Khác với những VĐV bình thường, ngay cả khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Trương Kế Khoa cũng gây ra nhiều tranh cãi. Bố của anh, Trương Truyền Minh là một HLV bóng bàn cao cấp. Ngay từ khi Trương Kế Khoa còn nhỏ, ông đã đặt một bàn bóng bàn ở nhà. Khi có thời gian, Trương Truyền Minh sẽ dạy con trai cách chơi. Với tài năng kế thừa tốt và sự hướng dẫn thường xuyên của cha mình, Trương Kế Khoa nổi bật giữa các bạn cùng trang lứa khi mới 7 tuổi.
Để không làm chậm trễ tài năng của Trương Kế Khoa, Trương Truyền Minh gửi con đến HLV Shen Penghua để bắt đầu tập luyện. Trương Kế Khoa thông minh và học hỏi nhanh, anh có thể hiểu những gì HLV nói và hoàn thành với điều kiện thể chất tuyệt vời.
Lúc đầu, vì hứng thú nên Trương Kế Khoa chỉ tập nhảy cao trong 3 tháng đã giành vô địch cấp quận. Tuy nhiên, sở thích thật sự của anh vẫn là bóng bàn. Cạnh tranh, học nhanh, chơi hết mình, không bao giờ chấp nhận thất bại, thể lực tuyệt vời, đó là những gì người ta nói về Trương Kế Khoa lúc bấy giờ.
Từ năm 9 tuổi, Trương Kế Khoa giành chức vô địch đơn của đội trẻ tỉnh Sơn Đông. Năm 1998, anh được chọn vào đội bóng bàn Thanh Đảo, sau đó vào đội Lỗ Năng. Năm 2000, giành chiến thắng trong cuộc thi cấp quốc gia và vào đội tuyển quốc gia hạng hai năm 2003. Không lâu sau khi vào đội hạng hai, anh đã dùng sức mạnh để lên hạng nhất.
Tháng 9/2003, Trương Kế Khoa giành chức vô địch đơn nam tại giải trẻ New Zealand. Năm 2004, anh lại cùng đồng đội giành chức vô địch tại giải trẻ châu Á. Nhiều người nghĩ rằng Trương Kế Khoa sẽ đạt đến đỉnh cao của cuộc đời mình kể từ đó. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau anh bị sa thải vì mắc lỗi. Khi ấy, Trương Kế Khoa mới 16 tuổi.
Sau khi trở lại tỉnh đội, bản chất kiên cường giúp Trương Kế Khoa vực dậy. Vào ngày đầu tiên về đội tuyển tỉnh, anh cạo đầu và thề sẽ không để tóc nếu không đạt thành tích tốt. HLV của Trương Kế Khoa lúc bấy giờ là Yin Xiao, người được mệnh danh là cha đỡ đầu của bóng bàn Trung Quốc. Những nhà vô địch của kỷ nguyên này đều do ông trau dồi. Dưới sự hướng dẫn của Yin Xiao, điểm số của Trương Kế Khoa được cải thiện nhanh chóng. Năm 2006, anh lọt top 8 tại Giải vô địch quốc gia và có cơ hội lên tuyển.
Quả nhiên, cùng năm 2006, Trương Kế Khoa trở lại đội tuyển quốc gia. Anh bắt đầu tập luyện chăm chỉ, tạo tiền đề cất cánh vào năm 2011 và giành Grand Slam vào năm 2012. Trương Kế Khoa trở thành VĐV thứ 3 trong lịch sử Trung Quốc giành được Grand Slam. Cả quá trình này chỉ mất 445 ngày.
Nhưng đằng sau thành tích tuyệt vời này, những vấn đề của Trương Kế Khoa cũng từ từ xuất hiện. Sau khi giành Grand Slam, Trương Kế Khoa nửa đùa nửa thật trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã giành được tất cả, nhưng không muốn thi đấu nữa”. Dù sau này Trương Kế khoa nói mình còn trẻ và nên đặt ra mục tiêu mới thì trò đùa khi ấy vẫn trở thành vết đen trong lòng người hâm mộ.
Sự nóng nảy đã trở thành khuyết điểm không thể bỏ qua trong sự nghiệp thể thao của Trương Kế Khoa. Trên sân đấu, anh không kiềm chế được cảm xúc và liên tục mắc lỗi, nó trở thành “gót chân Achilles” của nam VĐV.
