Phụ huynh băn khoăn
Có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Tuyết Hạnh, ngụ quận Tân Phú, Tp.HCM khá lúng túng trước quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng từ đầu năm 2023 theo Luật Cư trú.
Bởi theo chị Hạnh tìm hiểu, những năm trước, việc phân tuyến cho trẻ vào trường tiểu học căn cứ trên địa chỉ thường trú, tạm trú trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú của gia đình.
“Khi đi làm thủ tục nhập học cho con, nhà trường yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú có công chứng. Như vậy, sắp tới không biết con tôi sẽ được phân tuyến dựa trên căn cứ nào và phụ huynh cần chuẩn bị giấy tờ gì để chứng minh nơi cư trú và làm thủ tục nhập học cho con?”, chị Tuyết Hạnh băn khoăn.
Trước khi mua nhà lấy vợ từ năm 2013, anh Trần Minh Đức, ở quận Phú Nhuận, Tp.HCM đã quan tâm đến yếu tố tìm trường học cho con. Anh Đức chấp nhận ở khu vực trung tâm, giá nhà và mọi chi phí đắt đỏ để con được học trường tốt. Chính cuốn sổ hộ khẩu tại địa bàn là tấm "lệnh bài" bảo đảm cho con anh vào học ở ngôi trường mong muốn ngay cạnh nhà.
"Sắp tới con tôi một cháu vào lớp 1, một cháu vào lớp 6. Nếu theo cách xét sổ hộ khẩu như trước đây hai cháu đều sẽ vào học trường gần nhà, không có gì phải lăn tăn. Nhưng, bây giờ bỏ sổ hộ khẩu, tôi không biết con mình sẽ vào học ở trường nào, không biết các cháu sẽ đi đâu?", anh Đức đặt câu hỏi.
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, sổ hộ khẩu chính là cách "chắc ăn" nhất để học sinh được xét tuyển đúng tuyến, là cơ sở quan trọng để các địa bàn phân tuyến trường học cho học sinh. Vì thế, việc "khai tử" sổ hộ khẩu làm nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình có hộ khẩu ngay tại các khu vực trường điểm lo lắng cho việc tuyển sinh của con, thậm chí lo ngại việc chạy trường, học trái tuyến.
Vẫn tuyển sinh căn cứ nơi cư trú
Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết, quy định mới của Luật Cư trú về cơ bản không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đầu cấp của các địa phương. Bởi sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú bằng giấy hết hiệu lực nhưng việc cư trú của công dân vẫn được quản lý bằng hình thức số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc theo Căn cước công dân gắn chip.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh được quản lý theo mã số định danh, trong đó có thông tin nơi cư trú. Như vậy, bỏ sổ hộ khẩu chỉ là đơn giản hóa thủ tục giấy tờ hành chính, còn việc tuyển sinh đầu cấp tại các quận, huyện vẫn trên cơ sở phân tuyến theo nơi cư trú của học sinh.
Theo ông Phan Sĩ Đạt, thông thường trước các kỳ tuyển sinh đầu cấp, các phường sẽ tổ chức rà soát, thống kê danh sách trẻ đến tuổi đi học, sau đó gửi về Phòng GD&ĐT.
Căn cứ vào danh sách này và số chỗ học của các trường tiểu học, hội đồng tuyển sinh của quận sẽ thực hiện phân tuyến và công bố danh sách phân tuyến về phường để địa phương phát giấy gọi học sinh đến trường.
Đối với học sinh vào lớp 6, các trường tiểu học sẽ căn cứ vào danh sách phân tuyến của hội đồng tuyển sinh để chủ động chuyển hồ sơ học sinh lớp 5 về các trường THCS theo đúng tuyến. Sau đó, các trường THCS công bố danh sách học sinh trúng tuyển vào trường.
Tại quận Tân Phú, việc tuyển sinh đầu cấp đã được thực hiện trực tuyến 3 năm qua nên việc bỏ sổ hộ khẩu giấy không ảnh hưởng đến quy trình này. Khi nhận giấy gọi vào học lớp 1, phụ huynh căn cứ vào đó để thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
“Quận sẽ phân bổ số lượng học sinh các lớp đầu cấp vào các trường theo nguyên tắc trẻ vào trường cùng phường hoặc phường lân cận sao cho thuận tiện nhất và đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ đang cư trú trên địa bàn. Khi bỏ sổ hộ khẩu thì phụ huynh làm thủ tục nhập học không cần nộp sổ hộ khẩu mà chỉ cần giấy xác nhận cư trú do công an xã, phường cấp”, ông Phan Sĩ Đạt hướng dẫn.
Quan trọng nhất là khâu điều tra thực tế
Là địa bàn phức tạp về dân số cơ học, đại diện Phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức cho biết, việc bỏ hộ khẩu không có nghĩa là tuyển sinh tự do mà vẫn phải căn cứ nơi cư trú thực tế. Do đó, sắp tới khi ban hành kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, Tp.Thủ Đức sẽ có những quy định cụ thể.
Trong đó, người dân có nhiều nơi cư trú khác nhau thì phải lựa chọn 1 nơi cư trú để xác nhận trên phần mềm đăng ký tuyển sinh. Hiện nay, Tp.Thủ Đức và các quận, huyện đều thực hiện tuyển sinh trực tuyến và căn cứ theo địa chỉ người dân đang ở trên thực tế.
Như vậy, không chỉ căn cứ mã số định danh của học sinh mà còn căn cứ vào căn cước công dân của phụ huynh, vào tình trạng gia đình của học sinh. Chẳng hạn, tùy hoàn cảnh gia đình mà học sinh ở chung với ba hoặc mẹ, hoặc người giám hộ. Hoặc có tình trạng người dân sau khi có kế hoạch tuyển sinh mới đề nghị thay đổi chỗ ở.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT Tp.Thủ Đức chỉ ra, một số trường hợp ở tỉnh lân cận cố tình nhập nơi cư trú để con được học ở Tp.HCM gây quá tải ở một số địa bàn giáp ranh. Với các trường hợp này, cần căn cứ trên điều tra thực tế của phường và giải quyết sau khi hoàn tất đợt tuyển sinh.
“Sắp tới, các phường, tổ dân phố sẽ tập trung điều tra thông tin cư trú theo địa bàn dân cư, trong đó chủ yếu là xác định thông tin của gia đình có con em chuẩn bị vào lớp 1. Còn lớp 6 chủ yếu vẫn phân tuyển dựa trên trường tiểu học mà các em đang học, trừ một số trường hợp phát sinh thêm”, ông Nguyên cho hay.
Còn ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân cũng nhấn mạnh, công tác điều tra cư trú và nhập liệu là quan trọng nhất, còn giấy tờ chỉ là hình thức chứ không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh.
Về cơ bản, công việc của đội ngũ chuyên trách giáo dục ở địa phương hằng năm không thay đổi, đó là làm công tác điều tra trước tuyển sinh và tiếp tục làm công tác phổ cập để đảm bảo tỉ lệ nhập học sau tuyển sinh.
“Địa phương cần xác minh thời gian cư trú thực tế để có sự phân tuyến phù hợp. Bởi có những trường hợp khai là cư trú dài hạn nhưng thực tế mới chuyển đến nơi cư trú ngay trước thời điểm tuyển sinh thì quận rất khó sắp xếp trường học theo tuyến. Do đó, với các trường hợp phát sinh này, các phòng GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Tp.HCM có hướng dẫn cụ thể”, ông Tuyên đề nghị.