Trong quan niệm phương Đông, “trùng tang” được xem là hiện tượng mang đậm màu sắc tâm linh, thậm chí được thêu dệt đến mức thần bí.
Dân gian vẫn tin rằng, những gia đình không may mắn gặp phải thảm họa “trùng tang”, đặc biệt phải chứng kiến hàng loạt những cái “chết trùng” của người thân đều cảm thấy khiếp sợ và tìm mọi cách hóa giải. Trong đó, “giải pháp” ưu tiên là gửi “vong” lên chùa để “nhốt” lại. Những ngôi chùa được chọn phải là ngôi chùa có uy tín và đặc biệt phải có những Hòa thượng cao tay. PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã đi tìm lời giải cho quan niệm này dưới góc nhìn biện chứng khoa học.
Gốc tích ngôi chùa cổ
“Nhốt trùng” chỉ là giải pháp tâm lý Theo Hòa thượng Thích Thanh Dũng: “Giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan đôi khi chỉ là một lằn ranh rất nhỏ bé, niềm tin của người dân bao đời nay về “trùng tang” đã là như vậy, và nhà chùa với sự từ bi trở thành chốn gửi gắm niềm tin, trấn tĩnh cho người ta bình tĩnh trở lại”. Chia sẻ quan niệm này, TS Đỗ Kiên Cường – một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu khả năng tiềm ẩn của con người – lý giải: “Trùng tang” đơn giản chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó, bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này đơn giản có thể hiểu là: “Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra”. |
Chúng tôi tìm về chùa Hàm Long (ở xã Nam Sơn, H. Quế Võ, TP. Bắc Ninh) vào một ngày đầu hè nóng bức. Chùa tọa lạc dưới chân núi Thần Long, trải qua gần nghìn năm với những đường nét rêu phong, cổ kính. Trong tiết trời lạnh giá, ngôi chùa cổ càng trở nên u tịch và bí ẩn. Hôm nay, mặc dù là ngày giữa tuần nhưng khách thập phương khá đông. Khách tới chùa không phải để đi lễ hay vãn cảnh thư thái, hầu hết họ đeo khăn tang trắng hoặc trên áo gắn băng đen, khuôn mặt buồn rầu, mang theo những đồ lễ lạt, đến nhờ nhà chùa cúng vong linh cho người quá cố.
Chị Hằng - một người bán hàng tạp hóa kiêm sắp lễ cho những ai có nhu cầu gửi vong lên chùa, ở ngay chân núi Thần Long, nói như học thuộc lòng: “Gia đình nào muốn gửi “vong” lên chùa Hàm Long phải hẹn ngày để chuẩn bị. Khi người nhà mang “vong” đi cũng phải giữ bí mật, vì “vong chết trùng” rất thiêng, nếu biết trước việc bị gửi lên chùa “vong” sẽ không đi theo. Tôi sắp lễ ở đây đã hơn 30 năm nên biết có nhiều gia đình không thể gửi “vong” được là do bị “lộ” thông tin. Gửi “vong” xong, nhà sư sẽ “nhốt vong” lại trong chùa, và đúng 3 năm sau gia đình mới được phép đến để đón “vong” về”.
Sư trụ trì, Hòa thượng Thích Thanh Dũng trao đổi với phóng viên về sự tích ngôi chùa. Ảnh TG |
Phải gần cuối giờ chiều, chúng tôi mới may mắn gặp được Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó thư ký thường trực Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ông tiếp chuyện chúng tôi trong một gian phòng nhỏ yên tĩnh, ngay cạnh trai phòng lớn vang lên những tiếng mõ, tiếng đọc kinh... Hòa Thượng Thích Thanh Dũng cho biết “Thường vào khoảng 5h chiều là thời gian nhà chùa đọc kinh cầu siêu thoát cho những “vong” được gửi tại đây”. Chùa Hàm Long được xây dựng vào thời Lý (khoảng năm 1115). Tương truyền, đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận II (Hà Nội, 1994) có nói đến Thiền sư Như Trừng tự Lân Giác hiệu là Cứu Sinh, đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên. Ngài tu tại chùa Liên Tông (sau đổi là Liên Phái), Hà Nội. Ngài có lập thêm chùa Hộ Quốc (Thọ Xương) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh). Trước khi mất, ngài đã chỉ định Thiền sư Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long, Thiền sư Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, trung tâm của hệ phái do ngài thành lập.
Tại chùa Hàm Long sau khi sư tổ viên tịch đã để lại 2 ngọn tháp, ngọn tháp xây bằng gạch chứa xá lợi, còn ngọn tháp bằng đá cao nhất gọi là tháp tổ Như Trừng Lân Giác (Cứu Sinh), có chứa công phu tu tập cả đời của ngài. Theo đó lúc sinh thời, sư tổ thấy chúng sinh quá lo sợ vì những cái chết đột ngột và xảy ra liên tiếp trong những gia đình, dòng tộc; mà nay chúng ta vẫn thường gọi là “trùng tang”, ngài đã tạo ra kinh “thập nguyện” và bộ ván in khắc phù giải nhằm giúp cho các vong hồn được siêu thoát.
