Nhà đầu tư mạnh tay mua vàng
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua 22/4, vàng giao ngay tăng 1,6% lên mức 1.711,84 USD/ounce - mức tăng trong một ngày lớn nhất trong gần hai tuần qua.
Vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tăng hơn 3% tương đương mức tăng hơn 50 USD/ounce lên 1.738,3 USD/ounce. Ghi nhận trên Kitco, tính tới 8h25 sáng hôm nay 23/4 (giờ Việt Nam), vàng giao ngay tiếp tục tăng nhẹ, ở quanh mức 1.712,70 - 1.713,70 USD/ounce.
Giá vàng tăng mạnh trong phiên vừa qua do dự báo sẽ có thêm các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ giữa bối cảnh kinh tế thế giới tổn thất nghiêm trọng bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong một thông báo mới nhất, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, Hạ viện Mỹ sẽ thông qua dự luật viện trợ của Quốc hội vào hôm nay 23/4, mở đường cho thêm gần 500 tỷ đô la cứu trợ kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
"Đây là "cơn bão hoàn hảo" cho vàng. Các nhà đầu tư đang mua vàng khi chứng kiến tất cả các kích thích toàn cầu đang diễn ra", Michael Matousek, nhà giao dịch tại U.S. Global Investors nhận định.
Vàng có xu hướng được hưởng lợi nhờ các biện pháp kích thích rộng rãi từ các ngân hàng trung ương, vì nó thường được coi là một hàng rào chống lại lạm phát và giảm giá tiền tệ.
Ngoài ra, đa số các nhà phân tích đều cho rằng, đồng đô la Mỹ mạnh lên, cổ phiếu tăng giá, Giá dầu phục hồi và căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm các vấn đề gần đây của Triều Tiên và Iran, có thể sẽ cho vàng cơ hội hướng tới ngưỡng 1.800 USD/ounce và cao hơn trong năm nay. Tuy vậy, mỗi chuyên gia lại có một nhận định riêng về thời điểm tăng giá của vàng.
"Vàng kỳ hạn đã lên gần 1.800 USD vào hôm qua 22/4, tuy nhiên sau đó vàng lại giảm. Nhưng đó là "một sự tạm dừng để làm mới", chiến lược gia thị trường cao cấp của Tập đoàn LaSalle Futures, Charlie Nedoss trả lời Kitco News.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng mức 1.800 USD chỉ có thể xảy ra vào mùa hè tới. "Mức 1.800 USD vẫn có thể xảy ra, nhưng là trong vài tháng nữa, không phải vài tuần nữa", chiến lược gia trưởng thị trường của SIA Wealth Management, Colin Cieszynski nói.
Hãng bay đồng loạt tăng chuyến từ hôm nay
Hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa thông báo sẽ tăng cường khai thác các đường bay nội địa sau khi Bộ GTVT khôi phục tất cả đường bay giữa các địa phương.
Theo đó, từ ngày 23/4 đến 30/4, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay giữa Hà Nội và TP.HCM với tần suất 4-6 chuyến/ngày. Thời gian tiếp theo, hãng dự kiến tăng tần suất đường bay này lên 10-13 chuyến/ngày.
Với các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP.HCM, hãng sẽ khai thác 1 chuyến/ngày, sau đó tăng lên 2 chuyến/ngày từ 26/4 đến 30/4 và dự kiến 3-5 chuyến/ngày trong giai đoạn tiếp theo.
Hãng sẽ lần lượt khai thác trở lại với tần suất ban đầu là 1 chuyến/ngày với các đường bay giữa TP.HCM và Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa (từ 23/4), các đường bay giữa TP.HCM và Huế, Côn Đảo (từ 25/4) và các đường bay còn lại (từ 29/4).
Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng tăng tần suất bay giữa Hà Nội và TP.HCM lên 2 chuyến/ngày dưới hình thức hợp tác liên danh với Vietnam Airlines.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho hành khách và cộng đồng, Vietnam Airlines và Jetstar sẽ duy trì phun khử trùng toàn bộ đội máy bay khai thác trong ngày.
Từ ngày 23/4, VietJet cũng tăng tần suất khai thác các chuyến bay chở khách giữa Hà Nội và TP.HCM lên 6 chuyến mỗi ngày, giữa Hà Nội/TP.HCM và Đà Nẵng lên 3 chuyến mỗi ngày. Hãng khác khai thác 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày với một số chặng bay nội địa khác.
Các hãng hàng không đều triển khai kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay, yêu cầu khai báo y tế và đeo khẩu trang trong suốt hành trình.
