Tin mới

Từ bán ngô nướng thành nữ đại gia triệu đô

Thứ hai, 18/05/2015, 09:26 (GMT+7)

Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bán bắp ngô nướng từ năm 12 tuổi, bà Lượng trở thành nữ doanh nhân gốc Việt có trong tay hàng triệu USD.

Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bán bắp ngô nướng từ năm 12 tuổi, bà Lượng trở thành nữ doanh nhân gốc Việt có trong tay hàng triệu USD.

 

Nữ doanh nhân Lê Thị Lượng sinh ra tại Lào, là chị cả của tám người em. Gia đình nghèo, bà vất vả từ nhỏ, ra chợ Pakse buôn bán để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em. Công việc đầu tiên mà bà chọn là bán bắp nướng, rồi chuối nướng ngoài chợ Pakse, tỉnh Champasack.

“Thượng vàng hạ cám cái gì tôi cũng làm. Tôi luôn có suy nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được, nên mỗi lần ra chợ bán bắp nướng tôi luôn quan sát xem những mặt hàng nào hút khách là tôi mày mò và tìm cách chế biến thật ngon để phục vụ người tiêu dùng ở chợ. Đến năm 15 tuổi, tôi chuyển sang bán chè rồi bán kem”, bà Lượng kể trên VOV5.

Nữ doanh nhân người Lào gốc Việt Lê Thị Lượng

Năm 1997, Nhà nước Lào khuyến khích người dân chú trọng phát triển trồng cà phê xuất khẩu, gia đình bà Lượng cũng được chia 300ha đất. Sau khi được cho đi học kinh nghiệm ở tỉnh Gia Lai (Việt Nam), đến năm 2000 bà bắt đầu tiếp cận trực tiếp với việc trồng cà phê. Với số vốn 3 triệu USD, bà nhân giống cà phê trên 100ha đất. Nhưng chỉ sau một năm, cà phê bị sương muối cháy khô, toàn bộ chi phí bỏ ra coi như mất trắng, nhưng bà luôn suy nghĩ “thua keo này ta bày keo khác” nên không ngại làm lại từ đầu. Từ đó bà Lượng rút ra được kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cây cà phê và phát hiện ra rằng thời tiết, cũng như chất đất của Lào phù hợp để trồng cà phê Arabica. Đến nay, bà mở rộng diện tích vườn lên 250ha và xây dựng nhà máy sản xuất cà phê khép kín 200 triệu USD với trên 200 công nhân.

Thương hiệu cà phê của bà đã đến được với người tiêu dùng không chỉ ở Lào mà còn xuất khẩu được sang các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Singapore…

Hiện Doanh thu một tháng tại công ty bà khoảng 2 triệu USD. Năm 2013, sản lượng cà phê nhân bà thu hoạch ở vườn nhà và từ nông dân đạt 10.000 tấn. 50% bà dùng để xuất khẩu sang Nhật, 50% còn lại để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu "Dao Coffee".

Không chỉ thành công trong lĩnh vực cà phê, tập đoàn Dao Heuang còn phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trái cây sấy, trồng và chế biến trà xanh, nước trà đóng chai, kinh doanh khách sạn, xây dựng chợ...

Chia sẻ về bí quyết chiếm lĩnh 90% thị phần cà phê ở Lào, bà Lượng cho hay yếu tố đầu tiên là biết tạo ra nguồn cung.

“Ngoài việc tự trồng, tôi còn vận động người dân tham gia bằng cách hỗ trợ họ giống, kỹ thuật trồng, phân bón, đồng thời cung ứng gạo để nông dân không đói. Đến khi thu hoạch họ sẽ đem cà phê đến giao, nếu thừa tôi trả thêm tiền cho họ, thiếu tôi cho họ vay”, bà  chia sẻ.

Nhờ thế, tới nay bà đã vận động được hơn 68 bản làng (hơn 2.000 hộ gia đình) cung cấp cà phê. Để có cà phê ngon chất lượng bà quy định người dân phải thu hoạch đúng thời điểm, trái cà phê phải chín mọng. Nếu cà phê còn xanh bà sẽ ngưng mua và trả lại. Một yếu tố khác khiến người dân tin tưởng và hài lòng là giá thu mua cà phê tươi của của bà luôn cạnh tranh hơn so với những doanh nghiệp khác.

Dao Heuang hiện đứng trong tốp doanh nghiệp lớn của Lào và dẫn đầu ở Nam Lào. Bà Lê Thị Lượng không chỉ nhận được sự ngưỡng mộ của người dân Lào, mà còn là một "bông hồng vàng" trong giới nữ doanh nhân người Việt được phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vinh danh.

Nam Nam (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news