Bên cạnh vụ việc chấn động nâng điểm 330 bài thi tại Hà Giang, dư luận trước đó cũng từng bức xúc trước những bê bối giáo dục mỗi dịp thi THPT Quốc Gia. Đặc biệt, sự cố gian lận thi cử ở Đồi Ngô năm 2012 được đánh giá là "chưa từng có trong lịch sử loài người".
2018: Vụ sửa điểm thi THPT Quốc gia gây chấn động tại Hà Giang
Chiều ngày 17/7, tại trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UBND tỉnh đã tổ chức họp báo công bố kết quả xác minh điểm thi cao bất thường của nhiều thí sinh trên địa bàn. Sau khi thành lập Hội đồng chấm thẩm định chấm lại tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang, có tất cả 114 thí sinh với hơn 330 bài thi đã được nâng điểm. Cá biệt có những em có tổng điểm được tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí là 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Qua xác minh ban đầu, ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở giáo dục Hà Giang được xác định là người đã trực tiếp can thiệp vào kết quả của các thí sinh.
Đại diện phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang (PA83) cho biết, có những vấn đề liên quan đến sử dụng máy tính để quét điểm chấm thi, ông Lương là người phụ trách máy tính này và là người sử dụng trực tiếp máy tính trong những công việc hàng ngày. Sau khi Bộ công bố đáp án, ông Lương đã down đáp án của Bộ về và chuyển sang file Excel.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều ngày 17/7.
"Chúng tôi phát hiện trong tin nhắn điện thoại của ông Lương có những tin nhắn đến và ông Lương sửa đáp án theo những tin nhắn đó, quy trình rơi vào 6s cho 1 trường hợp. Trong khoảng thời gian 2h đồng hồ thực hiện mở ổ khóa niêm phong, rút bài và sửa đáp án, trong thời gian này qua theo dõi camera giám sát chưa phát hiện thêm cá nhân nào phối hợp với ông Lương trong khoảng thời gian đó.
Tuy nhiên trong toàn bộ quá trính, nếu chỉ thực hiện 1 mình thì cực kỳ khó cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ có các đối tượng liên quan không. Quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của công an, của thanh tra bộ và sở là chưa chặt chẽ. Trong toàn bộ quá trình thành viên ban giám sát vẫn để cho ông Lương qua mặt. Đấy là kẽ hở mà cần sự củng cố và tập huấn kỹ càng", đại diện PA83 nói.
Sự cố gian lận thi cử ở Hà Giang là sai phạm vô cùng nghiêm trọng. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, ông Trần Đức Quý khẳng định sau khi có kết luận cuối cùng của cơ quan công an, nếu phải khởi tố sẽ khởi tố và đuổi việc Phó trưởng phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương.
Điểm số của 3 thí sinh từng nằm trong top 11 người có điểm cao nhất nước thay đổi rõ rệt sau khi chấm thẩm định.
2016: Phát hiện tai nghe siêu nhỏ có khả năng thu và phát tín hiệu tại Hội đồng thi THPT Quốc Oai (Hà Nội)
Khoảng 15h30 ngày 22/6, tại Hội đồng thi trường THPT Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội), giám thị đã phát hiện thí sinh nữ T.V.C. (SN 1997) sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Đó là một loại thiết bị tương tự như tai nghe siêu nhỏ, dạng vòng cổ lắp sim bao gồm bộ phát có hình hộp chữ nhật kích thước 3x5x1cm, có khe cắm thẻ sim, phím chỉnh âm lượng mic, gắn với 1 hai đoạn dây điện lõi đồng có độ dài khoảng 60cm và hạt nam châm kích thước 2,5mm. Nó có khả năng thu, phát tín hiệu và được gắn trực tiếp sim nên không cần phải kết nối với điện thoại để tránh bị phát hiện.
Kích thước tai nghe siêu nhỏ dưới dạng vòng cổ được thí sinh sử dụng gian lận trong buổi thi môn Toán tại điểm thi trường THPT Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: ANTĐ
Khi sử dụng, người dùng cho nam châm vào lỗ tai, đồng thời cuộn dây vòng qua cổ phía trong áo để liên lạc với bên ngoài phòng thi như sử dụng điện thoại thông thường. Đây là 1 trong 3 thiết bị mà trước đó lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ và lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện thu giữ, đồng thời tuyên truyền cảnh báo đến các hội đồng thi, phòng ngừa thí sinh có thể sử dụng.
Được biết trong quá trình thi, nữ sinh C. thường xuyên đọc nhẩm để phát tín hiệu thông tin ra ngoài. Ngay sau khi giám thị coi thi phát hiện, sự việc đã được trình báo hội đồng coi thi để xem xét xử lý.
2015: Ngồi ở quán cà phê đọc bài giải môn Lịch sử vào phòng thi tại Cầu Giấy (Hà Nội)
2015 là năm đầu tiên kì thi THPT Quốc gia được tổ chức với hai mục đích xét tốt nghiệp và Đại học. Trong buổi thi thứ ba vào ngày 4/7/2015, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt quả tang Lê Thị Thùy Linh (SN 1995, sinh viên Đại học Quốc gia) và Trần Đức Cường (SN 1995, nhân viên bảo vệ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) có hành vi dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử vào phòng thi.
Để thực hiện hành vi gian lận, Linh và Cường chọn một quán giải khát trên đường Trần Quốc Hoàn, sử dụng thiết bị công nghệ cao gắn vào điện thoại iPhone để đọc câu trả lời môn thi Lịch sử cho thí sinh Phạm Dương Long.
Chiếc áo phông gắn thiết bị thu phát được Long sử dụng để gian lận trong mùa thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: ANTĐ
Theo tường trình của Cường, ba người là bạn học cấp ba. Ngày 2/7 và 4/7/2015, Cường đã 2 lần gọi điện vào phòng thi cho thí sinh trên.
Sau khi kết thúc phần thi, thí sinh Long đã được mời về hội đồng trông thi của điểm thi trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để xác minh. Kiểm tra trang phục của thí sinh này, cơ quan công an đã thu giữ chiếc áo phông Long đang mặc có gắn thiết bị thu phát trên cổ áo. Thiết bị này có gắn sim và hoạt động như một điện thoại di động, kết hợp với 2 tai nghe siêu nhỏ.
2013: Hình ảnh phản cảm tại phòng thi số 35 của hội đồng thi THPT Quang Trung, Hà Nội
Năm 2013, Bộ GD&ĐT nhận được video phản ánh tiêu cực tại hội đồng thi THPT Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội). Clip quay lại cảnh nhiều thí sinh thản nhiên giật bài, làm bài tập thể bất chấp sự có mặt của giám thị tại phòng thi số 35. Trong khi đó, giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện với giám thị biên. Sự việc diễn ra ở cả hai môn Toán và Tiếng Anh ngày 4/6/2013.
Vụ việc đã được Sở GD&ĐT Hà Nội điều tra, cảnh cáo các giám thị trong phòng thi số 35, khiển trách Chủ tịch hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách và các giám thị ở ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo hội đồng gồm phó Chủ tịch và thư ký, các thành viên của Tổ thanh tra cũng bị phê bình.
Hình ảnh thí sinh nhoài người lên chém bài bạn ngồi trước tại điểm thi THPT Quang Trung. Ảnh: Internet.
2012: Gian lận thi cử ở Đồi Ngô "chưa từng có trong lịch sử loài người"
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, tại trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang), một học sinh đã dùng bút bi có chức năng quay hình ghi lại hình ảnh giám thị ném bài thi môn Toán và Ngoại ngữ vào phòng thi, đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi, thí sinh chỉ việc thoải mái trao đổi, chép "phao", .... Các clip sau đó được đưa lên mạng xã hội khiến dư luận hết sức bức xúc.
Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan vụ việc này.
Thí sinh ngang nhiên chém "phao" tại điểm thi THPT dân lập Đồi Ngô. Ảnh: Người lao động.
Thí sinh quay clip trên được xác định là vi phạm quy chế thi khi đưa thiết bị có linh kiện điện, điện tử vào phòng. Tuy nhiên, sau khi luận công và tội, nhận định việc quay nhằm tố cáo gian lận trong thi cử nên Sở Giáo dục Bắc Giang quyết định không hủy kết quả thi của thí sinh này.
Đánh giá về vụ việc này, vào tháng 3/2013, trong chia sẻ về phương pháp học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội – GS Ngô Bảo Châu cho biết, sự kiện ở trường THPT dân lập Đồi Ngô chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người. Thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là chuyện chưa từng có. Đây là chuyện rất đáng buồn và là chuông cảnh tỉnh sự tha hóa của hệ thống giáo dục. Chúng ta hãy khoan quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức mà hãy xét đến suốt quá trình giảng dạy, thi cử, ít được coi trọng.
Năm 2007: Thư ký hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh) in sao, giải đề Vật lý cho 2 thí sinh
Chiều ngày 30/5/2007, sau khi thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Vật Lý khoảng 20 phút, ông Trần Hoài Nam và ông Dương Hoàng Anh là hai thanh tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT được phân công làm nhiệm vụ giám sát tại Hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã bắt quả tang Thư ký hội đồng thi Nguyễn Thành Bắc đang in sao, giải đề Vật lý do 2 thí sinh tuồn từ phòng thi.
