Quyết định táo bạo của ông chủ Bamboo Airways
Mới đây, trả lời hãng tin Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỷ USD nhằm phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.
Bamboo Airways cũng sẽ thuê thêm máy bay trong năm nay để phục vụ kế hoạch mở rộng, thay vì mua thêm. Hiện hãng đang vận hành 45 – 50 chuyến bay nội địa/ngày, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 chuyến/ngày vào đầu tháng Sáu, ngang 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.
Mặc dù ảnh hưởng từ dịch bệnh buộc Bamboo Airways phải giảm tần suất bay, dẫn tới khoản lỗ hơn 1,5 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được chặn đứng tại Việt Nam, Chủ tịch Bamboo Airways đặt mục tiêu hãng sẽ tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Trong đó, dự kiến đường bay Mỹ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Trong một văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cụ thể việc áp dụng các Chính sách hỗ trợ ngành hàng không do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bamboo Airways cho biết, dự kiến đến hết tháng 5/2020, hoạt động khai thác của Bamboo Airways đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Theo ước tính, thiệt hại của Bamboo Airways lên đến 4.455 tỷ đồng.
Cụ thể, Doanh thu thiệt hại ước tính đối với hoạt động kinh doanh thuê chuyến dự kiến ở mức 701 tỷ đồng. Trong đó, Bamboo Airways và các đối tác phải hủy toàn bộ các hợp đồng thuê chuyến bay từ Đài Loan, Ma Cao, Nhật Bản thiệt hại với giá trị lên đến 384 tỷ đồng. Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẽ phải dừng ký các hợp đồng thuê chuyển bay sang Trung Quốc dự kiến với tổng giá trị 317 tỷ đồng mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực.
Mặc dù tình hình kinh doanh chưa thoát khỏi khó khăn, trong bài trả lời Bloomberg, ông Quyết cũng cho biết, Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4/2020, sau khi từng phải hoãn lại tiến độ do dịch Covid-19 trong quý 2 năm nay.
Vingroup xác định 2020 là năm thắt lưng buộc bụng, đặt mục tiêu 145.000 tỷ doanh thu và 5.000 tỷ LNST
Vingroup nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn chưa được kiểm soát triệt để và nhiều ngành nghề như du lịch, sản xuất có sự phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, năm 2020 sẽ tiếp tục là năm thách thức trước khi đưa hoạt động trở lại quỹ đạo vốn có.
Nhằm chủ động nguồn lực đối phó với những bất ổn do Covid-19, Vingroup sẽ thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu và mở rộng, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động các lĩnh vực hiện có.
Về hoạt động kinh doanh, ở lĩnh vực bất động sản, Vinhomes sẽ tiếp tục mở bán các phân khu mới thuộc 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park, mở bán phân khu thấp tầng tại dự án Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng, Hà Nội.
Vinhomes cũng bắt đầu hiện thực hóa chiến lược phát triển các mảng kinh doanh nhằm tạo dòng tiền đều cho công ty bao gồm phát triển hệ thống văn phòng cho thuê và khu công nghiệp.
Ở lĩnh vực cho thuê trung tâm thương mại, Vincom Retail sẽ đẩy mạnh số hóa và hiện thực hóa mô hình mua sắm – giải trí; Vinpearl tập trung thúc đẩy kinh doanh với số cơ sở đã đi vào hoạt động và ưu tiên các dự án tối ưu chi phí vận hành.
Trong lĩnh vực công nghiệp, VinFast và Vinsmart tập trung vào bán hàng tại thị trường trong nước, tận dụng tối đa hệ sinh thái Vingroup tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm đồng thời xúc tiến xuất khẩu.
Bitcoin đi ngang, nhiều tiền ảo bứt phá
Theo đó, lúc 6h30 trên CoinDesk, giá Bitcoin đang đứng mức 9.722 USD, nhích tăng 0,1%, giúp mỗi coin thêm 12,9 USD.
