Bước sang 2023 những người lao động, công nhân hy vọng có công việc ổn định, làm nhiều điều ý nghĩa cho gia đình và bản thân hơn.
Tài xế xe ôm công nghệ và cuộc sống mưu sinh
Nguyễn Văn Huyên, 20 tuổi quê tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Thay vì học đại học như các bạn, Huyên chọn đi làm để phụ giúp gia đình việc kinh tế. “Gia đình không mấy khá giả nên em chọn đi làm để phụ bố mẹ trả nợ” em nói.
Huyên chia sẻ năm 2019 nhà em có vay mượn họ hàng xây căn nhà cấp 4 nho nhỏ, thời gian trước Huyên làm công nhân nhà máy ở quê với mức thu nhập 5-6 triệu/tháng. Với mức thu nhập này thì mỗi tháng giúp bố mẹ trả nợ, em phải hạn chế tối đa mới đủ tiền sinh hoạt cá nhân.
Sang đầu năm 2022 em bị Covid phải nghỉ mất 2 tuần, rồi công việc cũng ổn định đến giữa năm. Sau đó công việc ít dần, lúc đầu là cắt giảm tăng ca, rồi cắt giảm giờ làm. Huyên quyết định lên Hà Nội làm tài xế xe ôm công nghệ. Em nói bằng cấp không có, kinh nghiệm không có mà tham khảo trên mạng, các diễn đàn thấy nghề xe ôm công nghệ mang lại thu nhập tốt, thoải mái giờ giấc.
Những ngày đầu chưa quen việc, chưa biết đường Hà Nội nên công việc của chàng thanh niên này gặp không ít khó khăn, đôi khi đi nhầm đường làm nhỡ việc của khách, khách có lớn tiếng hay khó chịu nhưng vẫn phải vui vẻ đến hết cuốc xe. “Những ngày đó khó khăn, xa gia đình và những tủi nhục khiến em chỉ muốn về nhà với bố mẹ”. Hai tháng đầu làm quen với công việc nên thu nhập em cũng chỉ dừng lại ở mức 6-7 triệu/tháng. Trừ tiền trọ rồi sinh hoạt, tiền giúp bố mẹ trả nợ còn ít hơn lúc làm công nhân ở quê.
Sang tháng thứ ba thì em đã quen với công việc, chạy xe cũng thuận lợi hơn, thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, nhu cầu đi lại của mọi người tăng nên thu nhập Huyên tốt hơn so với mong đợi. Huyên háo hức: “Tháng vừa rồi em được 18 triệu, em gửi 12 triệu về để bố mẹ trả nợ. Tết dương vừa rồi em ở lại chạy xe vì được thêm phụ phí, hôm đó em chạy từ 6 giờ sáng đến 12h đêm được gần 2 triệu”.
Tuy vậy, cả ngày hôm đấy em chỉ kịp ăn cái bánh trước khi đi làm rồi tới tận 16h ăn trưa, từ đó đến lúc kết thúc chuyến cuối cùng em không kịp ăn thêm gì nữa. Thu nhập cao hơn, giúp gia đình nhanh hết nợ và sinh hoạt thoải mái hơn trước một chút, thế nhưng sinh hoạt thất thường cộng thêm hay bỏ bữa, ăn không đúng bữa, làm tài xế được 4 tháng Huyên đã bị đau dạ dày.
Một ngày của Huyên bắt đầu từ 6h sáng đến 23h đêm, cả ngày rong đuổi ngoài đường, giờ ăn thì mọi người có nhu cầu đi lại cao hơn nên rất ít ngày em ăn đúng bữa. Những ngày mưa lạnh hay nắng gắt em đều cố chạy vì được thêm phí, nhưng cũng không nhiều người đặt vì phí tăng lên khá nhiều. Lúc nào mệt quá thì em tắt mạng, vào quán nước ngồi nghỉ ngơi một lúc.
Ngày nào cũng đi sớm, về khuya. Thời gian cho bản thân, tìm hiểu mối quan hệ yêu đương cũng không có, thi thoảng em cũng có kết bạn, làm quen nhưng đến lúc hỏi về chuyện học hành nói không còn đi học, nghề nghiệp thì làm xe ôm công nghệ nên các bạn nữ cũng có phần e ngại với công việc này. Đi họp lớp, những bạn đi học nói chuyện học hành, cuộc sống sinh viên, đến lúc hỏi nghề nghiệp của, mọi người biết mình làm xe ôm công nghệ cũng hơi dè chừng, không vui vẻ lắm khi nhận được câu trả lời.
Em thấy hơi chạnh lòng, nhưng công việc này thu nhập khá cao so với mặt bằng, hơn nữa không có kinh nghiệm, bằng cấp gì thì đây là một công việc tốt so với mình.
Huyên dự định trong năm nay sẽ chăm chỉ để cùng bố mẹ trả hết nợ. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới sức khoẻ hơn vì là thanh niên nhưng sức khoẻ của em cũng đi xuống chỉ sau mấy tháng làm tài xế xe ôm công nghệ. Sau đó sẽ cố gắng cày cuốc, tích góp trong khoảng 4 năm rồi đi học nghề, về quê kinh doanh gì đó. Tới lúc đó, em sẽ thoải mái hơn trong việc mọi người thắc mắc về công việc của mình, dễ dàng tìm hiểu yêu đương hơn.
