Tin mới

Tranh cãi Thu Minh là Diva thứ 5 của Việt Nam: Câu trả lời là đây!

Thứ hai, 03/07/2017, 15:37 (GMT+7)

Những ngày gần đây, câu chuyện Thu Minh và danh xưng Diva lại một lần nữa rộ lên, thu hút sự quan tâm của công chúng. Vậy đâu là lời giải cho câu hỏi bấy lâu nay này?

Những ngày gần đây, câu chuyện Thu Minh và danh xưng Diva lại một lần nữa rộ lên, thu hút sự quan tâm của công chúng. Vậy đâu là lời giải cho câu hỏi bấy lâu nay này?

Câu chuyện Thu Minh là diva không còn quá mới. Từ nhiều năm trước, người ta đã xưng tụng chị là diva thứ 5 của nhạc Việt, một số người khác lại gọi chị là Diva nhạc dance. Song song với đó là rất nhiều ý kiến phản bác, cho rằng chưa đủ tầm với một diva.

Tranh cãi này đã gây tốn giấy mực của giới báo chí một thời gian dài.

Tưởng chừng đã dừng lại, nhưng ngay sau liveshow Fire Phoenix của Thu Minh vừa diễn ra hai tuần trước, tranh cãi này lại bùng nổ trở lại qua nhiều bài báo.

Tranh cãi Thu Minh là Diva thứ 5 của Việt Nam: Câu trả lời là đây! - Ảnh 1.

Thu Minh trong live show Fire Phoenix

Vậy, Thu Minh có thực sự là Diva Việt Nam hay không và những ai xứng đáng là diva nhạc Việt?

Diva Việt – có hay không?

Diva xuất phát từ một từ cổ trong tiếng Ý, có nghĩa là "nữ thần âm nhạc". Nó được sử dụng đầu tiên ở opera, để chỉ những prima donna (nữ ca sĩ hát chính) đỉnh cao trong giới âm nhạc hàn lâm.

Tranh cãi Thu Minh là Diva thứ 5 của Việt Nam: Câu trả lời là đây! - Ảnh 2.

Maria Callas

Người đầu tiên được xưng danh diva là "kinh thánh opera" Maria Callas. Bà chính là chuẩn mực và định nghĩa về danh xưng này. Sau Callas, một số prima donna khác cũng được gọi là Diva như Joan Sutherland, Leontyne Price, Birgit Nilsson, Montserrat Caballe, Kirsten Flagstad, Beverly Sills…

Như vậy, theo định nghĩa hoàn chỉnh nhất, diva là danh xưng để chỉ một số ít nữ ca sĩ có giọng hát trời phú, kĩ thuật điêu luyện, tài năng âm nhạc xuất chúng và mang tầm ảnh hưởng lịch sử, cống hiến to lớn với âm nhạc của nhân loại.

Vào cuối thế kỉ XX, danh xưng Diva "lấn sân" sang nhạc pop, với sự xuất hiện của Whitney Houston. Kể từ Whitney, một số nữ ca sĩ pop khác cũng được gọi là Diva như Mariah Carey, Aretha Franklin, Barbra Streisand…

Dù từ opera sang pop, tiêu chuẩn của Diva đã được hạ xuống, nhưng các điều kiện tiên quyết về giọng hát, kĩ thuật, tài năng và cống hiến vẫn được giữ vững.

Tranh cãi Thu Minh là Diva thứ 5 của Việt Nam: Câu trả lời là đây! - Ảnh 5.

Whitney Houston

Theo đó, một Diva phải có giọng hát hiếm gặp, một là cực kì đẹp, hai là cực kì đặc biệt. Kĩ thuật của họ phải ở mức điêu luyện, tinh xảo hơn ca sĩ bình thường. Họ còn phải có sự sáng tạo, cảm nhạc siêu đẳng, phong thái trình diễn độc đáo, bản lĩnh sân khấu vững chắc. 

