"Nhà thờ họ chúng tôi đang xây dang dở bằng bê tông, chỉ có 3 gian, bên trong chưa có gì thì lấy đâu ra mà có giá trị đến hàng tỷ đồng như dư luận đồn thổi".
Sư thầy Thích Nguyên Hạnh – trụ trì chùa Tảo Sách (Lạc Long Quân – Tây Hồ - Hà Nội), em trai của ni sư Thích Đàm Lan – trụ trì chùa Bồ Đề (Long Biên – Hà Nội), nơi liên quan nghi án mua bán trẻ em đã phân trần như vậy khi nói về nhà thờ họ đang được xây dang dở tại quê nhà Hải Dương, khiến dư luận chú ý trong mấy ngày qua vì có người cho rằng nó có giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngay sau nghi án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề được phanh phui, dư luận xôn xao trước việc nhà thờ họ của ni sư Đàm Lan ở quê được xây dựng rất khang trang, rộng rãi.
Có người cho rằng ngôi nhà thờ họ này được xây dựng theo kiến trúc cổ 5 gian với mái cong uốn lượn, hàng cột đá được chạm khắc công phu, toàn bộ cánh cửa bằng gỗ được đục đẽo tỉ mỉ và tinh xảo.
Một trong những điểm điêu khắc được cho là tinh xảo tại khu chính điện của nhà thờ họ tại Hải Dương của gia đình ni sư Đàm Lan.
Đặc biệt, nhà thờ họ này còn có tường bao chạy bao quanh khuôn viên rộng lớn, nổi bật giữa khung cảnh làng quê, 5 bậc thềm bằng đá có điêu khắc họa tiết công phu. Dự tính chi phí cho ngôi nhà thờ họ này lên tới cả tỷ đồng.
Trước thông tin ấy, sư thầy Thích Nguyên Hạnh – trụ trì chùa Tảo Sách, em trai của ni sư Đàm Lan cho rằng, tất cả những thông tin ấy đều nói sai về ngôi nhà thờ họ của gia đình ông.
“Sau mấy chục năm theo nghiệp xuất gia, đến nay anh em trong gia đình tôi mới có điều kiện đóng góp để sửa sang lại nhà thờ họ ở quê cho khang trang hơn. Nhà thờ họ cũng chỉ có 3 gian chứ không hề có 5 gian như họ nói. Vậy mà chưa làm xong đã bị “nhòm ngó”, bị nói sai sự thật về nó. Điều đó làm ảnh hướng rất lớn đến gia đình tôi” – trụ trì chùa Tảo Sách phân trần.
Cũng theo vị này, thì hoàn toàn không có chuyện nhà thờ họ được xây dựng với kinh phí lên tới cả tỷ đồng như dư luận đồn thổi.“Nhà thờ họ ở quê chúng tôi được xây dựng bằng bê tông chứ không phải bằng gỗ, và mới xây được cái khung, bên trong còn chưa có bất cứ thứ gì, thì lấy đâu ra giá trị tiền tỷ. Kinh phí xây dựng nhà thợ họ này là do anh em, họ hàng cùng đóng góp, chi phí dự kiến chỉ hết khoảng vài trăm triệu thôi” – sư thầy Thích Nguyên Hạnh nhấn mạnh.
Về sự việc ni sư Đàm Lan là chị gái của mình đang bị nghi liên quan tới việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, sư thầy Thích Nguyên Hạnh bày tỏ rằng, ông không hề lo nghĩ nhiều về chuyện này.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng sư Đàm Lan cũng như những người theo đạo Phật không bao giờ làm những việc sai trái. Đặc biệt, ngay từ khi chưa xuất gia tu hành, sư Đàm Lan đã luôn có ước nguyện sẽ nuôi dưỡng và chăm sóc cho trẻ bị bỏ rơi, những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi nên tôi tin sư Đàm Lan không bao giờ liên quan đến việc mua bán trẻ” – trụ trì chùa Tảo Sách chia sẻ.
Ông cũng cho biết, gia đình ông còn có một “nghiệp” tu hành, khi gia đình có 7 anh em thì có đến 6 người xuất gia theo đạo Phật, hiện đang làm trụ trì tại các ngôi chùa khác nhau, chỉ có duy nhất người anh cả là không theo nghiệp xuất gia.
Nói thêm về việc ngồi chùa Bồ Đề của chị gái mình đang bị vướng vào nghi án mua bán trẻ em, sư thầy Thích Nguyên Hạnh cho hay, ngay từ những năm 1989, chùa Bồ Đề đã tiếp nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, và số lượng ngày một tăng lên. Nhà chùa cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc chăm sóc các hoàn cảnh này.
Vì số lượng người cần giúp đỡ quá đông, nên mới đây trụ trì Đàm Lan có xin với thành phố và quận Long Biên cấp cho mảnh đất 1.500 mét vuông để xây dựng chỗ ở, phân loại trẻ để nuôi dưỡng, nhưng vừa mua xong mảnh đất ấy, chưa kịp xây dựng thì vụ lùm xùm mua bán trẻ em lại xảy ra.
Theo Đời Sống & Pháp Luật