Những thiếu nữ da trắng, môi đỏ, má hồng đang trở thành nỗi sợ hãi của người dân một số bản ở vùng cao huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Da trắng, môi đỏ như son, má hồng… được coi là nhan sắc trời phú cho những thiếu nữ. Thế nhưng, những thiếu nữ có được nhan sắc trời phú ấy lại đang trở thành nỗi sợ hãi của người dân một số bản ở vùng cao huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, vì theo quan niệm của một bộ phận người dân nơi đây thì những người như vậy bị liệt vào danh sách… ma cà rồng?
“Truyền thuyết” về ma cà rồng
Từ TP Tuyên Quang đi theo tỉnh lộ 185 về phía Bắc khoảng 70km, chúng tôi tìm về bản A, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, nơi tương truyền những câu chuyện về sự xuất hiện của ma cà rồng. Theo “truyền thuyết” về ma cà rồng mà hầu hết người dân tộc Tày nơi đây, ai cũng có thể kể được thì ma cà rồng thường hóa thân vào các cô gái đẹp, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như son, tóc đen dài.
Theo bà Hà Thị K, một người dân tộc Tày: Ma cà rồng thường ăn đồ tanh, đồ sống và hút máu nên họ có nước da rất trắng trẻo, hồng hào và môi đỏ… trông rất xinh”. Còn chị Hà Thị Q khẳng định: “Ma cà rồng chỉ có ở người Tày và thông thường thì chỉ bị ở một dòng họ nào đó thôi. Cũng có một dòng họ Hà ở huyện Chiêm Hóa này bị ma cà rồng đấy…”.
Đường về xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang tồn tại nhiều câu chuyện về ma cà rồng.
Người Tày ở đây còn truyền miệng nhau rằng, ma cà rồng chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người bị cho là ma cà rồng chết đi là một lần lột xác. Sau 7 lần lột xác thì ma cà rồng có thêm một chiếc sừng. Lúc trên đầu có 9 cái sừng (lột xác 63 lần) là “con ma” hấp thu đủ linh khí tam tài, công lực biến hóa muôn hình vạn trạng, có sức mạnh siêu nhiên. Lúc ấy chỉ cần “ma” nhìn ai thì người đó sẽ phải… chết. Chính vì vậy, nếu người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng thì sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với “ma” và đặc biệt rất sợ “ma”… đến nhà mình chơi. “Ma” đến “thăm” nhà nào thì dứt khoát vài ngày hôm sau lợn, gà của nhà đó tự nhiên lăn ra chết, thậm chí là có cả trẻ con… chết?
Cũng vì những quan niệm và nhận thức ấy mà hầu hết những cô gái có nhan sắc “trời cho” ở đây dễ bị coi là ma cà rồng. Ma cà rồng không trú chân ở một nhà mà lang thang khắp nơi theo chu trình của một đời người. Vì thế, người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng thì trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Cô gái bị ma cà rồng nhập xác, nếu lấy chồng, “ma” theo cô gái ấy về nhà chồng. Cô gái ấy sinh con, “hồn ma” nhập sang con gái, “hồn ma” nhập sang cháu gái. Nếu không có cháu gái thì núp tạm sang cháu dâu.
Từ những lời đồn thổi truyền tai nhau từ đời này qua đời khác mà không ít những cô gái bản đã bị cô lập, nếu muốn lấy chồng, hoặc sống yên ổn và không có người dị nghị thì chỉ có cách là đi xa quê, đến những nơi không ai biết đến những “truyền thuyết” về ma cà rồng. Cũng từ đó, ở một số bản vùng cao này, nếu thấy một cô gái da trắng hồng, môi đỏ thì dễ bị coi là ma cà rồng, và có những thiếu nữ xinh đẹp cũng bị ví… “xinh như ma cà rồng”?
