Từ một lá thư đầy chua xót, bà Phạm Thị Thúy, Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu đã chỉ ra 5 điều mà bố mẹ cần tránh trong việc giáo dục con ở cấp độ gia đình hiện nay.
Lá thư của từ tù viết gửi mẹ
Đây là lá thư được đăng tải trên website của một trường học, có thể đây chỉ là một câu chuyện được thêu dệt, song vấn đề mà nó truyền tải thì hoàn toàn thực tế và đáng ngẫm.
Thưa Mẹ!
Con của mẹ ngày mai là phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao mình lại đi đến bước đường cùng như thế này, hiện tại con chỉ thấy mọi ký ức như đang trở về và hiển hiện trước mắt con…
Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến và đỡ con đứng dậy. Mẹ vừa dỗ dành con không khóc vừa mắng hòn đá: "Sao mày lại làm con tao khóc, để mẹ đánh cho hòn đá một trận."
Con đang cố chịu đau để cầm nước mắt, nhưng nghe xong câu nói của mẹ, con đã khóc trong lòng mẹ rất lâu mới chịu nín. Mẹ đã cho con biết rằng, lý do con ngã là do hòn đá, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ chỉ muốn dỗ dành cho con không khóc nữa.
Khi con được 4 tuổi, do con muốn xem ti vi nên không muốn ăn cơm tối. Mẹ đã mang cơm đến và bón cho con ăn. Mẹ đã dạy cho con biết cách tận hưởng cuộc sống, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ sợ con làm vãi cơm làm bẩn quần áo, rồi tự mẹ lại phải đi giặt.
Khi con được 6 tuổi, mẹ đưa con đến trung tâm mua sắm để mua quà giáng sinh, mẹ đã nói với con là chỉ được mua một thứ đồ chơi.
Nhưng khi con được mua "người sắt biến hình" con lại muốn mua máy bay. Khi mẹ không đồng ý, con đã nằm xuống đất và khóc cho đến khi mẹ chịu mua cho con mới thôi.
Mẹ đã cho con biết dùng chiêu này là con có thể đòi được đồ mà mình yêu thích, nhưng con không biết rằng, mẹ mua cho con, chỉ vì không muốn mất mặt chỗ đông người.
Ảnh minh họa.
Khi con được 10 tuổi, mẹ đã đăng ký cho con 3 lớp phụ đạo văn hóa và 2 lớp học năng khiếu. Khi con con cảm thấy mệt mỏi đến mức không chịu nổi, mẹ đã nói: "Nếu con không chịu được khổ thì làm sao thành người tài giỏi được."
Mẹ đã cho con biết rằng, học tập là việc rất cực khổ, nhưng thực ra, mẹ cũng muốn con sẽ có ngày thành đạt để có thể mở mày mở mặt trước mọi người.
Khi con được 15 tuổi, con đòi chơi đàn piano, mẹ đã vay tiền để mua cho con một chiếc đàn. Nhưng chỉ sau một tháng, con đã không còn động đến nó nữa.
Mẹ đã cho con thấy, hóa ra không có tiền cũng có thể tùy ý sở hữu những đồ mà mình thích. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã phải vất vả làm việc 3 năm mới trả được hết nợ.
Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, với lý do có thể liên lạc với mẹ thường xuyên hơn. Mẹ đã không cần cân nhắc nhiều và chuyển ngay cho con 10 triệu đồng.
Nhưng con chỉ dùng điện thoại để liên lạc với bạn gái, trong vòng 1 năm con chỉ gọi cho mẹ có mấy lần.
Mẹ đã cho con thấy rằng, mẹ là một ngân hàng miễn phí mà con có thể lấy bất cứ lúc nào. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã nhiều lần chờ đợi con gọi điện để chúc mừng trong ngày sinh nhật mẹ.
Năm con 27 tuổi, quan hệ của con với các bạn gái đều không được lâu dài, các cô gái đều nói con là người không có trách nhiệm, vẫn là một cậu bé chưa trưởng thành. Mẹ đã nói rằng, do duyên chưa đến, các cô gái đó đều không xứng với con.
Mẹ đã cho con thấy rằng, những cô gái không lấy được con là do họ kém phúc phận. Nhưng đằng sau đó, mẹ đã vì con mà âm thầm đi rất nhiều nơi để dò hỏi cho con người ưng ý.
Ảnh minh họa.
Năm con 32 tuổi, do con đánh bạc thua, và nợ rất nhiều tiền, mẹ đã rất tức giận đến mức sinh bệnh, nhưng cuối cùng thì mẹ cũng trả hết nợ cho con.
Mẹ đã cho con thấy, cho dù con có gây ra tội tình gì đi nữa, thì mẹ cũng đều giúp con gánh vác trách nhiệm. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã vì con mà tiêu hết đi khoản tiền mẹ dành dụm cho tuổi già của mình.
Năm con 35 tuổi, khi con biết mẹ đã không còn đồng nào trong người, con đã đi cướp của giết người.
Khi con nghe thấy họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con vậy mà cuối cùng lại ra nông nỗi này.
Cuối cùng con đã biết, mẹ đã vì yêu con mà hết lần này đến lần khác cướp đoạt đi cơ hội trưởng thành của con, hết lần này đến lần khác bóp chết đi năng lực sinh tồn của con, lấy đi trách nhiệm đối với cuộc đời của chính con. Hóa ra cho đến lúc cận kề cái chết, con vẫn chưa trưởng thành.
Mẹ đã dùng phương pháp sai lầm và vất vả cả đời vì con cái, để đổi lấy sự đau khổ cho cả 2 thế hệ.
Hóa ra giáo dục con cái không có cơ hội để lặp lại lần thứ 2. Hóa ra, mẹ đã tự tay đưa con lên đoạn đầu đài…
Mẹ hãy bảo trọng! Ngày mai con phải đi rồi. Hy vọng ở một thế giới khác, con có thể học được cách có trách nhiệm với chính mình, tự mình tìm được hạnh phúc cho chính mình…
Vĩnh biệt Mẹ của con!
Con trai của Mẹ.
Quan điểm giáo dục con của Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu - Học viện Hành chính Quốc gia Phạm Thị Thúy
Theo quan điểm của bà Phạm Thị Thúy, Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu, bức thư của từ tù là một hình thức mượn lời:
"Tôi tin là không có tử tù nào viết ra được cụ thể và chi tiết như vậy. Nhưng nó liệt kê được nhiều sai lầm của người làm cha mẹ".
Từ nội dung bức thư, TS. Phạm Thị Thúy đã nêu ra một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi dạy con hiện nay.
Sai lầm thứ nhất là vô tình dạy con lối sống đổ lỗi, vô trách nhiệm
Trong bức thư được cho là của tử tù có dẫn, năm lên 3 tuổi con bị ngã và mẹ đánh hòn đá, đổ lỗi cho hòn đá. Đây là sai lầm của phụ huynh khi không dạy con tính chịu trách nhiệm về việc làm của chính mình.
Lâu dần thành quen, đứa trẻ sẽ có suy nghĩ mọi sự cố xảy ra với mình lỗi đều do yếu tố khách quan chứ không phải do mình.
Bản thân người viết bức thư cũng không thoát khỏi tính đổ lỗi. Các phân tích đều tập trung đổ lỗi cho người khác, cụ thể ở đây là lỗi tại mẹ mà con có kết quả ngày hôm nay mà vẫn chưa thể tự nhìn nhận ra trách nhiệm của bản thân.
Đây là sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Khi nói chuyện, chia sẻ với phụ huynh, tôi đều nhấn mạnh nếu các con không chịu trách nhiệm thì sau này khó làm được việc gì thành công.
Sai lầm thứ hai là làm thay cho con
Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn có xu hướng mắc sai lầm phổ biến: Bố mẹ làm thay việc cho con quá nhiều khi trẻ ở độ tuổi từ 0 -6 tuổi.
Sai lầm này không chỉ thấy ở giai đoạn trên mà còn theo suốt hành trình dạy con, thậm chí có cha mẹ con lớn lấy vợ lấy chồng rồi vẫn làm thay con.
Bố mẹ làm thay con sẽ khiến con ỷ lại, mất khả năng tự lập. Trẻ khó tự tin và vì vậy khó thành công.
Không những thế, một đứa trẻ luôn được/bị làm thay sẽ sinh tính ích kỷ, chỉ biết lợi cho bản thân không biết chia sẻ giúp đỡ người khác.
Chính cha mẹ sẽ là người khổ đầu tiên khi các con lớn lên. Rồi sẽ đến lúc bạn bè, đồng nghiệp, vợ/chồng, con cái của con sẽ chịu, không thể sống chung làm việc chung được với những người – từng là đứa trẻ được nuôi chiều bao bọc quá mức.
Ảnh minh họa.
Sai lầm thứ ba là bắt con làm theo ý mình
Nhất nhất mọi việc đều bắt con làm theo ý cha mẹ, từ việc học ở đâu, học với ai, học ngành gì, ra làm ở đâu… đều sắp xếp cho con.
Cha mẹ luôn luôn nghĩ rằng mình cho con những điều kiện tốt nhất, trải thảm hoa cho con đi nhưng thực ra bố mẹ đang đánh cắp quyền tự quyết định của trẻ, đánh mất đi quyền tự do là chính mình của con. Việc này làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.
