Tin mới

Tướng Hồ Sỹ Tiến: "Buồn nhất là khi chưa tìm ra manh mối để phá án"

Thứ tư, 19/08/2015, 10:53 (GMT+7)

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ thảm sát: vụ Lê Văn Luyện (Bắc Giang), Nguyễn Hải Dương (Bình Phước), Vi Văn Mằn (Nghệ An), Đặng Văn Hùng (Yên Bái)... Tuy nhiên, tất cả các hung thủ đều đã bị lực lượng công an bắt giữ, buộc phải đền tội, trả lại công bằng cho nạn nhân và trấn an dư luận. Nhân dịp 70 năm ngày truyền thống công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2015), PV đã có buổi trò chuyện với Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) – thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – người đang được báo chí mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm hình sự”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ thảm sát: Nguyễn Hải Dương (Bình Phước), Vi Văn Mằn (Nghệ An), Đặng Văn Hùng (Yên Bái)... và cũng rất nhanh sau đó, tất cả các hung thủ đều đã bị lực lượng công an bắt giữ, trả lại công bằng cho nạn nhân và trấn an dư luận. Nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/8/2015), PV đã có buổi trò chuyện với Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) – thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – người đang được báo chí mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm hình sự”.

Là người có hơn 30 năm trong nghề cảnh sát điều tra, từng tham gia phá hàng trăm vụ án hình sự, trực tiếp chỉ đạo phá nhiều vụ trọng án gây rúng động dư luận, song tướng Tiến rất kiệm lời khi nói về mình. Ông bảo “Báo chí nhiều bài nói không đúng, không phải vụ nào tôi cũng chỉ đạo, tôi chỉ chỉ đạo những chuyên án do C45 trực tiếp phá án, còn các vụ khác là tôi tham gia cùng các địa phương. Mà thành tích là của tập thể: của tòan bộ lực lượng tham gia, và cả sự trợ giúp của người dân, tôi chỉ đóng góp một phần công sức trong đó thôi”.

Cục trưởng Cục C45 - thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (ảnh: Diệp Chi)

Thưa Cục trưởng, ông đang được báo chí mệnh danh là “khắc tinh của tội phạm hình sự” vì sự nhanh nhạy trong điều tra, phá án, đưa vụ án ra ánh sáng trong thời gian rất ngắn. Xin ông cho biết cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc có đặc thù gian nan, vất vả và đầy hiểm nguy này?

Hồi nhỏ tôi rất thích làm công an, nhưng hồi đó chưa có trường đại học dành cho ngành công an như Học viện An ninh bây giờ, mà chỉ có trường Sỹ quan an ninh và hình thức tuyển là do trường về các trường ngành khác để tuyển. Học xong phổ thông tôi xin đi bộ đội nhưng do là con trai duy nhất của liệt sĩ nên người ta không nhận. Tôi đăng ký thi vào Đại học Y khoa và Đại học thủy sản, sau đó trường Sỹ quan An ninh về tuyển và tôi trúng tuyển, theo học từ năm 1975.

Tốt nghiệp năm 1981, tôi về Cục chấp pháp (Bộ Công an) biệt phái 1 năm. Sau khi Cục chấp pháp tách làm đôi thành Cục An ninh điều tra và Cục Cảnh sát điều tra xét hỏi thì tôi được điều về Cục cảnh sát điều tra xét hỏi, làm ở Phòng cảnh sát điều tra xét hỏi – Công an Hà Nội và gắn bó từ đó đến giờ.

Khó khăn nhất là truy tìm manh mối và xác định hướng điều tra

Được biết, ông từng tham gia phá nhiều vụ án trọng điểm, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận như vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, vụ Nguyễn Hải Dương ở Bình Phước..., xin ông chia sẻ điều gì là khó khăn nhất đối với quá trình phá án các vụ thảm sát này?

Đối với những vụ “án truy xét” là những vụ án đã xảy ra rồi nhưng chưa xác định được đối tượng gây án thì công tác phá án gặp vô vàn khó khăn do phần lớn các đối tượng gây án đã chủ động xóa hết các dấu vết để đối phó cơ quan điều tra. Đó là các khó khăn về hiện trường (bao gồm dấu vết và một số yêu tố khác), về nhân chứng, về truy tìm tang vật. Đặc biệt, đối với những vụ án mà nạn nhân đã chết, không có nhân chứng thì công tác truy tìm manh mối lại càng khó khăn gấp bội.

Ví dụ vụ án Bình Phước, cả 6 nạn nhân đều bị giết, không còn nhân chứng, gây án vào ban đêm; hay vụ bản Phồng (Nghệ An) đối tượng gây án ở địa bàn rừng núi, hiểm trở, cũng không có nhân chứng. Vụ Yên Bái xác định được đối tượng rồi thì lại phải điều tra xem đối tượng đang lẩn trốn ở đâu để khoanh vùng vây bắt.