Chưa kể, một Diva phải có cống hiến và đóng góp to lớn cho nền âm nhạc chung hay dòng nhạc mà người đó theo đuổi, tạo nên ảnh hưởng sâu sắc với các ca sĩ sau này.

Ở Việt Nam, nếu xét theo đúng nghĩa của danh xưng này, sẽ chẳng có ai là Diva. Nhưng nếu chỉ giới hạn trong nội hàm nhạc Việt, thì cũng có một số ít nữ ca sĩ đủ điều kiện để trở thành "Diva Việt".

Trong các quan điểm về diva Việt hiện nay, hợp lí nhất vẫn là ý kiến của Mỹ Linh khi cho rằng, Việt Nam chỉ có 2 Diva là Lê Dung và Ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần được báo giới xưng tụng là Diva, đã có rất nhiều tranh cãi nổ ra.

Fan của dòng nhạc xưa cho rằng, phải Thái Thanh, Khánh Ly, Bảo Yến mới xứng là Diva.

Fan của dòng nhạc trẻ cũng không kém cạnh, đòi hỏi Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh là thế hệ Diva kế tiếp.

Thậm chí, có rất nhiều người còn thậm xưng tới mức ca tụng một thế hệ "Diva trẻ" gồm Hương Tràm, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Dương Hoàng Yến…

Các cuộc tranh cãi diễn ra khắp nơi, từ âm thầm tới gay gắt, dẫn tới tình trạng loạn diva ở Việt Nam. Đâu đâu cũng nhìn thấy Diva.

Thu Minh đứng đâu trong bản đồ diva Việt

Cách đây nhiều năm, Thu Minh trong một lần trả lời báo chí cũng từng bày tỏ nguyện vọng trở thành Diva và tin tưởng vào năng lực của mình. Nhưng có lẽ những thăng trầm trong nghề đã khiến chị không còn muốn nhắc tới danh xưng này nữa.

Vậy nhưng, người hâm mộ vẫn chưa "buông tha" Thu Minh. Họ vẫn thường xuyên tranh cãi về việc đưa Thu Minh làm Diva thứ 5 của nhạc Việt, dẫn tới những nẻo đường hỗn độn.

Về giọng hát, Thu Minh có lẽ khó có thể phù hợp với tiêu chí một Diva. Âm sắc giọng của chị khá xấu, chua và nhão, không đẹp như các ca sĩ khác. Nó cũng không quá đặc biệt. Nhưng không sao, nhiều Diva cũng có giọng không đẹp như Maria Callas, Patti Labelle…

Tranh cãi Thu Minh là Diva thứ 5 của Việt Nam: Câu trả lời là đây! - Ảnh 9.

Thu Minh

Về kĩ thuật, xét trong nhạc nhẹ Việt Nam, kĩ thuật của Thu Minh cũng được xem là khá tốt, dù chưa thực sự chuẩn mực. Ở thời điểm phong độ nhất, Thu Minh có thể hỗ trợ belt tới F5, lại sở hữu quãng giọng khá rộng trên phần head voice và whistle. Những nữ ca sĩ cùng thế hệ với Thu Minh ít làm được điều này.

Thu Minh hát phần lớn theo bản năng nên khó tránh khỏi việc đánh mất kĩ thuật ở từng thời điểm khác nhau. Các note belt cao quá F5 của chị không ổn định cách sử dụng kĩ thuật cũng không đa dạng.

Chẳng hạn, Thu Minh thường chỉ cộng hưởng ở nguyên âm mở /a/, chuyển sang các âm đóng khó hơn như /i/, chị sẽ mất vị trí âm thanh và cộng minh. Vì vậy, nếu chỉ xét về kĩ thuật, Thu Minh cũng khó khăn cho vị trí diva.

Chưa kể, lối nhả chữ của Thu Minh cũng chưa đẹp và đôi khi xử lí bài hát khá lạ lùng, chưa thực sự tinh tế.

