(Tinmoi.vn) Theo tình hình biển Đông mới nhất ngày 24/5, tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, phía Trung Quốc tiếp tục sử dụng nhiều tàu lớn uy hiếp tàu Việt Nam.
Trung Quốc sử dụng nhiều tàu uy hiếp tàu Việt Nam
Theo tin tức ngày 23/5, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa biển động, sóng biển có lúc dâng cao tới 1,5m. Khi tàu chấp pháp của Việt Nam cách vị trí giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam khoảng 8,5 hải lý để làm nhiệm vụ tuyên truyền buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam thì xuất hiện nhiều tàu trọng tải lớn của Trung Quốc tạo vòng vây ngăn cản, rượt đuổi tàu chấp pháp của Việt Nam.
Đặc biệt, vào lúc 10 giờ 15 phút cùng ngày xuất hiện máy bay cánh bằng bay lượn nhiều vòng trên đội hình tàu chấp pháp của Việt Nam.
Trong buổi sáng 23/5, quanh khu vực hoạt động trong vùng biển của mình, tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam phát hiện 30 tàu của Trung Quốc cùng sáu tàu hàng, 32 tàu cá và ba đầu kéo hoạt động.
Trung Quốc "cảnh báo" Nhật không can dự tình hình Biển Đông
Theo tin tức Reuters ngày 23/5, phía Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Nhật Bản tránh xa tranh chấp chủ quyền ở Bắc Kinh với các nước láng giềng ở biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay “Những tuyên bố từ phía Nhật đã bỏ qua thực tế, làm xáo trộn những sự kiện và ẩn chứa bên trong động cơ chính trị can thiệp vào tình hình ở biển Đông để phục vụ cho mục đích bí mật. Chúng tôi yêu cầu phía Nhật nên có những hành động thiết thực để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”
Phát ngôn của Trung Quốc đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đầu tháng 5, Trung Quốc đã ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bất chấp sự chỉ trích của nhiều nước trên thế giới, hiện Bắc Kinh vẫn cho duy trì hàng trăm tàu thuyền, gồm cả tàu chiến lẫn tàu tuần duyên, trong vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho hoạt động trái phép của giàn khoan này.
Công bố clip khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Theo tin tức tại cuộc họp báo về tình hình biển Đông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải đã công chiều đoạn clip ghi lại những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo đoạn clip, các văn bản chính thức của nhà nước phong kiến Việt Nam như chỉ dụ, sắc phong, sắc chỉ và các tấu sớ hiện nay đang lưu giữ tại nhiều nơi trong cả nước là bằng chứng xác thực khẳng định Việt Nam là chủ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd xuất bản năm 1983, và hàng chục tập bản đồ của Công ty Đông ấn Hà Lan thể hiện 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Ít nhất từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác nhận và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa khi hai quần đảo này còn vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đã thực thi chủ quyền đó một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối từ bất cứ quốc gia nào.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9/1951 - Hội nghị giải quyết vấn đề các vùng lãnh thổ sau Thế chiến II với sự tham dự của 51 quốc gia.
Tại đây, Trưởng phái đoàn Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại.
Trong hội nghị, phái đoàn Liên Xô đã đề xuất trao chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng đã bị đa số đại biểu phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
Đặc biệt ông Hải cũng cho rằng năm 1974, TQ sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp. Bị vong lục 1988 của TQ, văn bản chính thức của TQ khẳng định nguyên tắc: Xâm lược không sinh ra chủ quyền, trên thế giới không quốc gia nào công nhận chủ quyền của TQ với Hoàng Sa.
Ông Trần Duy Hải cũng khẳng định việc Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là vô lý và Trung Quốc đã viện dẫn sai lệch công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. Bởi Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập lãnh thổ chủ quyền, không đề cập hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chỉ ghi nhận tán thành TQ mở rộng lãnh hải 12 hải lý.
Tinmoi.vn Cập nhật tin tức tình hình biển Đông mới nhất, nhanh nhất
H.Nguyên
Xem thêm video: Dư luận đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng về tình hình biển Đông