Mong muốn của những người làm bố, làm mẹ
Ma Thị Thu, 28 tuổi rời quê Hà Nam lên Hà Nội làm công nhân nhà máy dệt may được 4 năm, chồng là công nhân công ty điện tử cùng quê. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 17-20 triệu tuỳ vào thời điểm tăng ca. Mỗi tháng trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt thì anh chị gửi một khoản về quê cho con gái và ông bà ở quê.
Chị chia sẻ nếu làm ở quê thì mức lương không đủ để sinh hoạt, nuôi con gái và chăm sóc ông bà, hai vợ chồng quyết định gửi con cho ông bà nội và lên Hà Nội tìm việc làm. Những ngày đầu lên Hà Nội phải xa con gái mới chỉ hơn 1 tuổi, cảm giác nhớ con, buồn tủi, xót xa khiến chị cũng không thể tập trung vào công việc được.
Có những ngày gọi điện cho con, con nói nhớ bố mẹ, kể chuyện các bạn được bố mẹ đưa đi chơi ngày lễ, ngày cuối tuần mà chị rưng rưng. Tuần nào con gái cũng hỏi bố mẹ có về với con không, lúc đấy chị chỉ muốn về với con nhưng công việc công nhân cần chuyên cần, không phải lúc nào muốn cũng có thể về. Mỗi tháng vợ chồng chị tranh thủ một ngày về chơi với con, thăm gia đình.
Lúc nào hai vợ chồng chị cũng động viên nhau cố gắng làm việc, cải thiện kinh tế để đón con lên ở cùng bố mẹ cho gần gũi, gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Chị nói tiền ăn, sinh hoạt có thêm con cũng không nhiều nhưng vì không có sổ hộ khẩu ở Hà Nội, nếu đón con lên đây thì phải học trường dân lập, tiền học và các chi phí sẽ hơn trường công lập rất nhiều.
Mặc dù đã cố gắng làm việc, xin tăng ca, tiết kiệm để thu nhập tốt hơn, có thể đón con gái lên sớm nhất có thể. Thế nhưng 2 năm Covid cộng thêm năm 2022 vừa qua kinh tế khó khăn, bị cắt giảm việc làm khiến vợ chồng chị vẫn chưa thể thực hiện mong muốn đó. Hiện tại, dù đã bán hàng online để kiếm thêm thu nhập nhưng do công việc nhà máy bị cắt giảm, thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng giảm còn 12-13 triệu đồng.
Chị mong rằng năm 2023 công việc, thu nhập ổn định hơn để hai vợ chồng đón con gái lên đây học. “Dù sao thì học ở thành phố môi trường cũng tốt hơn, làm cha mẹ chỉ muốn dành những điều tốt đẹp nhất đến với con mình”.
Anh Nguyễn Đức Hùng, 36 tuổi quê xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn là công nhân lắp ráp máy in được 6 năm cho biết, rời quê lên Hà Nội từ năm 20 tuổi, tới năm 2021 nhận được thông tin hỗ trợ cho công nhân vay mua nhà ở cho người thu nhập thấp, cộng thêm hai vợ chồng tích góp được một khoản nên quyết định mua nhà để “an cư lạc nghiệp".
Trước đây, thu nhập hai vợ chồng khoảng 22 triệu đồng/tháng, mỗi tháng trừ tiền học của hai con, tiền sinh hoạt và những chi phí phát sinh thì vợ chồng anh để ra được 6 triệu đồng trả tiền mua nhà. Tuy nhiên từ tháng 11, vợ anh là công nhân may tại khu công nghiệp Sài Đồng nhận được thông báo “nghỉ Tết sớm" do công ty không xuất được hàng.
Hiện tại, vợ anh được công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ còn 16 triệu/tháng. “Hai tháng qua hai vợ chồng rơi vào hoàn cảnh “ăn không dám ăn, mặc không dám mặc" vì vẫn phải trả nợ tiền mua nhà trước đó" anh chia sẻ. Gia đình anh phải cắt giảm chi tiêu, tiền sinh hoạt nhất có thể và chỉ mua sắm những món đồ rất cần thiết trong nhà.
Năm vừa qua kinh tế đi xuống, khó khăn nên phải tiết kiệm, cả năm anh chị cũng không mua đồ cho hai con nhiều. Thế nhưng Tết đến gần, anh chị vẫn mua cho hai con bộ quần áo mới, một phần cũng như là động viên tinh thần các con năm mới cố gắng trong học tập, nghe lời bố mẹ ông bà hơn. Anh Hùng nói "Dù vợ chồng tôi có thể không có quần áo mới ăn Tết, nhưng luôn cố gắng để hai con có cuộc sống đầy đủ, làm việc cả năm chả nhẽ lại không mua cho con được bộ quần áo ăn Tết".
Anh nói khó khăn chung, tình hình chung nên phải thông cảm với doanh nghiệp, may mắn là công việc của anh vẫn bình thường. Nếu nghĩ tích cực thì đây là khoảng thời gian chậm lại về kinh tế để vợ anh dành nhiều thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái hơn. Việc này như một sự phấn đấu của hai vợ chồng trong năm tới, trong năm 2023 anh mong công việc ổn định, tăng ca trở lại để gia đình nhỏ của anh có một cuộc sống ấm no hơn, nếu có thể thì sẽ dành một khoản nhỏ cả gia đình đi du lịch gần, gắn kết tình cảm giữa các thành viên.