(Tinmoi.vn) "Ngay từ đầu, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HD-981) đã được chế tạo để nhắm đặt vào một vị trí như vậy", giáo sư Trần Ngọc Vương nhận định. Theo ông, hành động này của Trung Quốc nằm trong chuỗi toan tính nhằm thực hiện mưu đồ trở thành 'đế chế biển'”.
Đó là phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương – Chuyên gia hơn 30 năm nghiên cứu về Trung Quốc và tình hình Biển Đông, giảng viên ĐH KHXH & NV (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS Vương về những vấn đề xung quanh sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981/HD-981) trên vùng biển nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Giáo sư nhận định như thế nào về tình hình Biển Đông hiện nay, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam?
- Trước hết, phải một lần nữa khẳng định lại rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang 981 trên vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động xâm phạm trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cử hơn 80 tàu các loại, trong đó có cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tấn công nhanh, đi theo bảo vệ giàn khoan và liên tiếp có hành động hung hăng tấn công các tàu chấp pháp Việt Nam đã đẩy căng thẳng trên Biển Đông lên cao.
Từ nhiều năm nay, Biển Đông luôn là điểm nóng với những cuộc xung đột giữa các quốc gia liên quan, đặc biệt là những vụ đụng độ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam lần này là hành động cụ thể, nằm trong chuỗi toan tính mang tầm chiến lược của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ thâu tóm Biển Đông.
GS Trần Ngọc Vương: “Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam nằm trong chuỗi toan tính nhằm thực hiện mưu đồ trở thành “đế chế biển"".
- Theo ông, vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa trái phép giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế - thềm lục địa Việt Nam?
- Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn, khiêu khích với Việt Nam trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam như các vụ cắt cáp trong các năm trước. Như tôi đã nói ở trên, những vụ việc này, trong đó có hành động leo thang đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nằm trong chuỗi toan tính của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ thâu tóm Biển Đông. