Khi thấy rắn học trò bò vào trước sân phơi lúa, ông Lợi sợ “con mình” đói nên bắt nhái cho rắn ăn. Do không cẩn thận, ông đã bị “con trai” cắn ngón tay gây tử vong.
Ông Phạm Văn Lợi (54 tuổi, trú tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) suốt nhiều năm qua đinh ninh rằng “rắn học trò” (một loại rắn độc) bò vào nhà chính là đứa con trai chết yểu của mình. Một ngày, trong lúc có men rượu, khi thấy rắn bò vào trước sân phơi lúa, ông sợ “con mình” đói nên bắt nhái cho rắn ăn. Do không cẩn thận, ông đã bị “con trai” cắn ngón tay khiến chảy máu. Sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, ông Lợi đã tử vong.
Cho rắn “học trò” ăn, cha bị cắn chết
Theo quan niệm của người dân xứ Huế, “rắn học trò” là “oan hồn” của những người đã khuất, nó rất hiền và không bao giờ cắn người. Đâu có ai ngờ được rằng chính vì niềm tin ăn sâu vào tâm thức ấy đã dẫn đến cái chết không đáng có của ông Phạm Văn Lợi.
Cách đây vài ngày, nhà bác họ của ông Lợi làm lễ cúng 49 ngày, ông Lợi có qua tham dự và uống vài ly rượu. Khoảng 2h chiều, ông trở về nhà. Vừa về đến sân, thấy con “rắn học trò” bò trên sân phơi lúa, ông Lợi hỏi: “Con trai ba về phải không?”. Cùng lúc đó, có con nhái nhảy tới. Sợ “đứa con trai” đói, ông Lợi đã bắt nhái và trực tiếp cho “con trai” ăn. Dù bị rắn cắn trúng ngón tay gây chảy máu nhưng ông Lợi vẫn tiếp tục chơi đùa với rắn.
Ảnh minh họa.
Sau hôm đó, ông Lợi trở nên mệt mỏi, đờ đẫn, không ăn uống gì được, có nôn ra một ít máu đen. Ngón tay bị rắn cắn chảy máu, ông Lợi chỉ dùng miếng gạc để băng lại vết thương.
Tưởng ông Lợi vì say nên bị ói và bị cảm cúm, bà Nguyễn Thị Thúy (vợ ông Lợi) nấu cháo cho chồng ăn và mua mấy viên thuốc cảm cho chồng uống. Nhưng suốt hai ngày liền ông Lợi vẫn không thể ngồi dậy được và vẫn tiếp tục nôn ra máu đen.
Không hề nghĩ tới chuyện chồng bị rắn độc cắn, nhưng thấy chồng bị “say” hai ngày không thể ngồi dậy được, bà Thúy đã nhờ anh họ ở sát nhà chở ông Lợi đi bệnh viện. Khi vào bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ không thể lấy ven được vì máu không đông. Bác sĩ nói ông Lợi đã vỡ hồng cầu do bị nhiễm độc.
Khi được bác sĩ gặng hỏi, bà Thúy mới nhớ ra chồng mình có bị con “rắn học trò” cắn cách đó mấy hôm. Chỉ vài ngày sau đó, ông Lợi đã tử vong.
Vợ chồng ông Lợi có tất cả 5 người con, người con trai đầu đã ra đi rất sớm khi mới 11 tuổi. Đứa con trai đầu lòng của hai vợ chồng ông Lợi mặt mày sáng sủa, thông minh, được rất nhiều người yêu mến. Cháu là niềm hy vọng rất lớn của ông Lợi, nhưng căn bệnh u não đã cướp đi mạng sống của cháu.
Kể từ lúc con trai ông Lợi ra đi, cứ có con “rắn học trò” bò vào sân nhà, ông Lợi và bà Thúy lại cất giọng hỏi: “Con về đó con...?” và tin chắc rằng đó là con trai họ hiện sinh.
Nỗi đau của người ở lại
Trong gian nhà nhỏ, mấy mẹ con bà Thúy mang gương mặt đau khổ, buồn thiu trước biến cố gia đình. Khi nghe mẹ nói chuyện về cha, mắt mấy đứa trẻ lại đỏ hoe, nước mắt cứ chảy tràn trên má.
Bà Thúy kể, ông Lợi là trụ cột chính trong gia đình. Đứa con trai thứ hai của ông bà nhìn khỏe mạnh và bình thường nhưng không may bị chứng thần kinh phân liệt, hàng ngày phải uống thuốc của địa phương cấp, không thể lao động để phụ giúp gia đình được. Đứa con gái thứ 3 mới tốt nghiệp cao đẳng kế toán, xin mãi không được việc, đành phải đi may công nghiệp để kiếm tiền nuôi dưỡng bản thân. Hai đứa con sau vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Cả hai đều học rất giỏi, năm nào cũng có bằng khen của trường. Riêng đứa con gái kế út của bà được bằng khen của Phòng Giáo dục Hương Trà.
Chồng mất, gánh nặng gia đình bây giờ trút hết lên vai người vợ gầy guộc. Càng vất vả hơn khi bà còn phải chăm sóc người mẹ chồng già 90 tuổi quanh năm đau ốm. Trước đây, khi ông Lợi còn sống, thường ngày vẫn một mình làm hết 5 sào ruộng.
Quanh năm, ông quần quật với ruộng đồng, hết trồng đậu, trồng sắn lại trồng rau, gánh vác cơm áo gia đình. Giờ ông Lợi qua đời, nỗi đau mất đi người thân khiến mẹ con bà Thúy chết lặng.
Dạo gần đây, bà Thúy đột nhiên bị đau ngực, khó thở, chân tay luôn trong trạng thái mỏi rã rời, không làm được việc gì. Mọi việc trong nhà phải nhờ hai người con nhỏ phụ giúp. Những công việc đồng áng nặng nhọc nay phải bỏ bê, chẳng biết trông cậy vào ai.
Ngoài trời lất phất mưa khiến không khí trong căn nhà càng trở nên tang tóc, ảm đạm hơn sau cái chết của người đàn ông vắn số. Chợt nhớ ra điều gì, bà Thúy nói: “Trời mưa to một tí là nhà bị dột. Cứ thấy trời trở gió là tôi lại sợ. Lỡ không may trời bão, mái nhà bằng tôn chắc bay hết”.
Ngôi nhà của bà đã xây cách đây rất lâu, giờ đã trở nên “liêu xiêu” vì mối mọt, giờ sẽ thêm một lần, hoặc nhiều lần hứng chịu giông bão.
Gia đình chồng bà thuộc diện có công với cách mạng nên rất được chính quyền địa phương quan tâm. Thấy hoàn cảnh khó khăn, UBND thị xã Hương Trà chuẩn bị cấp cho gia đình bà 40 triệu đồng để sửa sang nhà cửa. Vợ chồng bà định vay mượn thêm mấy người bà con để làm lại nhà cho kiên cố.
“Ngày cầm được quyết định của ủy ban gửi về cũng là ngày đưa tang chồng tôi”, bà nói trong ngậm ngùi. Bây giờ trong gia đình chỉ một mình bà cáng đáng. Lo cái ăn, cái mặc và học hành cho con còn không đủ sức, “trăm dâu đổ đầu tằm”, bà đành gác lại chuyện cửa nhà sang một bên.
Chỉ vì quá chủ quan và mê tín, gia đình ông Lợi luôn tin “rắn học trò” là linh hồn con trai mình nên mới xảy ra sự cố đáng tiếc. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai có niềm tin mù quáng rằng “rắn học trò” không có độc và không bao giờ cắn người. Nếu con rắn là linh hồn oan uổng của con trai ông Lợi – bà Thúy thì tại sao chính con vật mà họ gọi là “con trai” đó lại tiết ra độc, cắn chết chính ông Lợi – “cha ruột” của nó mà không hề biết thương tiếc?.
Theo Thanh Hà/Nguoiduatin