Nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra sau khi Bộ Công an chính thức công bố lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 16/9, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) đã ra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.
Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Vì sao Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo PVC bị khởi tố?
Đây là tiêu đề của bài viết trên Zing.vn. Dẫn nguồn tin riêng, bài viết cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện một số sai phạm tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo Công An Nhân Dân, dưới thời điều hành của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận cùng các thuộc cấp, PVC đã sử dụng phần vốn điều lệ đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết.
Yếu kém sản xuất kinh doanh nên việc góp vốn không mang lại hiệu quả. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm của PVC bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa thể triển khai khiến Tổng công ty thua lỗ gần 1.850 tỷ đồng.
Việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh sẽ tiến hành thế nào?
Vietnamnet ngày 17/9 đăng tải bài viết có tiêu đề "Việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh sẽ tiến hành thế nào?" cùng phần trả lời báo chí của Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an).
Theo bài viết, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, hiện nay Việt Nam và CHLB Đức chưa ký hiệp đinh tương trợ về tư pháp nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bế tắc trong việc bắt giữ và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Theo Thiếu tướng Quân, dù Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau nhưng 2 quốc gia vẫn có thể áp dụng các điều ước quốc tế liên quan mà cả 2 quốc gia là thành viên.
Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo thoả thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Trả lời câu hỏi, giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn sang Canada hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa kí kết hiệp định tương trợ về tư pháp và hình sự thì việc bắt giữ, dẫn độ sẽ như thế nào, Thiếu tướng Quân cho rằng: Việc bắt giữ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều song không hẳn là bế tắc.
Trong trường hợp đó sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể.
“Dĩ nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia cũng không dễ dàng dẫn độ được tội phạm từ Canada về nước”- Thiếu tướng Quân nói.
Ông Trịnh Xuân Thanh có bị dẫn độ nếu đang lưu trú ở Đức?
Trước một số luồng thông tin không chính thống cho rằng có thể ông Trịnh Xuân Thanh đang lưu trú ở Đức, báo Vnexpress, Dân Trí cũng đặt câu hỏi "ông Thanh có bị dẫn độ về nước" trong tình huống này cùng phần trao đổi của các luật sư.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn báo Dân trí ngày 17/9, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, thì Cảnh sát Việt Nam sẽ gửi Lệnh truy nã ông Thanh đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế với ông Thanh.
Cụ thể, theo luật sư Tuấn, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nếu có căn cứ xác định ông Thanh đã bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì Cơ quan CSĐT sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) trực thuộc Tổng cục Cảnh sát.
Văn phòng Interpol Việt Nam là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol). Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.
Trên Vnexpress, luật sư Vũ Tiến Vinh cũng cho biết, dẫn độ tội phạm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự quốc tế và được thực hiện chủ yếu dựa trên các Điều ước quốc tế đa phương và Điều ước quốc tế song phương, nhằm trao trả người có hành vi phạm tội cho quốc gia mà người đó là công dân.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Vì sao chưa cấm xuất cảnh trước khi khởi tố Trịnh Xuân Thanh?
Vấn đề này được báo Vnexpress đăng tải với phần trao đổi của luật sư Kiều Anh Vũ.
Theo luật sư Kiều Anh Vũ, trả lời câu hỏi vì sao cơ quan có thẩm quyền không sớm thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh với ông Trịnh Xuân Thanh thì cần tìm hiểu Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007). Cụ thể, Điều 21 Nghị định này quy định công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc trường hợp sau: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…
Theo điểm a khoản 1 Điều 22, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp "đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm".
Các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh.
Với Trịnh Xuân Thanh, theo luật sư Vũ, trước ngày 16/9 ông ta chưa bị khởi tố, chưa bị điều tra nên có thể xem không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Vì thế, ông ta không bị áp dụng biện pháp chưa được xuất cảnh.
"Quy định về “liên quan đến công tác điều tra tội phạm” là quy định chưa được giải thích rõ ràng và hướng dẫn cụ thể nên đây có thể là kẽ hở để Trịnh Xuân Thanh lợi dụng. Nếu xét theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự, điều tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự và giai đoạn này được tiến hành sau giai đoạn khởi tố (các giai đoạn của tố tụng hình sự gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử). Nghĩa là nếu chưa bị khởi tố bị can, chưa bị điều tra, ông Thanh không thuộc trường hợp không được xuất cảnh.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc xác minh, kiểm tra, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng có thể xem là “hoạt động điều tra”, “công tác điều tra” hoặc “liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Như thế, người bị tình nghi có liên quan cũng có thể bị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh theo các quy định nêu trên", ông Vũ phân tích.
Có thu hồi được tài sản Trịnh Xuân Thanh tẩu tán ra nước ngoài?
Đây là vấn đề được báo Người lao động đưa ra cùng phần trao đổi của luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh ngày 17/9. Theo đó, luật sư Thơm cho rằng trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh trốn và tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì nhà nước Việt Nam vẫn có thể thu hồi tài sản mà ông Thanh tẩu tán.
Cụ thể, theo ông Thơm, trong trường hợp phát hiện ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản ra nước ngoài, trước hết cần xem xét giữa Việt Nam và quốc gia nơi ông Thanh chuyển tài sản tới bằng tài sản phạm pháp ở Việt Nam đã có cơ chế tương trợ tư pháp. Nếu có Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn.
“Trường hợp Việt Nam và quốc gia có tài sản ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp thì chúng ta vẫn có thể thực hiện thu hồi tài sản do phạm pháp mà có. Bởi lẽ, chúng ta và các nước trên Thế giới đã gia nhập Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 ”, luật sư Thơm cho biết.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này ngày 3 tháng 7 năm 2009. Nội dung chủ yếu của công ước bao gồm những vấn đề như: công tác phòng chống; hình sự hóa tội phạm tham nhũng; thu hồi tài sản bị thất thoát; hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật…
Chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh, vụ án tại PVC bị ảnh hưởng thế nào?
Đây là tiêu đề bài viết được đăng tải trên Vnxpress sáng 18/9. Theo bài viết, Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cao nhất của tội này theo quy định tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự là 20 năm (phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác). Đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
"Theo quy định tại khoản 1 Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu hết thời hạn điều tra mà không biết rõ bị can đang ở đâu, nhà chức trách sẽ tạm đình chỉ điều tra. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra từng bị can.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng; với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng; với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng; với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Như vậy, nếu hết thời hạn 16 tháng mà vẫn không biết rõ Trịnh Xuân Thanh ở đâu, cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ điều tra với bị can này (nếu sau này bắt được sẽ phục hồi điều tra theo quy định)", bài viết dẫn các điều khoản trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cho biết.
Cũng theo bài viết, đối với vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự xảy ra tại PVC và các bị can còn lại, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Như tin tức đã đưa, ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh. |
H.Minh (tổng hợp)