Khảo sát trên một số website đặt vé máy bay, mức vé hạng phổ thông chặng Hà Nội - TP.HCM bay ngày 24/4 dao động từ 1.250.000 đến 4.460.000 đồng tùy theo hãng và khung giờ cất cánh. Mức giá này được đánh giá là giảm nhiều so với giai đoạn 1-22/4 (phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng).
Bất động sản nhà ở khó giảm giá sâu
Theo nhiều chuyên gia địa ốc, bất động sản nhà ở giảm giá sâu lúc này là khó xảy ra bởi nguồn cung đang hạn chế, nhưng hiện tượng xả hàng, giảm giá cục bộ ở những trường hợp cần bán là có.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu R&D DKRA Vietnam, nguồn cung khan hiếm là nguyên nhân khiến giá BĐS nói chung không giảm như kỳ vọng. Kể từ cuối năm 2018 - 2019, dù thị trường có suy giảm so với trước đó, nhưng thực tế mức giá không hề giảm mà còn tăng lên một mặt bằng mới do áp lực từ nguồn cung bị giới hạn.
Bước sang quý 1/2020, do tình hình dịch bệnh, chưa có nhiều dự án mở bán để ghi nhận giao dịch nên mức giá chủ yếu vẫn duy trì như ở quý 4/2019, chưa thể xác định là giảm nên rất khó nói giá BĐS đã xuống đáy hay chưa ở giai đoạn này.
Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay cả các nhà đầu tư hướng đến BĐS có khả năng khai thác dòng tiền cho thuê tốt. Còn với nhu cầu ở, khách hàng sẽ ít cân nhắc về thời điểm hơn mà tập trung vào chất lượng sản phẩm, giá cả, pháp lý và đặc biệt là yếu tố quy hoạch, không gian sống cùng với cam kết triển khai xây dựng và phát triển dự án của các chủ đầu tư.
Xu hướng của người mua vẫn hướng đến các sản phẩm được đầu tư bài bản và mang lại giá trị bền vững, đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng. Vì thế, có lẽ yếu tố giảm giá chưa hoàn toàn là yếu tố duy nhất để người mua quyết định “xuống tiền”.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian tới nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Ôtô nội sắp được giảm lệ phí trước bạ 50%
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong Dự thảo có nêu rõ hai nhiệm vụ và giải pháp là "giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước" và xây dựng "các Chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội".
Hiện tại, mức lệ phí trước bạ đăng ký xe con dưới 9 chỗ ngồi tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%.
Thị trường hồi phục, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 340 tỷ đồng trong phiên 23/4
Phiên giao dịch 23/4 khép lại với những diễn biến trái chiều của các chỉ số. Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 4,99 điểm (0,65%) lên 773,91 điểm; UPCom-Index tăng 0,5% lên 51,74 điểm và chỉ có HNX-Index giảm 0,15% uống 106,64 điểm.
Dù vậy, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ khi họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 340 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các cổ phiếu lớn như VNM (91,19 tỷ đồng), VRE (50,8 tỷ đồng), HDB (30 tỷ đồng), VCB (28,8 tỷ đồng)…
Trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh với 11,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 315,06 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 492 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 11,48 tỷ đồng. Trên UPCom, khối ngoại kéo dài chuỗi phiên bán ròng liên tiếp lên con số 15 với giá trị 11,44 tỷ đồng.
Tỷ phú Ấn Độ lấy lại ngôi người giàu nhất châu Á
Hôm 22/4, tài sản của tỷ phú Ambani tăng 4,7 tỷ USD lên 49,2 tỷ USD sau khi cổ phiếu của Reliance Industries nhảy vọt 10%. Cú tăng này giúp tài sản của tỷ phú Ấn Độ cao hơn khoảng 3,2 tỷ USD so với những gì Jack Ma sở hữu, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ngày 21/4, Facebook thông báo sẽ mua lại 9,9% cổ phần nhà mạng Jio Platforms của doanh nhân Ambani với giá 5,7 tỷ USD. Với thỏa thuận này, Facebook sẽ có quyền tiếp cận 370 triệu khách hàng đăng ký của Jio.
Tính từ đầu năm đến trước hôm 22/4, tài sản của ông Ambani - tỷ phú sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới - giảm tới 14 tỷ USD, theo khảo sát của Bloomberg. Trong khi đó, Jack Ma - người sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử - mất gần 1 tỷ USD.
Với nửa tỷ người sử dụng Internet, Ấn Độ là thị trường trọng điểm của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Amazon, Apple, Microsoft và Google. Tại Ấn Độ, Facebook có khoảng 250 triệu người dùng, trong khi WhatsApp có đến 400 triệu người dùng.