Tin mới

TP HCM: Phát hiện 2.758 người nhiễm HIV, 73% thuộc nhóm nam quan hệ đồng giới

Thứ ba, 27/09/2022, 14:57 (GMT+7)

TP HCM phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV trong đó nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm và 73% thuộc nhóm nam quan hệ đồng giới MSM.

Đây là thông tin được bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó GĐ Sở Y tế TP HCM thông tin tại hội nghị khởi động triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) vào ngày 27/9, theo Người lao động Thanh Niên.

Theo như bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP HCM đã phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV, trong đó nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống (trong độ tuổi sinh viên – học sinh), 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40.

Bác sĩ Hưng cho biết ngoài những biện pháp mà thành phố đang triển khai hỗ trợ như: Tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV... ngành y tế cần hướng đến những nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ thuận lợi, trong đó phải kể đến là việc thí điểm về mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa, đặc biệt với nhóm MSM.

Chương trình tập huấn triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP). Ảnh: Thanh Niên
Chương trình tập huấn triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP). Ảnh: Thanh Niên

Tại TPHCM, PrEP được triển khai thí điểm đầu tiên vào năm 2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Tổ chức USAID/PATH.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP HCM đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công và tư và tính từ thời điểm triển khai, chương trình đã điều trị lũy tích cho 23.587 khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP, trong đó khách hàng là nhóm MSM chiếm 83%. 

Nhằm hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS, ngành y tế thành phố đã tăng cường triển khai những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, gồm PrEP. 

Mặc dù vậy, thời gian vừa qua do tác động của dịch Covid-19 nên nhiều bệnh nhân nói chung và các khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng đã không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. 

Người bệnh được tư vấn online và được giao thuốc tận nhà. Ảnh: Internet
Người bệnh được tư vấn online và được giao thuốc tận nhà. Ảnh: Internet

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, không những với người nhiễm HIV mà còn trên nhóm người sử dụng PrEP, nhóm đối tượng MSM và nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, dẫn đến tình trạng nhóm này ngại đến trực tiếp các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV.

Các khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám, bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc khám và tư vấn, điều trị PrEP.

Việc cấp phát thuốc sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển mà không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc. 

Với mô hình này, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP, đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện; dự phòng HIV kịp thời, đặc biệt dành cho các nhóm đích như: Nam quan hệ tình dục với nam (MSM), vợ hoặc chồng của người nhiễm HIV...

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: TP HCM HIV AIDS