Tin mới

TP HCM: Khoảng 370.000 lao động chưa định quay lại làm việc

Chủ nhật, 19/12/2021, 13:51 (GMT+7)

Số liệu được ĐH Kinh tế TP HCM công bố tại Tọa đàm trực tuyến "Chính sách lao động - việc làm trong điều kiện bình thường mới".

Ngày 17/12, tại Tọa đàm trực tuyến "Chính sách lao động - việc làm trong điều kiện bình thường mới", khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (Đại học Kinh tế TP HCM) đã đưa ra số liệu cho biết có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời TP. HCM giai đoạn từ quý 4 năm 2020 đến quý 3 năm 2021. Từ khảo sát giai đoạn 8-30/10, nhóm nghiên cứu dự báo có khoảng 370.000 lao động chưa định quay lại thành phố, trong đó có khoảng 140.000 lao động không quay lại.

Chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp giúp người lao động an tâm trở lại làm việc. Ảnh minh họa: Báo NLD
Chính sách chăm lo tốt của doanh nghiệp giúp người lao động an tâm trở lại làm việc. Ảnh minh họa: Báo NLD

Về yếu tố quyết định trong việc quay lại nơi làm việc, nhóm lao động rời TP HCM cho biết: Điều kiện làm việc và thu nhập, điều kiện y tế, sinh hoạt, học tập con cái và thói quen công cộng. Một số khó khăn khiến người lao động lo lắng khi quay trở lại bao gồm: Giãn cách không ổn định, việc đi lại và đáp ứng quy định phòng dịch, vấn đề ăn ở, xin việc làm, cuộc sống cũng như học tập của con cái.

Tỷ lệ đồng tình với quan điểm trở lại thành phố gấp đôi tỷ lệ ở lại địa phương. Trong khi đó, tỷ lệ người thân của họ ở quê mong muốn con em ở lại địa phương làm việc lại cao hơn so với việc lên thành phố mưu sinh.

Ảnh minh họa: VnE
Ảnh minh họa: VnE

Với nhóm lao động ở lại thành phố, tỷ lệ  nghỉ việc hoàn toàn là 21,6% ở nhóm công việc toàn thời gian, 43,5% bán thời gian, 70,3 % làm thuê và 45,7% nhóm kinh doanh tự do.  

Nghiên cứu cho biết, lực lượng lao động tại thành phố thời gian tới vẫn bị thu hẹp, kể cả lao động nhập cư và lao động tại địa phương. Tổng số việc làm, số giờ làm việc trong nền kinh tế và mức lương bình quân của lao động sẽ giảm. Về vị thế làm việc, lao động làm công ăn lương sẽ giảm, lao động tự do tăng. Điều này làm tăng nhóm lao động dễ bị tổn thương, gây áp lực cho phúc lợi xã hội về sau.

T.H

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news