Chính bởi những bí mật cũng như những bài kinh của các vị sư tổ ở chùa Hàm Long nên theo khuyên nhủ của các bậc cao niên thì khi nhà có nhiều người “chết trùng” hoặc có người chết vào giờ xấu (tức là giờ trùng – PV), người nhà ngay lập tức phải gửi “vong” lên chùa. Nếu theo tính toán mà “trùng nhẹ” thì có thể gửi “vong” lên bất cứ ngôi chùa nào, còn nếu “trùng nặng” thì buộc phải gửi “vong” lên chùa Hàm Long để được các vị Hòa thượng cao tay tụng kinh niệm phật giúp “vong” được siêu thoát. Chia sẻ về việc chết trùng nhẹ hay trùng nặng, Hòa thượng Thích Thanh Dũng cho biết: “Theo tính toán thì người chết thuộc quy luật sau thì là chết “trùng nhẹ”: 1 nhập mộ, 2 thiên di, 1 trùng tang. Còn với những gia đình có người chết theo quy luật: không có nhập mộ, 1 thiên di, 2 trùng tang tức là bị “trùng nặng”. Nhà chùa không khuyến khích cái gọi là mê tín nhưng vì tín ngưỡng của chúng sinh, và đây lại làm cho chúng sinh an tâm về tâm lý khi người dân gửi “vong” lên chùa thì nhà chùa phải nhận làm.
Chùa trùng tang Hàm Long. Ảnh TG
Trùng tang kiếp nạn của con người?
Sinh, ly, tử, biệt luôn là quy luật tất yếu trong cuộc đời mỗi con người. Trong đó, vấn đề tâm linh xảy ra xung quanh những cái chết theo quan niệm phương Đông luôn được dư luận quan tâm. Nói về hiện tượng “trùng tang”, nhiều người còn khẳng định đã từng chứng kiến nhà có nhân đinh đông đúc đến 5 - 6 người nhưng chỉ vài ba năm lại phải chịu cảnh tuyệt tự. Thực ra từ trước tới nay, chưa bao giờ có một định nghĩa chính thống về “trùng tang” mà chỉ dựa trên hiện tượng rồi đúc kết thành quan niệm. Ngay cả Phật pháp cũng không định nghĩa về hiện tượng này. Theo cách hiểu dân gian, “trùng tang” là trường hợp người chết “phạm” phải năm, hoặc tháng, hoặc giờ xấu, do đó linh hồn không siêu thoát nên cứ quanh quẩn trong nhà trở thành “trùng” (có nơi cho là “âm binh” - PV) rồi lần lượt “bắt” theo từng người thân trong dòng tộc.
Nhưng phải trong 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết của những người trong cùng dòng tộc mới coi là “trùng tang”. Có rất nhiều người nhầm lẫn điều này nên thấy trong gia tộc có nhiều người mất nhưng không phải trong 3 năm liên tiếp vẫn nhận là bị “trùng tang”. Hòa thượng Thích Thanh Dũng cho rằng, “trùng tang” theo “Phật pháp bách vấn” thì đối với những người tuổi Thân, Tý, Thìn, nếu mất vào một trong bất kể ngày hoặc tháng, năm, giờ Tỵ thì coi là bị mất vào ngày trùng tang, còn được gọi là ngày “kiếp sát”. Tức là những tuổi đó là “kỵ Tỵ”. Mà đã “kỵ Tỵ” thì những người tuổi Thân, Tý, Thìn càng không được an táng vào ngày Tỵ. Tương tự cách tính ấy, tuổi Dần, Tuất, Ngọ kỵ Hợi; tuổi Tỵ, Dậu, Sửu kỵ Dần; Hợi, Mão, Mùi kỵ Thân”.
Sách “Tam giáo chính hội” còn nói đến cách tính “trùng tang” cổ xưa là phải tính theo niên, nguyệt, nhật, thời (năm, tháng, ngày, giờ - PV) thì mới biết người quá cố có “trùng tang” hay không. Theo cách tính đó thì những người mất ở tuổi (âm lịch): 10, 13, 16, 19, 22, (cứ cộng thêm 3) thì sẽ bị “trùng tang”. Hoặc những người tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu mất vào một trong các năm tuổi ấy, cũng coi là “trùng tang”...
“Đối với Phật giáo thì sống chết là chuyện thường niên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Việc người “chết trùng” và những đồn thổi xung quanh việc trùng tang vốn đã ăn sâu vào tâm thức mọi người nên, và ở một vài nơi, trong tinh thần phương tiện, nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ, đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước hồi hướng cho các hương linh”, Hòa thượng Thích Thanh Dũng chia sẻ.
Kỳ tới: Lý giải lời đồn “trùng tang” khiến gia đình 4 người vong mạng trong 1 năm
Đạt Đỗ