Khi bị phát hiện, đề và lời giải chưa kịp chuyển đến tay thí sinh. Toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa. Thanh tra Sở và Bộ GD&ĐT đã đình chỉ nhiệm vụ của ông Nguyễn Thành Bắc, đình chỉ thi 2 học sinh trên. Ông Đỗ Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng thi này cũng bị đình chỉ nhiệm vụ do để đề lọt ra ngoài.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã tặng bằng khen và phần thưởng cho hai thanh tra có công phát hiện và tố cáo gian lận thi cử tại Lương Tài, Bắc Ninh.
2006: Giám thị nhận tiền để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu
Năm 2006 ngành giáo dục xôn xao khi giám thị Đỗ Việt Khoa (một trong những giám thị tham dự coi thi tốt nghiệp tại THPT Phú Xuyên A, Hà Tây cũ) tố cáo hàng loạt sai phạm tại hội đồng thi này. Clip được thầy Khoa quay lại tố cáo giáo viên tại trường bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng thi phát bài giải cho thí sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, thầy giáo còn tố giám thị nhận 700.000 đồng/người để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long khi đó đã cử một đoàn thanh tra đột xuất của Bộ GD&ĐT xuống THPT Phú Xuyên A và chứng kiến cảnh phao vứt ào ào qua cửa phòng thi.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh: Internet.
Khi thầy Đỗ Việt Khoa bị phản ứng, thậm chí đe dọa, Thứ trưởng Long đã đề nghị UBND tỉnh có biện pháp bảo vệ danh dự, tính mạng cho giám thị Khoa. Bộ cũng tổ chức họp bàn yêu cầu tỉnh phải chấm phúc khảo bài thi tại các Hội đồng thi có tiêu cực như Phú Xuyên A, Xuân Mai... dưới sự giám sát của Bộ. Bên cạnh đó, một loạt biện pháp kỹ thuật được áp dụng để xử lý và chấn chỉnh như chấm thi trắc nghiệm, chấm thanh tra.
Sau việc này, hàng loạt người liên quan bị đình chỉ nhiệm vụ và Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phát động phong trao "Hai không" (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục).
2006: Giáo viên Địa lý ở Nghệ An đưa lên diễn đàn 4 đoạn clip cảnh lộn xộn trong phòng thi
Sự việc ở điểm thi Phú Xuyên A chưa kịp lắng thì ngày 29/8/2006, dư luận thêm một phen "sốc" khi bốn đoạn clip "loạn" thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng Nam Đàn 2 (Nghệ An) được công bố.
Anh Lê Đình Hoàng – giáo viên môn Địa lý trường THPT bán công Thanh Chương (Nghệ An) đã đăng tải 4 đoạn clip với tiêu đề "Trong phòng thi", "Ném bài", "Môn Địa" và "Môn ngoại ngữ" ghi lại khá nét cảnh phòng thi nhốn nháo như họp chợ. Học sinh ngồi túm tụm, đi lại lộn xộn, cười nói, bàn tán râm ran hoặc thậm chí còn ngồi lên bàn, quay lưng về phía bục giảng chép bài. Thí sinh ngồi dồn xuống cuối lớp để tiện chép bài khiến nhiều dãy bàn bị bỏ trống.
Một số giám thị bỏ ra ngoài ngồi tán gẫu, còn số khác thì tiếp tay, đưa bài từ bên ngoài vào cho học sinh chép. Ngoài hành lang, người tham gia ném bài đi lại tự do. Họ bám lấy cửa sổ phòng thi, ném bài cho hết phòng này đến phòng khác.
Thầy giáo Lê Đình Hoàng được nhận bằng khen vì có công đăng tải 4 clip sai phạm thi cử.
Ban đầu, do lo sợ bị trả thù, thầy Hoàng đã chờ đến tận 3 tháng sau khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra mới đưa những đoạn clip này lên diễn đàn với nickname "Edu 2" và không công khai tên tuổi thật. Tuy nhiên sau đó, thầy đã "lộ diện" để có thể phối hợp điều tra với các cơ quan chức năng.
Ngày 27/9/2006, Đoàn Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An đã làm việc và đưa ra kết luận về sự việc "loạn thi" tốt nghiệp ở Hội đồng thi Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An), đồng thời thầy giáo Lê Đình Hoàng đã được UBNH tỉnh Nghệ An trao tặng bằng khen vì hành động dũng cảm này.
Minh Nhân
Theo Thời đại