Năm 2011, tại Rotterdam, sau khi giành chức vô địch, Trương Kế Khoa đã ngẩng cao đầu lên trời và hét lên, phấn khích xé áo khiến dư luận dậy sóng. Anh bị phạt 200 NDT vì hành vi này. Thời điểm đó Trương Kế Khoa quá xuất sắc nên dư luận mới cho qua chuyện này.
Nếu lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao và hưng phấn thì có thể bào chữa, nhưng về sau, Trương Kế Khoa tiếp tục có những hành động bốc đồng. Năm 2014, Trương Kế Khoa đánh bại Mã Long với tỷ số 4-3 tại Giải vô địch bóng bàn thế giới. Sau trận đấu, anh ta lao đến tấm biển quảng cáo và đá nó vỡ vụn để xả tâm trạng. Lần này, anh ta bị ITTF phạt 45.000 USD. Không có gì sai khi ăn mừng chiến thắng, nhưng vui thôi đừng vui quá, đặc biệt khi đối thủ là đồng đội.
Có thể nói Trương Kế Khoa mất tình tĩnh cả khi thắng lẫn khi thua. Năm 2014, anh không nhận bóng từ đồng đội suốt trận đấu. Trong cơn tức giận, Trương Kế Khoa ném thẳng cây vợt xuống bàn và khiến khán giả hét lên vì sốc. Khi ấy, truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích nam VĐV thậm tệ.
Những tưởng sau bao sai lầm thì Trương Kế Khoa sẽ thay đổi, nhưng không, đến Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2016, câu chuyện lại tái diễn. Ở trận đấu với Zhou Kai, dù thi đấu tốt nhưng Trương Kế Khoa vẫn để thua. Khi kết thúc trận đấu, anh ta lại dùng vợt đập bàn. Điều này xảy ra nhiều lần trong sự nghiệp thể thao của Trương Kế Khoa. Sau mỗi sự cố, anh đều phải hứng chịu làn sóng chỉ trích. Ở đỉnh cao thành tích, anh vẫn lặp lại những sai lầm bản thân mắc phải khi 16 tuổi.
Ngoài xấu nết trên sân đấu, Trương Kế Khoa còn đam mê cờ bạc. Báo chí Đức đưa tin VĐV này từng lẻn ra khỏi khách sạn và cùng một nhóm người đến thẳng sòng bạc khi đi thi đấu. Đó không phải lần đầu tiên Trương Kế Khoa đánh bạc khi chơi cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, thành tích rực rỡ của anh đã khiến mọi người bỏ qua những điều này hết lần này đến lần khác.
Vì có lượng người hâm mộ đông đảo nên sau khi giải nghệ, cuộc sống của Trương Kế Khoa vẫn hạnh phúc. Anh ta làm đại diện cho một số thương hiệu. Trong số các VĐV, Trương Kế Khoa có thể được gọi là một “KOL”. Năm 2016, thu nhập hàng năm của anh ta lên tới 60 triệu NDT. Khả năng kiếm tiền đứng thứ 2 trong số các ngôi sao thể thao.
Nhưng sau khi giải nghệ, Trương Kế Khoa càng vô kỷ luật hơn. Vì đam mê cờ bạc, để kiếm tiền, cựu VĐV bắt đầu xuất hiện không ngừng trên các chương trình tạp kỹ. Nhưng lần nào anh tham gia cũng bị khán giả phàn nàn về thái độ. Hút thuốc, chửi thề, mắc bệnh ngôi sao, nghiện cờ bạc, tham lam, ham tiền, kém chủ động, nóng nảy… chính là những gì mà Trương Kế Khoa đã bày ra cho mọi người và khán giả cùng “thưởng thức”. Nhưng dưới ánh hào quang của nhà vô địch, những khuyết điểm ấy lại bị hiểu thành “khí chất”.
Một Trương Kế Khoa lắm tài nhiều tật như vậy lại có được trái tim của “mỹ nữ Bắc Kinh” Cảnh Điềm. Biết rằng cô gái này yêu mình rất nhiều, Trương Kế Khoa đã lợi dụng cô để vay mượn rất nhiều tiền. Cho đến khi nợ như “chúa Chổm”, Trương Kế Khoa còn gán nợ bằng ảnh nóng của bạn gái cũ.
Quá khứ trơ trẽn của Trương Kế Khoa bị bóc trần khiến anh ta bị công chúng quay lưng, 18 thương hiệu cũng tuyên bố không gia hạn từ năm ngoái hoặc chấm dứt hợp đồng. Hiện tại, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương cũng đã vào cuộc, yêu cầu làm rõ những vấn đề liên quan đến nam VĐV này.