Về lâu dài, sau nhiều lần bố mẹ bắt đứa trẻ làm theo ý mình có vẻ thuận lợi, đứa trẻ ngày càng không biết mình là ai, trẻ không biết mình có năng lực gì, không biết giới hạn của bản thân... Thậm chí trẻ không biết đến thất bại.
Và khi bố mẹ không còn cơ hội hoặc khả năng quyết định thay, lớn lên trẻ dễ gặp thất bại, dễ nản chí, mất phương hướng…
Trong cuốn sách "Phúc nuôi dạy con" mới xuất bản, tôi có bài viết: "Cho con quyền thất bại". Nếu không thất bại, trẻ không biết mình phải cố gắng ra sao, luôn đi theo con đường có sẵn thì chắc chắn trẻ không phát huy được năng lực của mình.
Hơn nữa, những đứa trẻ bị bắt buộc làm theo trẻ sẽ trở nên thụ động, lười suy nghĩ, lười cố gắng vì bố mẹ làm sẵn hết rồi. Đứa trẻ đó sẽ như gà công nghiệp.
Ngoài nhóm những đứa trẻ thụ động, còn có một số trẻ sẽ bất mãn, chống đối, ức chế, có các hành vi nổi loạn. Bức thư này chưa thể hiện lỗi đó. Trên thực tế, tôi gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ con.
Ví dụ bắt con theo một trường đại học, nó chống đối bằng việc bỏ không đi học hoặc thay vì đi học lại đi chơi. Bị thi lại, chúng xin tiền bố mẹ nộp phí, chạy điểm…. Đó là điều rất nguy hiểm.
Vì trẻ suy nghĩ bố mẹ bắt vào học trường đó thì bố mẹ đi mà lo. Chúng không ý thức, không tập trung vào việc học vì đó là ý thích của bố mẹ không phải con học cho con.
Việc này sẽ hủy hoại tương lai của trẻ, hủy hoại toàn bộ những gì bố mẹ sắp đặt.
Sai lầm thứ thứ tư là bố mẹ dạy con trong khi nóng giận
Bình thường các bậc phụ huynh hầu hết đều yêu thương, chăm sóc và có thể nói là có cách riêng để dạy bảo con mình cho phù hợp với hoàn cảnh riêng.
Thế nhưng khi nổi nóng lên, chúng ta thường không kiểm soát được cảm xúc, nói với con những lời gây tổn thương, mạt sát đứa trẻ, phủ nhận đứa trẻ.
Hậu quả là trẻ tự ti mặc cảm, trẻ cảm thấy không được tôn trọng. Trẻ sẽ đánh mất đi sự tự tin vào giá trị riêng của mình.
Bố mẹ đừng dùng roi vọt, la mắng lúc nóng giận để dạy trẻ. Khi nóng giận, trước tiên nên chuyển hóa cảm xúc tiêu cực bên trong, bình tĩnh mới sáng suốt rồi hãy dạy trẻ.
Ảnh minh họa.
Sai lầm thứ năm là dạy con dựa trên sỹ diện bản thân
Cha mẹ luôn dạy con dựa trên sỹ diện bản thân chứ không phải vì đứa bé.
Ví dụ bố mẹ không muốn mua đồ chơi cho trẻ nhưng con đòi, giãy đành đạch giữa siêu thị hoặc trước mặt bạn bè khiến họ mất mặt nên đành phải mua cho con.
Bố mẹ bắt con học cái này, cái kia, đạt thành tích theo kỳ vọng của cha mẹ cũng là để sỹ diện với bạn bè, để khoe là con mình giỏi giang, nhất là từ khi có mạng xã hội, điển hình là khi có Facebook thì cha mẹ khoe con mỗi ngày.
Nhỏ thì khoe ảnh con dễ thương, có mẹ khoe cả cảnh con khóc, con làm xấu…, lớn thì khoe thành tích, lớn nữa thì con đạt giải nọ, giải kia.
Điều này rất nguy hiểm, nó là áp lực vô hình lên đứa trẻ. Trẻ phải cố, cố vì cái danh của gia đình, vì thể diện của bố mẹ chứ không phải vì đam mê, vì niềm vui của trẻ.
Chính sai lầm này cũng là một cái bẫy nguy hiểm có hại cho chính các bậc phụ huynh.
Khi bố mẹ dạy con, con không được như ý sẽ xấu hổ với bạn bè, với xã hội, từ đó mặc cảm như mình là một người bố người mẹ kém cỏi, thất bại… Và bao bực dọc cha mẹ lại quay về trút lên đầu con, cả nhà cùng khổ.
Nelson Mandela đã nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới."
Nếu các bậc phụ huynh không ban cho con thứ vũ khí này thông qua những phương pháp giáo dục chuẩn mực, tương lai của con trẻ sẽ ra sao? Các bố mẹ hãy ngừng suy nghĩ một chiều, rằng con học giỏi, nhiều bằng cấp sẽ nên người.