Tin mới

Ước mơ cơm có thịt của người đàn ông U50 trong hình hài đứa trẻ

Thứ sáu, 14/03/2014, 12:51 (GMT+7)

Nhìn đứa con trai 46 tuổi đang thơ thẩn như một đứa trẻ chơi ở góc vườn, bà Nguyễn Thị Ba (ngoài 80 tuổi, trú tại ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đau xót khi nghĩ đến tương lai u ám trước mắt. Dù đã lớn tuổi nhưng từ hình hài đến trí tuệ, người con trai của bà Ba chỉ như một đứa trẻ lên 10.

Nhìn đứa con trai 46 tuổi đang thơ thẩn như một đứa trẻ chơi ở góc vườn, bà Nguyễn Thị Ba (ngoài 80 tuổi, trú tại ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đau xót khi nghĩ đến tương lai u ám trước mắt. Dù đã lớn tuổi nhưng từ hình hài đến trí tuệ, người con trai của bà Ba chỉ như một đứa trẻ lên 10.

 

Người mẹ bất hạnh

Nhắc đến anh Đỗ Quý Dân, nhiều người dân địa phương không khỏi thương cảm. Không chỉ có hình hài nhỏ bé, anh Dân còn suốt ngày ốm đau, bệnh tật, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người mẹ ngoài 80 tuổi.

Hôm chúng tôi tìm đến, bà Nguyễn Thị Ba đang ngồi ở bậu cửa, mắt nhìn vào màu xanh ngút ngàn của miệt vườn. Từ lâu rồi bà Ba vẫn thường ngồi như vậy, thấy có khách, bà buồn bã đứng dậy mời vào nhà. Trong câu chuyện về đứa con trai không may mắn của mình, bà chỉ ao ước: “Mong trời thương tình cho sống khỏe mạnh vài năm nữa để còn chăm sóc con, chứ tôi mà chết chắc Dân cũng chết đói theo”.

Ước mơ cơm có thịt của người đàn ông U50 trong hình hài đứa trẻ

Anh Đỗ Quý Dân, 46 tuổi nhưng thân hình, tâm tính chỉ như đứa trẻ lên 10. Ảnh: H.Thạnh.

Bà Ba kể, năm 1968, vợ chồng bà sinh anh Dân. Đứa con ra đời khiến hai vợ chồng rất hạnh phúc. Hằng ngày, chồng cần mẫn làm thuê, cuốc mướn, khai hoang để có tiền chăm sóc con. Nhưng rồi niềm vui đã nhanh chóng lụi tàn khi bà phát hiện con trai mình có nhiều bất thường. “Ngày mới sinh nó cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, có điều hơi nhỏ con hơn.

Tuy nhiên, đến năm lên 7 tuổi thì không phát triển nữa, đến giờ chỉ cao có 1m, nặng 28 kg. Khuôn mặt có nhăn nheo nhưng thân hình, nói năng thì nó chỉ như đứa trẻ 10 tuổi”, bà Ba cho biết.

Hiện tại, bà Ba đang phải chăm sóc cho 2 người con bệnh tật, ngoài anh Dân còn người con thứ Đỗ Quý Hồng. Vài năm trước, anh Hồng bị xuất huyết bao tử, do không được đưa đi cấp cứu kịp thời nên sức khỏe giờ rất yếu, suốt ngày ốm đau, chẳng giúp gì được mẹ. Dù tuổi đã cao nhưng để lo cho hai người con bệnh tật, hằng ngày bà Ba vẫn phải đi làm thuê cho các lò gạch. Do sức khỏe bà có hạn, ngày làm, ngày nghỉ nên thu nhập chẳng là bao. Ba mẹ con phải trông vào số tiền trợ cấp tàn tật ít ỏi của anh Dân.

Vẫn cần sự chở che của mẹ

Đang chơi tha thẩn ở góc vườn, thấy mẹ gọi anh Dân bẽn lẽn đi vào rồi khép nép ngồi hẳn vào lòng mẹ già như cần được che chở. Chúng tôi hỏi gì, anh trả lời nấy như một đứa trẻ. Nói về khoảng thời gian mấy chục năm trời nuôi con, bà Ba buồn bã: “Chỉ vì không lớn nên nó ít tiếp xúc với người lạ, quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà với tôi, đi đâu tôi dắt mới chịu đi, bằng không thì ngồi lì ở nhà, không nói gì hết. Nó chẳng giúp tôi được việc gì cả, có chăng chỉ là những việc lặt vặt của một đứa trẻ lên 10”.

Được mẹ động viên, nhưng anh Dân cũng chỉ ấp úng nói được dăm câu ba điều rồi lại im lặng, ôm lấy mẹ. Khi chúng tôi hỏi: “Anh thương ai nhất”, anh Dân trả lời cộc lốc: “Thương mẹ thôi”. Khi được hỏi ước mơ của mình, anh Đỗ Quý Dân nói mong được ăn một bữa cơm có thịt. Nghe con nói, nước trên khóe mắt bà Ba ứa ra. “Nếu tôi chết, mong sao chính quyền địa phương cho hai đứa con vào trung tâm tàn tật để chúng nó có chỗ ăn, chỗ ở”, bà Ba nức nở.

Thương cảnh ba mẹ con anh Dân sống trong túp lều rách, chính quyền địa phương đã xây tặng một căn nhà tình nghĩa rộng hơn 10m2. Trong căn nhà xây mộc không trát, không quét vôi ấy chẳng có một chút tài sản gì đáng giá ngoài mấy cái nồi nhôm, một chiếc giường kê tạm bợ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Bình cho biết, trước đây có nhiều đoàn khám bệnh Từ thiện về địa phương đã thăm khám cho anh Dân nhưng đều không rõ bệnh gì. Do không có tiền nên bà Ba không đưa anh Dân đến các bệnh viện lớn, lâu dần người nhà cũng không quan tâm đến chuyện thân hình bé xíu của anh Dân nữa. “Mỗi khi ốm đau nặng gia đình mới đưa đi bệnh viện, còn bình thường thì ráng chịu cho qua cơn đau hoặc chỉ mua vài viên thuốc uống cho qua ngày”, bà Mai cho biết.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: ước mơ