Theo Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, từ 25/8, cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư bị phạt từ 250 đến 300 triệu đồng.
Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác.
UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, có Chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.
Mặc dù thời gian quy định có hiệu lực sắp tới gần nhưng nhiều người dân vẫn còn chưa biết rõ về điều này. Trước đây, Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng kết quả đều không thành công. Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng để quy định đi vào cuộc sống thì cần có thời gian tổ chức, đào tạo cho người dân cùng đội ngũ thu gom về quy tắc, cách thức phân loại, thu gom rác hợp lý.
>> Xem thêm: Thủ tướng Nhật Bản: Giúp vợ nấu ăn, đi đổ rác và tự giặt quần áo