Giải mã về ma cà rồng
Chuyện kể rằng, gia đình nhà kia thịt một con gà, vừa lấy được bộ lòng, ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã biến mất. Đối tượng cuỗm mất bộ lòng gà bị cho là ma cà rồng, nhưng không ai nhìn thấy ma mà chỉ thấy nốt chân chạy của ma cà rồng? Hay truyền thuyết về ma cà rồng rất sợ ánh sáng ban ngày nên chỉ hoạt động về đêm. Nhưng khi hỏi ở bản có ai suốt ngày ngủ còn đêm “đi ăn” không thì chưa ai có hiện tượng như thế!
Tuy nhiên, những ghi nhận về ma cà rồng lại khác nhau tùy thuộc vào nền văn hóa. Trong văn hóa dân gian thường có niềm tin vào một đối tượng có được sức mạnh siêu nhiên nhờ việc uống máu người. Nhưng có tài liệu giải thích rằng, sự mê tín vào ma cà rồng xuất phát từ tục ăn thịt và uống máu người. Theo một tài liệu, từ thời xưa người ta đã phát hiện ra những người bị chứng rối loạn chuyển hóa porphyria. Những người mắc bệnh này thường sợ ánh sáng mặt trời, hay bị mê sảng. Theo quan niệm thời đó thì khi người mắc chứng bệnh này sẽ chữa trị bằng cách uống máu người. Từ đó, những người phải chữa trị bằng phương thức uống máu tươi này bị gọi là ma cà rồng, hay còn gọi là “bệnh lý ma cà rồng”.
Trong khi các hiện tượng này gây sợ hãi cho con người, căn nguyên của toàn bộ truyền thuyết và hiểu biết về ma cà rồng lại nằm ở tâm lý. Thế nhưng việc chứng minh về sự tồn tại của ma cà rồng chưa có cơ sở khoa học nào làm được. Có thể sự nhận thức cuồng tín đó xuất hiện ở cả một khu vực dân cư vì những câu chuyện (chưa được kiểm chứng) kể đi kể lại từ đời này sang đời khác. Còn trong thực tế thì chưa ai nhìn thấy ma cà rồng, vì họ giải thích rằng: “Đã là ma thì làm sao mà nhìn thấy được”. Theo đó, ma cà rồng thực chất chỉ là cách giải thích về một số hiện tượng bệnh lý của dân gian. Thế rồi, từ cách giải thích đó, người ta dễ dàng nhận thức về ma cà rồng một cách thiếu cơ sở khoa học, dẫn đến cuồng tín.
Thêm một cơ sở thực tế để khẳng định những lời đồn thổi về ma cà rồng đều là những chuyện truyền tai nhau qua nhiều đời, đó là những câu chuyện về sản phụ bị ma cà rồng ăn mất hài nhi ở BV; người chết bị ma cà rồng ngoạm cổ… là những câu chuyện mà tôi đã từng được nghe ở nhiều nơi như huyện Văn Chấn, Lục Yên, tỉnh Yên Bái; huyện Na Hang và nay là huyện Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang. Như vậy, những câu chuyện tương tự ấy đã được truyền tai nhau từ đời này qua đời khác, từ vùng này đến vùng kia, chứ thực chất là những người kể chuyện đó chưa từng ai được chứng kiến, hay có “nạn nhân” cụ thể. Và những câu chuyện về ma cà rồng với những tình huống tương tự đó được kể đi kể lại ở nhiều nơi, đồng nghĩa với việc là những câu chuyện kiểu “tương truyền” đó chỉ là một, nhưng những câu chuyện đó có từ bao giờ thì không ai biết. Qua thời gian truyền miệng, thêm nếm, khiến những câu chuyện về ma cà rồng ngày càng hoang đường.
Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ma cà rồng hiện vẫn tồn tại trong tâm trí một bộ phận người dân vùng cao nói chung, người Tày nói riêng là do nhận thức của người dân còn hạn chế. Họ chưa từng được nhìn thấy ma cà rồng, chưa từng được chứng kiến những câu chuyện kể về ma cà rồng, nhưng họ vẫn tin vào điều không có thật đó… |
Theo Pháp luật và Xã hội