Việc trả lời của ông giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, nếu đúng như nội dung mà báo chí phản ánh, là chưa thận trọng", ông Phạm Quốc Chính, phó Cục trưởng Cục Xuất bản nói.
Ngay khi nhận được thông tin về cuốn sách Truyện cổ tích các loài chim và muông thú có nội dung phản cảm mô tả nội dung 18+, ông Phạm Quốc Chính, phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành đã đưa ra một số ý kiến.
- Thưa ông, báo chí vừa đăng bài về cuốn sách Truyện cổ tích các loài chim và muông thú viết cho trẻ em nhưng có nội 18+. Ông có đánh giá gì về thông tin này?
- Việc quyết định xuất bản, in, phát hành một xuất bản phẩm trước hết thuộc trách nhiệm của Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản. Cục Xuất bản, In và Phát hành chịu trách nhiệm hậu kiểm.
Thông tin phản ánh trên báo chí về cuốn sách Truyện cổ tích các loài chim và muông thú viết cho trẻ em nhưng có nội dung 18+ tôi mới được nghe báo cáo tại buổi họp giao ban cơ quan. Với chức trách được giao, tôi đã chỉ đạo các phòng chức năng xem xét hồ sơ lưu tại cơ quan về việc xuất bản cuốn sách này. Đây là cuốn sách trong tập Truyện cổ tích chọn lọc (4 tập) do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin liên kết xuất bản với tổng công ty sách Việt Nam xuất bản, in, phát hành từ năm 2006.
Trang sách phản cảm
Nội dung được trích dẫn trong cuốn sách Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú là không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Việc không thực hiện nghiêm túc quy trình xuất bản để lọt cuốn sách có nội dung như trên trước hết thuộc trách nhiệm giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tuy việc phát hiện này quá muộn nhưng là tiếng chuông cảnh báo cần thiết cho việc xuất bản, in, phát hành sách và cả công tác quản lý hoạt động này.
- Vậy theo ông, nguồn gốc cuốn sách này ở đâu?
- Cuốn sách này được đăng ký, xuất bản theo quy trình và quy định của pháp luật.
- Ông có thể chia sẻ thông tin về công tác kiểm tra, cấp phép xuất bản đối với cuốn sách này?
- Theo Luật Xuất bản 2004, Nhà xuất bản đăng ký kế hoạch và được Cục Xuất bản xác nhận, sau khi được xác nhận kế hoạch, nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản, in và phát hành. Đây là cuốn sách nhà xuất bản liên kết với tổng công ty sách Việt Nam.
Việc xuất bản được thực hiện qua hình thức liên kết nếu không được kiểm soát chặt chẽ dễ xảy ra sai sót. Theo thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, sách liên kết sai phạm chiếm tỷ lệ cao so với sách nhà xuất bản tự khai thác, tổ chức xuất bản.
- Ông đánh giá thế nào về câu trả lời của ông giám đốc nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cho rằng đây là "sách lậu, sách ngoài luồng"?
- Việc trả lời của ông giám đốc nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, nếu đúng như nội dung mà báo chí phản ánh, là chưa thận trọng. Trước thông tin mà cơ quan báo chí phản ánh, là lãnh đạo cần phải bình tĩnh, nắm bắt đầy đủ thông tin mới đưa ra nhận xét kết luận thì mới tránh được những sai sót không đáng có.
-Vậy có cách nào để kiểm tra lại xem trong cuốn sách đã cấp phép có nội dung phản cảm kể trên không, thưa ông?
- Nếu cơ quan quản lý muốn kiểm tra nội dung này thì phải có cuốn sách. Dựa vào hệ thống lưu chiểu, theo quy định nhà xuất bản phải lưu chiểu, lưu trữ tại thư viện quốc gia. Cuốn sách này đã 8 năm rồi, như vậy là hết thời hạn lưu chiểu, nhưng còn lưu trữ tại nhà xuất bản. Nhà xuất bản có thể lưu nhưng trong những năm qua có một thực tế khách quan, nhiều nhà xuất bản gặp khó khăn có thể lưu trữ, lưu chiểu nhà xuất bản mà cũng có thể không có bản nào. Nếu bạn đọc, anh em báo chí có cuốn sách nào còn xin gửi lại để cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý để kết luận. Hiện nay, không có sản phẩm trong tay cũng rất khó khăn.
- Hệ thống lưu trữ quốc gia như Thư viện Quốc gia có không, thưa ông?
- Lưu chiểu quốc gia có thể có, có thể không. Việc nộp lưu chiểu, lưu trữ, lưu chiểu Nhà xuất bản, lưu trữ ở thư viện quốc gia cũng có không ít các đơn vị chậm nộp hoặc không nộp, nhất là sách liên kết. Các sách liên kết, gần đây do đôn đốc quyết liệt của Cục có khá hơn, có chuyển biến hơn.
- Có thể nói, nếu chưa cầm cuốn sách trên tay thì chưa thể nói đó là “sách lậu, sách ngoài luồng”, thưa ông?
- Phải có sách trong tay mới đưa ra kết luận, còn nếu chưa có mà kết luận là không phù hợp. Đây là việc hết sức thận trọng. Vì đây liên quan đến trách nhiệm của đồng chí lãnh đạo quản lý đối với bạn đọc, nhất là sách với thiếu nhi càng phải quan tâm.
- Ông có nghĩ rằng câu trả lời của giám đốc nhà xuất bản Văn hóa thông tin rằng đây là “sách lậu” chính là đang “đá” trách nhiệm sang Cục Xuất bản - In và Phát hành không?
- Hiện nay tôi mới biết ý kiến nhà xuất bản. Thực tế tôi cũng chưa đọc trả lời của nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Nếu trả lời đó là thật, tôi cho rằng đó là cách trả lời chưa cẩn trọng. Còn việc có “đá” trách nhiệm cho Cục để lọt cuốn sách này ra thị trường hay không, đó là việc ông giám đốc chưa nhận thấy hết trách nhiệm của mình. Qua hồ sơ lưu tại Cục Xuất bản, In và Phát hành, việc xuất bản cuốn sách trên vào năm 2006, thuộc thời gian đồng chí giám đốc đã chuyển đến nhà xuất bản khác. Tuy nhiên, với trách nhiệm là giám đốc đương nhiệm thì sự việc này là bài học rất cần thiết.
- Xin ông cho biết một vài thông tin về việc chống sách lậu của Cục Xuất bản, In và Phát hành và của các cơ quan chức năng trong thời gian gần đây?
- Những năm gần đây công tác kiểm tra, xử lý đối với sách lậu được Cục xuất bản, In và Phát hành hết sức quan tâm và có nhiều chuyển biến quan trọng, nhất là từ khi Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Việc xử lý, đấu tranh đối với sách lậu, sách giả, sách không có bản quyền có sự tiến bộ rõ rệt. Cục Xuất bản- In và phát hành đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông trình Quốc hội, Chính phủ ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như Luật xuất bản 2012; Nghị định 195/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản năm 2012; Nghị định 159/2013/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản; Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là, những văn bản pháp lý quan trọng tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản và là công cụ hữu hiệu để đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm trong hoạt động này.
Xem thêm clip có thể bạn quan tâm: