Tin mới

Hà Nội ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong vì sốt xuất huyết, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo

Thứ tư, 02/09/2020, 17:28 (GMT+7)

Trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân là nam giới, 57 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm khi được nhập viện đã trong tình trạng suy đa tạng.

Theo Người Lao Động Vietnamnet, Hà Nội ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết trong vòng 2 tuần qua. Bệnh nhân sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khi nhập viện, men gan của bệnh nhân tăng cao, trên 4.000 và bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Lúc đầu bệnh nhân đến khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, được lọc máu.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Internet

Sau đó bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị, sau nửa ngày chuyển tiếp lên khoa Hồi sức tích cực để chạy EMO (tim phổi nhân tạo) và hồi sức.

Dù được điều trị tích cực, lọc máu liên tục nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Được biết, trong 5 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Đây là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết chỉ trong nửa tháng qua. Điều đáng nói là cả 2 bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng, suy đa tạng.

Trước đó, cách đây nửa tháng, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 1 bệnh nhân sốt xuất huyết là nam thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.

Chỉ trong vòng nửa tháng qua, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Ảnh minh họa

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng gia đình đã cho con truyền dịch tại nhà, không đến bệnh viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khi đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được 2 lần hồi sức tim thành công và được áp dụng kỹ thuật ECMO  (tim phổi nhân tạo) nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Chuyên gia cảnh báo sai lầm hay mắc phải

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều người bị sốt xuất huyết mắc sai lầm khi đến bệnh viện muộn.

Chia sẻ với Vietnamnet, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong sốt xuất huyết có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.

Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Các hiểu hiện của người mắc sốt xuất huyết. Ảnh: BV Bạch Mai

Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra.

Do đó BS Cấp khuyến cáo, những bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần làm xét nghiệm tiểu cầu trong 3 ngày liên tiếp, vào các ngày thứ 4-5-6 vì theo dõi biến chứng hạ tiểu cầu là phải theo dõi xu thế chứ không phải chỉ một thời điểm.

“Nếu ngày thứ 6, tiểu cầu vẫn có xu thế đi xuống thì ngày thứ 7 phải làm xét nghiệm lại. Còn nếu ngày thứ 4-5 thấp, thứ 6 bắt đầu tăng lên thì không cần làm nữa”, BS Cấp thông tin.

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh. Ảnh: Internet

Chuyên gia gia khuyến cáo về triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news