Tướng Tiến cùng các chiến sĩ cảnh sát hình sự lội suối vào hiện trường vụ thảm sát ở Nghệ An

Mỗi vụ án có một tính chất khác nhau, khó khăn cũng khác nhau. Nói chung đối với mỗi vụ án, cán bộ điều tra đều phải xác định được các yếu tố: nguyên nhân, động cơ gây án, hung khí, từ đó xác định tính chất vụ án và khoanh vùng đối tượng gây án.

Ông có nhận xét gì về tâm lý chung của các đối tượng gây ra các vụ trọng án có tính chất dã man, tàn độc này?

Đối với các vụ trọng án này, đa số các đối tượng gây án đã có sự chuẩn bị trước, thậm chí giết sạch người liên quan để xóa dấu vết nhằm chủ động đối phó với cơ quan điều tra. Do vậy khi bị phát hiện, gần như tất cả đối tượng đều có chung tâm lý là rất tự tin, chỉ đến khi cơ quan điều tra đưa ra những chứng cứ không thể chối cãi thì đối tượng mới chịu nhận tội.

Phần lớn các vụ thảm sát gần đây là do nguyên nhân xã hội

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ trọng án như vậy khiến dư luận hết sức hoang mang. Ông có lý giải gì về hiện tượng này?

Có nhiều nguyên nhân gây ra các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gọi là các vụ trọng án, mà nhân dân quen dùng là “thảm sát”. Tuy nhiên có một nguyên nhân phổ biến là nguyên nhân xã hội. Đó là những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nội bộ gia đình, mâu thuẫn trong cuộc sống: tình ái, tranh chấp tài sản... Nhiều người bi quan trong cuộc sống, do bệnh tật hoặc sử dụng chất kích thích cũng là nhóm đối tượng dễ gây ra trọng án.

Để giải quyết vấn đề này, đương nhiên cần phải có sự chung tay góp sức của toàn bộ đoàn thể, tổ chức xã hội cùng tham gia giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Phải tăng cường các tổ hòa giải dân phố, tăng cường lực lượng nắm tình hình các mâu thuẫn để ngăn chặn từ lúc manh nha.

Tăng cường thiết chế gia đình, sâu sát quản lý con em mình để tránh tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: bị trầm cảm, ăn chơi đua đòi, bị bạo hành, bị xâm hại... dẫn đến tham gia các băng nhóm xã hội rồi dẫn đến phạm tội.

Xã hội cần tạo ra các khu vui chơi lành mạnh cho trẻ em. Ngoài ra cần chú trọng giáo dục ý thức pháp luật cho người dân.

Báo chí cũng nên góp phần tích cực trong công cuộc tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Báo chí không nên khai thác quá kỹ các tình tiết, cách thức gây án, dễ làm dư luận hoang mang và một số người học theo.

Công tác quản lý văn hóa: trò chơi mang tính chất bạo lực cần được quản lý chặt chẽ hơn. Hiện nay có hiện tượng một số thanh thiếu niên dùng tiền thật mua tiền ảo rồi mua vũ khí áo chém giết nhau trên mạng, dần dần cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi ngoài đời thực.

Nhà nước cũng cần thắt chặt quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện có kinh doanh chất kích thích như vũ trường, quán karaoke... Hiện nay rượu mạnh được bán tràn lan tại các tụ điểm này, bán không hạn chế cho mọi lứa tuổi. Chính chất kích thích: rượu, bia, ma túy... cũng là chất xúc tác gây mất kiểm soát và gây án.

Cuối cùng, vấn đề cốt tử là phải duy trì được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ tổ quốc, tăng cường tuần tra, tự quản, tự phòng, đặc biệt là phong trào tố giác tội phạm.

Xin ông chia sẻ một vài kỷ niệm về chuyện đời, chuyện nghề trong quãng đời tham gia công tác gian nan, khó khăn đầy hiểm nguy này?

Mỗi vụ án đều khác nhau. Tuy nhiên, những kỷ niệm vui nhất đối với người cán bộ điều tra phá án là sau mỗi lần phá án xong, tìm ra được đúng hung thủ để đưa ra xét xử đúng người đúng tội, đảm bảo tính thực thi công bằng của pháp luật. Còn buồn nhất là khi chưa tìm ra được manh mối để phá án, hoặc là phá án xong rồi mà phải chứng kiến những nguyên nhân gây án rất “lãng xẹt”, không đáng có như những mâu thuẫn bột phát, tranh chấp nhau thửa ruộng không quá đáng giá, hay là bị ngăn cản tình ái... Những mâu thuẫn đó hoàn toàn có thể hòa giải nhưng rốt cuộc các hung thủ đã gây ra thảm án để rồi người chết, người đi tù hoặc bị tử hình.

Xin cảm ơn ông!

Theo Diệp Chi (An ninh Tiền tệ)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Tử tù Nguyễn Hải Dương xin hiến xác: Có được chấp nhận?

Theo luật sư, với quy định pháp luật hiện hành thì "tử tù" không bị hạn chế quyền yêu cầu hiến tạng, hiến xác. Tuy nhiên, nếu tử tù bị tiêm thuốc độc thì không thể thực hiện được thủ tục hiến xác…