Tin mới

Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà nói gì về vụ nước sạch có 'mùi lạ'?

Thứ ba, 15/10/2019, 20:51 (GMT+7)

Liên quan vụ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội có mùi lạ, khét như nhựa cháy, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà cho biết: "Bản thân tôi cũng là người đi làm thuê, nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn và quá hay! Tôi vì cái tâm duy nhất là phục vụ người dân chứ không vì cái gì khác".

Theo tin tức từ Dân Trí, chiều ngày 15/10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vẫn khăng khăng khẳng định hệ thống kiểm định nước sạch sông Đà “hoàn toàn là tốt”. Vì công ty này nội kiểm nước sạch sông Đà không có vấn đề gì. Dù trước đó, trong buổi họp báo, ông Hoàn Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nước sạch sông Đà không đảm bảo chất lượng.

Trả lời về việc đơn vị này đã không thông báo cho cơ quan chức năng khi sự cố xảy ra, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Cty nước sạch Sông Đà đã giơ một tờ văn bản và nói đơn vị "có công văn báo cáo Công an và UBND tỉnh Hòa Bình".

TGĐ Cty nước sạch Sông Đà Nguyễn Văn Tốn tại buổi giao ban báo chí chiều 15/10. Ảnh báo Giao Thông

Nói thêm về việc tại sao phải báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình, ông Tốn lý giải, vì địa bàn đó (nơi đặt Nhà máy nước sông Đà-PV) thuộc huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Cũng theo Infonet, nói về sự cố nước sạch có "mùi lạ", ông Tốn cho biết: Ngày 9/10, đội vớt rong rêu của Nhà máy nước sông Đà đã phát hiện ở cửa kênh nhận nước vào khu xử lý của nhà máy xuất hiện váng dầu.

“Trước đó, trời có mưa còn dầu thải bị đổ trên đường, cách hồ, kênh của nhà máy 3km và vị trí này nằm trên đường mòn, một bên là khe suối. Dầu thải đó đổ rải ra đường và do mưa chảy qua đường và xuống ao cá nhà dân. Ao cá đó khi mưa đã tràn tiếp xuống suối Kum, chảy lên suối Vằng, sau đó dầu tiếp tục tràn xuống hồ Đồng Bãi...", ông Tốn giải thích.

Ông Tốn cho hay, phát hiện sự việc lúc 9h, và công ty đã huy động cán bộ công nhân viên, thuê cả người dân ở ngoài và dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ. Sau đó tiến hành vớt, dùng hút dầu chuyên dụng, một là cô lập dầu lại, hai là tránh ô nhiễm nguồn nước.

"Song song đó, công ty cũng cử người đi tìm lý do tại sao và đi lòng vòng khe núi mới phát hiện ra dầu thải đó vãi trên đường và công ty huy động hai xe cát để thấm, làm sạch đường, cách ly toàn bộ khu vực dầu tràn xuống. Ngày 10/10, huy động người dân ở đó làm sạch toàn bộ", ông Tốn nêu.

Trả lời thêm về việc báo cáo chính quyền địa phương, ông Tốn cho rằng, ngay lúc đó công ty đã gọi điện báo chính quyền địa phương và công an tỉnh truy tìm, lập biên bản, nhưng sáng hôm sau mới xuống, có biên bản ngày 10/10.

"Tại sao công ty báo cáo ngày 10/10, vì tất cả công nhân viên tập trung vớt dầu, kể cả văn thư, kế toán phải ra vớt dầu. Cái đó người dân chứng kiến", ông Tốn giải thích.

Phân trần về việc vẫn cấp nước cho người dân, ông Tốn nói: "Thực ra lúc bấy giờ, thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng… Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện “cắt nước thì phải có lý do”, “bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu”.

Sau đó công ty lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C, nhưng phân tích phải 10-20 ngày mới có kết quả. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước”.

Tổng Giám đốc công ty Viwasupco nói thêm: “Có người bảo báo cáo TP nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo. Nếu xác định rõ như thế này thì không… Còn để phát hiện ra chất này (styren) đòi hỏi phải có thời gian, công cụ, công ty không có đủ khả năng kiểm định những chất trong nhóm C. Công ty chỉ kiểm tra chỉ tiêu A, nếu styren nằm trong chỉ tiêu A mà công ty vẫn cấp nước thì mới là có vấn đề”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về trách nhiệm liên quan đến việc biết nước nhiễm dầu vẫn cấp nước bán cho dân... ông Tốn thừa nhận, đây là lần đầu tiên có sự cố dạng này.

“Chất thải đó có xử lý được không? Thực ra trong dây chuyền có một máng hớt váng, công nghệ xử lý được cái này không thì không dám chắc vì lần đầu tiên xảy ra. Cty cũng không lấy nước ô nhiễm xử lý vì đã khoanh vùng xử lý, nước đó là bình thường”, ôn Tốn lý giải.

Ông Tốn mong được thông cảm, Cty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Làm cái này trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết chứ không phải vì cái gì. Qua đây thì cũng rút kinh nghiệm những phản ánh của khách hàng. Nhiều khi Cty cũng không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu”, ông Tốn nói, đồng thời “xin lỗi” vì khách hàng là thượng đế mà nhiều khi khách hàng cần mà không đến kịp thời . “Vâng! Xin lỗi”, ông Tốn nói.

Trả lời một số chất vấn về trách nhiệm cá nhân, ông Tốn cho rằng, Cty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm. “Tôi cũng là Tổng giám đốc làm thuê thôi. Vấn đề mà bảo mình suy nghĩ về vấn đề cấp nước. Nếu không cấp nước thì quá an toàn và quá hay. Mọi chuyện chỉ có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân, không vì cái gì hết”, ông Tốn nói thêm.

Cũng liên quan đến vụ việc này, tin tức trên NGười Lao Động cho hay, trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung  cho biết, TP nhận được phản ánh của người dân và báo chí về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường. Ngay sau đó, TP đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà (Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà).

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ việc này, đồng thời có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Công an tỉnh điều tra, làm rõ trách nhiệm công ty.

Sau sự cố này, người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho biết đề nghị nhà máy lắp camera để giám sát toàn bộ việc bảo vệ nguồn nước, bên cạnh đó cần thay đổi, nâng cao công nghệ, đảm bảo chất lượng nguồn nước cho người dân sử dụng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news