Trong 24 giờ gần nhất, tiền ảo hàng đầu giao dịch trong khoảng 9.523 USD – 9.933 USD (thấp nhất – cao nhất). Khối lượng giao dịch đạt 41,9 tỷ USD, vốn hóa ghi nhận mức 178,8 USD.
Thị trường tiền ảo tuần qua chứng kiến sự thất bại của Bitcoin trước nỗ lực vượt qua ngưỡng 10.000 USD. Đáng nói, trong khi Bitcoin lặng sóng thì nhiều tiền ảo vốn hóa nhỏ hơn như Ethereum, Bitcoin SV, Tezos… lại “bốc đầu” tăng mạnh.
Cụ thể, Etherum tăng 3,6% lên 214 USD, vốn hóa đạt 23,8 tỷ USD, khối lượng giao dịch đạt 17,4 tỷ USD.
Bitcoin SV tăng 5,7% lên 203 USD, đẩy vốn hóa vọt lên trên 4,5 tỷ USD.
Litecoin đang giao dịch mức 45,3 USD, tăng 3,5%, khối lượng giao dịch đạt 4,5 tỷ USD.
Tezos tăng 4,7% lên 2,75 USD, vốn hóa ghi nhận mức 1,95 tỷ USD.
Tổng vốn hóa toàn thị trường hiện ghi nhận trên 266,8 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so hôm qua.
Tin tức chứng khoán trong ngày: VnIndex chốt phiên tăng 9 điểm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5, VnIndex hạ nhiệt một chút, chỉ tăng gần 9 điểm lên 845,92 điểm. HNX-Index tăng 0,29 điểm lên 108,8 điểm.
Điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm nay là thanh khoản. Riêng sàn HoSE hôm nay đạt giá trị giao dịch lên đến hơn 8.000 tỷ đồng-cao nhất trong nhiều tháng. Sàn HNX đạt 622,8 tỷ đồng. Dòng tiền đã mạnh mẽ trở lại thị trường chứng khoán khi mà Việt Nam đã có đến 35 ngày liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và trạng thái "bình thường mới" đã được người dân, doanh nghiệp quen.
Trong nhóm VN30, CTG bứt phá tăng 4,4% phiên hôm nay đã tác động không nhỏ lên chỉ số chung. EIB, TCB, MBB cũng đạt mức tăng khá mạnh trên 2%.
Phía giảm giá, trong nhóm VN30 chỉ có 5 mã giảm trong đó không có mã nào giảm quá 1%. Bên mua có vẻ đang thắng thế và bên bán đang lùi lại một chút tránh bị "bỏ rơi" khỏi thị trường chứng khoán như trong các sóng tăng giá vừa qua.
Dòng tiền vẫn tiếp tục dò dẫm tìm đến các cổ phiếu ngân hàng. Theo quan sát của chúng tôi, STB, CTG, MBB liên tục đạt thanh khoản cao nhiều ngày liên tiếp. Phiên hôm nay, cả 3 cổ phiếu này đều đạt khối lượng giao dịch trên 9 triệu cổ phiếu.
Giá vàng, tin Giá vàng mới nhất hôm nay 19/5
Giá vàng, tin giá vàng mới nhất, giá vàng thế giới bất ngờ tăng vọt lên đỉnh 7 năm bất chấp chứng khoán Mỹ tăng mạnh.
Giá vàng thế giới giao ngay vượt ngưỡng 1.760 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York cũng có lúc vọt lên trên ở mức 1.770 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 36,4% (467 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 700 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng, tin giá vàng mới nhất hôm nay, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 13/5 đa số các cửa hàng vàng đều tăng giá vàng 9999 khoảng 1 triệu đồng/ lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên áp cuối tuần trước.
Giá vàng SJC được tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 48,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,15 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó giá vàng SJC tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 48,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,42 triệu đồng/lượng (bán ra).