Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 77.000 ca sốt xuất huyết và 42 ca tử vong; riêng tại TP.HCM đã ghi nhận tới gần 19.000 ca, trong đó có 10 ca tử vong. Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM.
Số bệnh nhân tới Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã tăng 100%. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, số ca nặng tại các tỉnh do thiếu dịch cao phân tử, phải chuyển lên thành phố chiếm 80%. Bệnh viện Nhi đồng thành phố hiện nay có 5 ca thở máy, 8 ca cấp cứu do sốc và nguồn dịch truyền cao phân tử trị sốt xuất huyết đã hết.
Theo BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới, công suất của bệnh viện hiện nay đã vượt 50%, rơi vào tình trạng quá tải. Đa số bệnh nhân khi đến bệnh viện đã vào tình trạng cảnh báo nặng. Bác sĩ Dũng cho biết hiện tại, bệnh viện đang thiếu các chế phẩm về máu, đặc biệt là các nhóm máu hiếm: “Sắp tới, bệnh viện không thể kham nổi nữa. Đề xuất các tuyến trước, các ca nào chống sốc được thì chống sốc và nhờ bệnh viện Bệnh nhiệt đới hỗ trợ.
BV cũng sẽ hạn chế nhận BN nhi để nhận người lớn, bệnh nhi thì chuyển 3 bệnh viện nhi của thành phố. Mặt khác, phụ nữ có thai suy đa tạng, suy gan, xuất huyết nhiều nên bệnh viện lập phác đồ điều trị. Bệnh viện sẽ hạn chế nhận bệnh uốn ván để điều trị sốt xuất huyết, vì khoa hồi sức cấp cứu hiện đã nhận 20 bệnh nhân uốn ván, trong khi khoa chỉ có 30 giường”.
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã ghi nhận 18.976 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 151% với cùng kỳ năm 2021. Số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca, có 10 ca tử vong tính từ đầu năm đến nay. Hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và dự báo còn tăng cao.
Theo Pasteur TP.HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết phía nam đạt đỉnh kéo dài từ tháng 8 và cao điểm vào tháng 10. Do đó TP.HCM và các tỉnh phía nam phải thực hiện quyết liệt, tránh để cả hệ thống điều trị càng căng thẳng hơn.
Sở phối hợp với Sở TT-TT định kỳ nhắn tin nhắc nhở các cơ quan, trường học, gia đình diệt lăng quăng, diệt muỗi hàng tuần. Bên cạnh đó, ngành y tế TP đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng thu dung, điều trị, mở thêm giường hồi sức nếu ca bệnh gia tăng. Sở Y tế kêu gọi người dân chụp lại địa điểm có lăng quăng và gửi về ứng dụng “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở phối hợp với địa phương xử lý.
Ảnh: Tổng hợp