Giá vàng được dự báo tăng sốc lên 3.000 USD/ounce
Bank of America nâng mục tiêu Giá vàng lên ngưỡng 3.000 USD/ounce - cao hơn 50% so với dự báo cũ - trong báo cáo mới mang tên "Fed không thể in vàng".
Sau khi nhận định rằng động lực kỹ thuật của vàng có thể đẩy giá lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, Bank of America đã nâng mục tiêu giá vàng trong 18 tháng tới lên 3.000 USD/ounce - cao hơn 50% so với mức giá 2.000 USD ngân hàng này dự báo trước đó - trong một báo cáo vừa công bố mang tên "Fed không thể in vàng".
Bank of America dự kiến vàng thỏi sẽ có giá trung bình khoảng 1.695 USD/ounce trong năm nay và 2.063 USD trong năm 2021. Cho đến nay, mức giá kỷ lục mà vàng đạt được là 1.921,17 USD được thiết lập vào tháng 9/2011. Trong phiên giao dịch đêm qua 21/4, giá vàng giao ngay dao động quanh mức 1.680 USD/ounce và đã tăng tổng cộng 11% kể từ đầu năm.
Trước Bank of America, các quỹ đầu tư, tổ chức khác trên thế giới cũng liên tục có những dự báo về xu hướng tăng vọt của vàng trong tương lai. Cuối tháng 3 vừa qua, WingCapital Investments - quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ - đưa ra dự báo giá vàng có thể sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce với thời gian tích lũy là 3 năm.
Trong ngắn hạn, Ngân hàng ANZ đưa ra mức dự báo giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce trong quý 2 năm nay. Hay TD Securities cũng đã dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay.
Cao hơn một chút, ngân hàng đầu tư B.Riley FBR còn dự báo vàng sẽ cán mốc 2.500 USD/ounce vào quý 3 tới và giao dịch quanh mức ấy cho đến quý 4/2020.
Sabeco: Quyết định cưỡng chế 3.140 tỷ tiền thuế không còn hiệu lực, cổ phiếu hồi mạnh 47% chỉ sau 1 tháng
Tổng Công ty Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố thông tin nhận được công văn từ Cục thuế Tp.HCM rằng thông báo số 20080 ngày 30/12/2018 - liên quan đến khoản phạt hành chính và lãi chậm nộp thuế - đã không còn hiệu lực.
Được biết, cuối năm 2018, Sabeco bị Cục Thuế Tp.HCM cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco do liên quan đến vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của Sabeco với số tiền lên đến hơn 3.140 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Sabeco đã có phản hồi bày tỏ quan điểm "Không đồng ý với việc cưỡng chế thi hành của Cục Thuế Tp.HCM và buộc phải thực hiện các hành động pháp lý cần thiết ngay lập tức để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp".
Đến đầu năm 2019, Cục trưởng Cục thuế Tp.HCM quyết định dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco (theo các quyết định do cơ quan này ban hành ngày 28/12/2018).
Về Sabeco, là 1 trong những mã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đà giảm trước dịch Covid-19, hiệnc cổ phiếu SAB đang hồi phục mạnh mẽ. Chốt phiên 22/4, cổ phiếu SAB đạt mức giá 173.400 đồng/cp, tức tăng khoảng 47% chỉ sau 1 tháng giao dịch.
Năm 2020, Chính phủ sẽ thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng sai mục đích
Ngày 22/4, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ.
Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ đặt ra mục tiêu chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, sẽ thực hiện đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu và 15% tổng giá trị gói thầu. Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015.
3 kịch bản kinh tế Hà Nội ứng phó với COVID-19
Với những khó khăn trên và căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực của thành phố Hà Nội trong quý I, thành phố Hà Nội đề ra 3 kịch bản để điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 . Mục tiêu đề ra là phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%.
Kịch bản 1: Đến 22/4 hoặc 03/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.
Kịch bản 2: Dịch COVID-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản 3: Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành, quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 .
Bitcoin lặng sóng khi Giá dầu lao dốc
Theo đó, lúc 7h trên CoinDesk, giá Bitcoin đứng mức 6.852 USD, giảm nhẹ 0,4%. Trong 24 giờ gần nhất, Bitcoin dao động trong mức giá 6.782 – 6.954 USD.
Theo Coinmarketcap trong cùng khoảng thời gian trên, khối lượng giao dịch Bitcoin đạt 32 tỷ USD, giảm 5 tỷ USD; vốn hóa đi ngang khi ghi nhận mức 126 tỷ USD.
Giá Bitcoin gần như đi ngang trong ngày giá dầu thế giới lần đầu tiên về âm 37 USD/thùng là điều bất ngờ bởi lẽ trong đợt sụt giảm trước đó, Bitcoin đã lao dốc thảm hại.
Theo đó, vào đầu tháng 3/2020, giá dầu thô Brent giảm mạnh 30% xuống còn 31,02 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, khiến ngành công nghiệp tiền điện tử trải qua một trong số những chuyển động giá tồi tệ nhất cho đến nay. Bitcoin bị bán tháo ồ ạt, thị giá giảm 10% chỉ sau 24 giờ.
Tuy nhiên, trong đợt trượt giá dầu mới nhất này, Bitcoin dường như không bị ảnh hưởng. Tuy giảm nhẹ trong ngày giao dịch, nhưng đồng tiền điện tử hàng đầu này vẫn đang có giá gần 7.000 USD. Không những thế, theo nhà giao dịch Mati Greenspan, một Bitcoin hiện mua được 1.500 thùng dầu.
Tương tự Bitcoin, biến động mạnh cũng không xảy ra với các tiền ảo khác. Đơn cử, Ethereum chỉ giảm 0,2%, Bitcoin Cash giảm 0,6%, Bitcoin SV giảm 1,2%, Litecoin giảm 0,05%...
Tổng vốn hóa thị trường hiện ghi nhận mức 198 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin sáng nay giao dịch mức 161,1 triệu đồng, biến động giảm 0,15%.