Nguy cơ thiếu điện chực chờ, EVN làm điều 'chưa từng có’
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thời hạn để các chủ đầu tư điện mặt trời hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng (giá FIT 2) không còn nhiều. Để các chủ đầu tư điện mặt trời có thể “cán đích” đúng tiến độ mong muốn, EVN chủ động ban hành quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” (COD) cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời.
Quyết định này quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện EVN cho biết năm 2019, EVN cũng đã ban hành Quyết định số 578 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời.
Theo quyết định mới, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải hoàn thành ghép nối SCADA của nhà máy điện trước ngày tiến hành thử nghiệm; không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển và Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện; không muộn hơn 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu chạy thử nghiệm, nghiệm thu, đơn vị phát điện đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với cấp điều độ có quyền điều khiển.
Hai cổ phiếu nào vừa được thêm vào rổ VN30?
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7. Theo đó, KDH của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Nhà Khang Điền và TCH của Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy sẽ góp mặt trong rổ này từ ngày 3/8.
Tỷ lệ tự do chuyển nhượng làm tròn của hai cổ phiếu này lần lượt là 60% và 55%. Trước đó, KDH đã vào danh sách dự phòng trong kỳ cơ cấu tháng 1 với khối lượng hơn 544 triệu cổ phiếu nên việc được bổ sung lần này, theo nhiều công ty chứng khoán, không bất ngờ.
Ngược lại, CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons và BVH của Tập đoàn Bảo Việt bị loại khỏi rổ. Hai mã này cũng không nằm trong danh mục cổ phiếu dự phòng. 5 suất dự phòng thuộc về GEX, PDR, PHR, KBC và DXG.
TPB, cổ phiếu được giới quan sát kỳ vọng là ứng viên sáng giá cho một suất bổ sung, không xuất hiện trong danh sách chính thức lẫn dự phòng.
Đợt cơ cấu dự kiến tạo ra sóng mới với nhiều cổ phiếu thành phần. Với việc sử dụng rổ này làm chỉ số cơ sở, VFMVN30 - quỹ ETF lớn nhất thị trường có thể phải bán khoảng 276.000 cổ phiếu Coteccons và 587.000 cổ phiếu Bảo Việt.
Bầu Đức chi bao tiền/tháng để nuôi một chiếc máy bay?
Tại Việt Nam, chủ nhân của chiếc máy bay thương gia đầu tiên là ông Đoàn Nguyên Đức -Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai. Ông Đức chính là người đầu tiên mở màn trào lưu "tậu"máy bay riêng của giới đại gia Việt.
Năm 2008, ông Đức bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350, số seri FL-417, có sức chứa 12 người, do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất, động cơ Pratt &Whitney PT 6-60A (Canada).
Chiếc máy bay này ban đầu được phi công nước ngoài lái, sau đó mới luân chuyển cho người Việt. Thời điểm đó, bầu Đức là một trong những doanh nhân có số tài sản “khủng” nhất, là người đứng đầu trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Được biết, chiếc King Air là loại máy bay động cơ cánh quạt, có vận tốc tối đa 540 km/h, chỉ bay được ở tầm thấp và tầm bay 3.000 km.
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là kết nối từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Ông Đức chia sẻ, mỗi tháng, ông tốn khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng này.
Năm 2015, ông Đức đã đổi từ chiếc Beechcraft King Air 350 quen thuộc sang chiếc máy bay phản lực Legacy 600, có giá rao bán là 27 triệu USD. Loại máy bay này có 13 chỗ ngồi cao cấp, sử dụng động cơ 2× Rolls-Royce AE 3007/A1P,33.0 kN (8.810 lbs). Embraer Legacy 600 là một loại máy bay phản lực thương gia bắt nguồn từ dòng máy bay phản lực thương mại Embraer ERJ 145, có trọng lượng 16.000 kg, dài 26m, có thể đạt tốc độ tối đa là 834 km/h.
Giá vàng, Giá vàng thế giới mới nhất hôm nay 21/7: Vàng lập đỉnh mới
Giá vàng, giá vàng thế giới thế giới mới nhất hôm nay, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.813 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.817 USD/ounce.
Giá vàng trụ vững trên đỉnh ở mức 1.800 USD/ounce và có xu hướng nhích lên khi các lo ngại về số ca lây nhiễm dịch Covid-19 trên toàn thế giới làm gia tăng sức hút của vàng với vai trò là tài sản đảm bảo.
Giá vàng, giá vàng trong nước, giá vàng chốt phiên ngày 20/7 đa số các cửa hàng vàng tăng giá vàng 9999 thêm khoảng 200-250 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước.
Giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 0,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,80 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC được công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 50,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,95 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá USD hôm nay 21/7: Áp lực bủa vây tứ phía
Giá USD hôm nay 21/7, US Dollar Index (DXY), chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 95,82 điểm.
Trên thị trường trong nước, Tỷ giá USD được Ngân hàng nhà nước niêm yết ở mức 23.234 đồng/USD, giảm 1 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước là 23.175 đồng/USD ở chiều mua vào và 23.881 đồng/USD bán ra.
Còn tại các ngân hàng lớn: Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.100 - 23.280 đồng/USD, Vietinbank đang chốt giá 23.095 đồng/USD và 23.275 đồng/USD.
Các quỹ đạo tăng trưởng khác nhau sẽ ủng hộ các loại tiền tệ khác, chẳng hạn như đồng euro. Cụ thể, đồng tiền này đã tăng giá khoảng 2% so với đồng USD mặc dù châu Âu cũng đang chứng kiến sự suy thoái kinh tế.