Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, toàn cầu có khoảng 530.000 trường hợp mắc mới và 280.000 trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung. Dù là bệnh nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, khi đó điều trị sẽ mang lại tỷ lệ khỏi bệnh cao nhất.
Khám sức khỏe định kỳ - một trong những việc làm thiết thực để kịp thời phát hiện bệnh tật. Ảnh: Dương Ngọc |
Đừng bao giờ chủ quan
Tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, trung bình mỗi tháng các bác sĩ lại phát hiện khoảng 55 trường hợp ung thư cổ tử cung mới mắc. Điều đáng lưu ý, đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn trễ.
Cô Nguyễn Thị P (52 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) đang điều trị tại Khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết: “Sau mãn kinh, tự dưng tôi bị ra huyết kéo dài, đi khám thì phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là viêm nhiễm thông thường, đâu ngờ bị ung thư...”. Theo cô P, từ thời con gái đến lúc lập gia đình, sinh con, lần đầu tiên cô đi khám phụ khoa cũng là lúc phát hiện bệnh. Xem báo, nghe đài, cô cũng biết về ung thư cổ tử cung nhưng nghĩ mình không có nguy cơ mắc nên không đi khám, tầm soát thường kỳ.
Chị Hoàng Mỹ H (43 tuổi, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt. Những ngày đầu chỉ xuất huyết ít, lại bận lo việc gia đình nên để hơn 4 tháng sau, khi thấy trong người ngày càng mệt mỏi, đau âm ỉ ở bụng dưới, chị mới đi khám ở Trung tâm Chẩn đoán Y khoa, kết quả phát hiện bị ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ tư vấn cho chị qua Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ điều trị. Đến đây, sau khi khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ kết luận bệnh của chị đã ở giai đoạn 3, việc điều trị khó khăn hơn. Theo chị H, hằng ngày, chị rất kỹ lưỡng trong vấn đề vệ sinh phụ nữ nên cứ tưởng mình khó mà mắc bệnh được.
Theo BS CKII Lê Quốc Chánh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV, một loại virus gây u nhú ở người, có tỷ lệ lây nhiễm rất cao qua đường tình dục. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung nếu như có các yếu tố phơi nhiễm sau: Có quan hệ tình dục hay quan hệ tình dục nhiều, sớm; hút thuốc; có nhiều bạn tình; nhiễm trùng, có tiền sử bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes sinh dục. Một nhân tố khác liên quan đến ung thư cổ tử cung là sinh hoạt tình dục sớm khi cổ tử cung chưa hồi phục hoàn toàn (khi hành kinh, đẻ, sảy thai, nạo hút thai, đặt vòng, tháo vòng).
Triệu chứng sớm của ung thư cổ tử cung thường nghèo nàn. Chủ yếu người bệnh thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, rối loạn kinh nguyệt và tiền sử kinh nguyệt ra nhiều, khí hư lẫn máu... Nếu không định kỳ khám phụ khoa và làm các xét nghiệm chẩn đoán sớm thì thường không nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm.
Phòng và phát hiện sớm
BS Nguyễn Minh Triết, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho biết, năm 2013, trong tổng số 5.500 ca ung thư nhập viện tại bệnh viện thì ung thư cổ tử cung phát hiện mới là 665 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 13%. Phần lớn bệnh nhân ở nông thôn, kinh tế hạn chế, số lượng đi khám sàng lọc, tầm soát ung thư rất ít, cộng thêm tâm lý e ngại khám phụ khoa dẫn đến nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất tốn kém, khó khăn. Ngoài ra, nhiều chị em chưa thật sự quan tâm tìm hiểu kiến thức cũng như chủ quan đối với căn bệnh này.
Theo BS Nguyễn Minh Triết, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi 90% nếu được tầm soát phát hiện ở giai đoạn sớm. Để phát hiện sớm bệnh, tất cả phụ nữ nên đi thử PAP smear (còn gọi là phết tế bào âm đạo). Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng, không gây đau, giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nhờ đó bệnh nhân được điều trị sớm, ngăn ngừa ung thư phát triển. Phụ nữ nên làm xét nghiệm này sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục, ít nhất mỗi năm một lần và duy trì suốt đời.
Hiện nay, đã có vaccine phòng virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung, nhưng vaccine này chỉ được tiêm phòng cho phụ nữ chưa quan hệ tình dục (chỉ định tiêm từ 9-25 tuổi) giúp phòng ngừa 4 type virus có thể gây ung thư cổ tử cung thường gặp nhất và tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố. Vì vậy, dù đã tiêm ngừa, chị em nên khám phụ khoa thường xuyên.
Bên cạnh đó, phụ nữ cần bỏ hút thuốc lá, ăn uống đủ chất, vệ sinh sinh dục đúng cách, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, khám phụ khoa định kỳ.