có thể sử dụng kết quả đó để trúng tuyển vào trường khác.
Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhưng đồng thời các em vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT", TS. Lê Viết Khuyến phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia về giáo dục này cũng chỉ ra, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy không phải là điều dễ dàng. Để đảm bảo kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.
Vì thế, ông Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thể hiện hơn nữa vai trò quản lí của mình, tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. Trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ khả năng tổ chức.