Tuy nhiên, Thu Minh lại vượt trội hơn hẳn ở phong thái trình diễn và bản lĩnh sân khấu. Rất ít nữ ca sĩ Việt Nam hiện nay có phong cách trình diễn tự tin, "điên" một cách táo bạo, nhiệt huyết và căng tràn như chị. Sự tự nhiên và cá tính độc đáo trong lối trình diễn của chị đã truyền cảm hứng cho nhiều ca sĩ và hoàn toàn phù hợp với một Diva.

 

Thu Minh và phong cách trình diễn độc đáo

Thu Minh cũng tự định hướng được cho mình một phong cách, dòng nhạc và lối đi rõ ràng. Chị sở trường nhạc dance và R&B nên dù hát ballad hay bất cứ thể loại nào cũng đều có dấu ấn R&B trong đó, thể hiện qua các câu phiêu và cách xử lí ca khúc.

Đối với nhiều người, có thể Thu Minh làm lố, nhưng nhìn tổng thể, đó lại là sự định hình phong cách và bản lĩnh nghệ sĩ. Cũng giống Thu Minh, Patti Labelle, Aretha Franklin, hay Thanh Lam, Thu Minh "phá" nhạc bằng cách riêng của mình, để tạo nên bản ngã riêng cho âm nhạc của chị.

Về cống hiến và tầm ảnh hưởng, Thu Minh hoàn toàn có một di sản riêng của mình trong dòng chảy nhạc Việt. Đó không đơn giản là cái gọi là "nữ hoàng nhạc dance", mà sâu hơn là dấu ấn riêng về một lối hát, kĩ thuật hát trong âm nhạc.

Ở giai đoạn cách đây chục năm, Thu Minh được xem là người tiên phong trong việc phổ biến lối phô diễn giọng hát trên những quãng cao trào theo xu hướng Âu Mỹ. Chị tạo được sự kịch tính bằng cách gằn giọng và belt mạnh crescendo, mang tính dynamic cao.

Sự bùng nổ trong giọng hát Thu Minh là một điểm khá mới mẻ với nhạc Việt khi ấy. Cũng có một số nữ ca sĩ belt cao tốt như Hồ Quỳnh Hương, Hà Trần, nhưng họ không dùng nhiều lực dynamic nên không đem lại cảm giác bùng nổ, căng tràn khí thế như Thu Minh. 

Chị đem đến một làn gió mới hơn theo dòng nhạc của mình, cùng trào lưu cover nhạc diva Âu Mỹ với nhiều kĩ thuật phức tạp. Nói tóm lại, Thu Minh thổi vào nhạc Việt cơn gió mới của sự dương tính, phô diễn như Aretha Franklin, Patti Labelle, Chaka Khan… chứ không đi theo cái tinh tế, sâu lắng thường thấy.

Có thể nhiều khán giả sẽ chưa quen được cách hát của Thu Minh nên cho rằng cô đang phá bài, phô diễn quá mức, nhưng không phải ai cũng "phá bài" một cách bùng cháy, quyện theo dấu ấn riêng được như vậy.

Tuy nhiên, những dấu ấn của Thu Minh vẫn chưa đủ lớn và gây ảnh hưởng mạnh để trở thành một Diva như Lê Dung, Thanh Lam.

Nếu Thu Minh muốn trở thành Diva nhạc Việt, chị sẽ cần những cú hích lớn hơn và sâu hơn nữa. Nó đòi hỏi một sự chuyển biến lớn về phong cách, tư duy và chiếu sâu. Nhưng đây chỉ là câu chuyện của công chúng, bản thân Thu Minh có hướng đi riêng của chị.

Với một ca sĩ thì âm nhạc mới là quan trọng chứ không phải diva. Tất cả các diva ban đầu đều phải sống chết vì nghệ thuật chứ không phải vì một danh xưng nào đó, như vậy là phi nghệ thuật. Nếu chỉ hát để mong trở thành Diva thì đã tự tay giết chết nghệ thuật và sẽ không bao giờ vươn tới được nó.

*Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news