Giao dịch chứng khoán hôm nay 20/7: Sắc đỏ bao phủ, VN-Index giảm hơn 10 điểm
Nhóm cổ phiếu VN30 khi cuối phiên không còn mã nào tăng, có khá nhiều mã giảm sâu gây áp lực lên chỉ số như: PLX, BID, GAS, CTG, VRE, VJC, FPT, BVH, PNJ, VHM, VIC, HPG giảm trên dưới 1%. Trong đó, HPG thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với gần 5 triệu đơn vị; đứng sau là STB khớp gần 2,7 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng bị phân hoá mạnh. Trong đó, nhóm tăng cũng le lói, còn sắc đỏ chiếm đa số. Mã tăng điểm có ITA tăng 4,26% lên 4.890 đồng/CP, khớp 9,8 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Ngược lại, ROS giảm 1,68% xuống 2.920 đồng/CP, khớp 6,6 triệu đơn vị đứng sau ITA; đứng sau về khớp lệnh là HQC với 5 triệu đơn vị, đứng tham chiếu 1.880 đồng/CP.
Chốt phiên sáng, với 94 mã tăng và 278 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 7,06 điểm tương đương giảm 0,81% xuống 864,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 146,5 triệu đơn vị, giá trị 2.298 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và giảm gần 8% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.
Chốt phiên chiều, với 112 mã tăng, có đến 282 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 10,62 điểm tương đương giảm 1,22% xuống 861,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 285 triệu đơn vị, giá trị 4.768,9 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% về khối lượng và tăng 4% về giá trị so với phiên cuối tuần qua.
Giá Bitcoin hôm nay 20/7: Đi ngang chờ sóng lớn
Bitcoin trải qua tuần 11 liên tiếp đi ngang trong khoảng 9.000 – 9.500 USD. Hiện tại tiền ảo hàng đầu này đang được giao dịch tại 9.223 USD, tăng 0,2%, tức mỗi coin thêm 35 USD, theo CoiDesk.
Trong 24 giờ gần nhất, Bitcoin giao dịch thấp nhất tại 9.117 USD, cao nhất tại 9.235 USD.
Dữ liệu ghi nhận từ CoinMarketCap cho thấy khối lượng giao dịch Bitcoin trong thời gian trên đạt rất thấp chỉ 12,9 tỷ USD, vốn hóa thị trường tạm ghi nhận mức 169,6 tỷ USD.
Tuy vậy, bất chấp sự biến động và khó đoán của thị trường, nhiều nhà phân tích cho rằng Bitcoin còn khả năng đi lên cao hơn. Theo nhà giao dịch chuyên nghiệp CryptoMichNL, Bitcoin có thể sẽ đón sóng lớn trong dài hạn nhờ thị trường đang tích lũy mạnh mẽ và vốn hóa thị trường tiền ảo vẫn đang giao dịch trên đường trung bình chuyển động 100 ngày và 200 ngày.
Trở lại diễn biến thị trường, Ethereum sáng nay tăng 1,5% lên 239 USD, Tether tăng 0,03%, Bitcoin Cash tăng 1,5%, Cardano tăng 1,12%...
Ở chiều ngược lại Ripple giảm 0,2% và Bitcoin SV giảm 0,07%.
Tổng vốn hóa thị trường sáng nay ghi nhận mức 273 tỷ USD, khối lượng giao dịch trên 47,4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin đang giao dịch mức 211 triệu đồng, tăng 0,12%.
Cần 8.014 tỷ đồng để xây dựng sân bay Quảng Trị
Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, nằm ở phía bắc, cách thành phố Đông Hà 7 km. Đây là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự.
Sân bay Quảng Trị là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng tại Cảng hàng không Quảng Trị một đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m x 45 m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; một sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía nam sân đỗ tàu bay, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000 m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…
Theo tính toán, để xây dựng mới Cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.
Giá vàng tiếp tục tăng, hướng đến mốc 51 triệu đồng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (20/7), Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) niêm yết Giá vàng mua vào ở mức 50,35 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 50,75 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 18/7. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 50,50 – 50,70 triệu đồng/lượng, cùng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới mở phiên giao dịch ngày 19/7 có sự suy giảm so với chốt phiên cuối tuần trước. Nhận định về giá vàng tuần này, nhiều ý kiến cho biết, các chỉ số kinh tế Mỹ dự kiến tích cực có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.
15 công ty Nhật dự kiến rời Trung Quốc sang Việt Nam
Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.
Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME). Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc.
Danh sách 15 công ty Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nguồn: Jetro.Danh sách 15 công ty Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nguồn: Jetro.
Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện... Trong danh sách này, Tập đoàn Hoya sản xuất linh kiện ổ cứng dự kiến di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam và Lào.
Theo công bố của Jetro, số tiền trợ cấp dao động 100 triệu đến 5 tỷ yen, bù đắp một phần chi phí cần thiết để mua sắm và lắp đặt máy móc, thiết bị cho việc mở rộng sản xuất.
Ngoài 30 công ty được trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Chính phủ Nhật Bản cũng chi ít nhất 57,5 tỷ yen (536 triệu USD) cho 57 công ty gồm hãng tư nhân sản xuất khẩu trang Iris Ohyama và Tập đoàn Sharp để chuyển hoạt động sản xuất về nước.