(Tinmoi.vn) Theo Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung Quốc chắc chắn còn ngoan cố nhưng càng ngoan cố thì thất bại càng nặng nề, trong đó lớn nhất là mất niềm tin. Bây giờ thế giới nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngờ, một kẻ lừa đảo, một kẻ nói tốt nhưng làm xấu.
- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc thềm lục địa, đặc quyền kinh tế Việt Nam cùng nhiều hành động gây hấn bạo lực với tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam khiến dư luận trong nước, thế giới bất bình và lo ngại về an toàn biển Đông. Vậy, ông nhận định gì về tình hình biển Đông hiện nay và trong thời gian tới?
- Thái độ của Việt Nam về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền, đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng. Từ người dân trong nước, Việt kiều và người dân trên thế giới, giới học giả, báo chí thế giới đã lên tiếng, đưa tin này với thái độ rất bất bình, phẫn nộ với hành động sai trái của Trung Quốc. Đây là một hành động cực kỳ nghiêm trọng, không giống hành động nào trước đây.
Trong ý đồ của Trung Quốc, sự việc này không chỉ dừng lại ở việc cắm giàn khoan vào khu vực Hoàng Sa của chúng ta mà chỉ coi đây là sự khởi đầu cho ý đồ lâu dài, thâm độc của mình. Sau khi mở được cửa này vào biển Đông, Trung Quốc không những uy hiếp Việt Nam mà sẽ uy hiếp tất cả các nước Đông Nam Á. Không những thế, ý đồ của Quốc còn là chiếm biển Đông, mở đường đi ra Ấn Độ Dương theo khuynh hướng bành trướng. Sự việc này nằm trong ý đồ cơ bản lâu dài của Trung quốc mà các nhà cầm quyền Trung Quốc nhiều lần đã công bố. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà khu vực Đông Nam Á và thế giới phải vào cuộc để ngăn chặn ý đồ rất xấu xa của Trung Quốc.
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước.
- Hôm qua, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, tại Naypyitaw, Myanmar, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu lịch sử khi đề cấp đến vấn đề Biển Đông. Trung tướng nhận xét gì về bài phát hiểu của Thủ tướng?
- Bản tuyên bố, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy sức mạnh, thái độ không khoan nhượng, không chấp nhận bất cứ hành động nào mà Trung Quốc vi phạm nhưng trên tinh thần giữ vững tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Lần này, Thủ tướng kêu gọi khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới lên tiếng về việc này để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền cho các dân tộc, bảo vệ lợi ích cho Đông Nam Á và cả thế giới. Khu vực này có hành lang hàng hải quốc tế rất quan trọng, giao thương quốc tế trên biển.
Hành động vừa qua của Trung Quốc xuất phát từ một mưu đồ lâu dài, thâm hiểm và chắc chắn còn ngoan cố nên các cấp độ phản ứng của nhân dân Việt Nam, các nước Asean, toàn khu vực và thế giới cũng được nâng lên để bảo vệ lợi ích của cộng đồng thế giới.
- Như ông nói, Trung Quốc sẽ chưa dừng lại những hành động vi phạm lãnh thổ, vậy theo ông kết cục của thái độ này sẽ thế nào?
- Trung Quốc nên nhìn thấy bài học kinh nghiệm là thời đại này không phải thời đại những người muốn làm gì thì làm, càng ngoan cố thì thất bại cuối cùng càng lớn, trong đó uy tín thất bại lớn nhất. Rõ ràng, sau những hành xử vừa qua, thế giới đang nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngờ, một kẻ lừa đảo, một kẻ nói một đằng làm một nẻo, nói tốt nhưng làm xấu. Nhân dân thế giới sẽ mất niềm tin với Trung Quốc.
Ví dụ, trong 2 cuộc chiến tranh trước đây, lúc đầu chúng ta kêu gọi Pháp – Mỹ hòa, nhưng họ không chịu, ngoan cố gây chiến tranh và cuối cùng là thất bại. Bài học đó, Trung Quốc cần học tập, không nên bảo thủ, mang quan điểm bành trướng ra để dọa nạt thế giới. Việt Nam đủ sức để đối chọi với Trung Quốc. Bản thân nước Việt Nam có đủ sức mạnh của Asean, cộng đồng quốc tế để chống lại xâm lược.
- Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là giải quyết vấn đề bằng thương lượng hòa bình nhưng như ông nói, trong trường hợp ta càng nhân nhượng mà họ càng lấn tới thì cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn. Vậy theo ông, có nên vạch ra những giới hạn thời gian cụ thể để triển khai những bước phản ứng khác, mạnh hơn?
- Như tôi đã nói ở trên, những hành động của Trung Quốc thời gian vừa qua đều nằm trong âm mưu cơ bản của Trung Quốc. Trước tình hình bây giờ, chúng ta nên tránh phản ứng bằng khiêu khích, tìm mọi cách để giải quyết vấn đề bằng hòa bình và chủ trương không dùng vũ trang để đáp lại Trung Quốc nhưng vẫn phải tiếp tục nâng cao cấp độ phản ứng bằng các biện pháp của chúng ta: bằng chứng lịch sử, pháp lý, chính trị…Chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc và thế giới để đáp lại mưu đồ xấu xa của Trung Quốc.
Sau cùng, nếu Trung Quốc vẫn bảo thủ, ngang ngược, cố tình gây chiến như thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong hai cuộc kháng chiến trước đây thì buộc chúng ta phải có hành động đáp trả thích đáng.
- Hai ngày cuối tuần, người dân Hà Nội và TP HCM đã xuống đường phản đối việc Trung Quốc có hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam. Ông có đồng tình với cách thể hiện lòng yêu nước này trước những việc làm bành trướng của Trung Quốc hiện nay?
- Tôi hoan nghênh hành động kiên quyết phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của người dân trong nước và thế giới. Chúng ta không chống Trung Hoa mà chống ý đồ xâm lược vùng biển của chúng ta. Lúc này không phải chỉ có Đảng, Nhà nước tỏ thái độ mà phải để cho 90 triệu dân Việt Nam lên tiếng về ý đồ xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, giữ vững hiến pháp. Tuy nhiên, các hoạt động trên phải có tổ chức, có lãnh đạo chứ không phải hành động bộc phát, để kẻ xấu lợi dụng kích động, gây phức tạp tình hình. Theo đó, nhân dân ta hoàn toàn có thể tỏ ý chí của mình đối với những việc làm ngang trái của Trung Quốc hiện nay bằng những cuộc mít tinh, tuần hành của các tổ chức, đoàn thể tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, ngoại giao, học sinh, sinh viên.
Theo dõi báo đài mấy ngày nay tôi rất mừng khi thấy trong số tiếng nói đó có nhiều các bạn thanh niên. Các bạn đã thể hiện tinh thần yêu nước đúng đắn, đúng luật, giữ vững kỷ luật và kiên quyết trước hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
H.Minh (thực hiện)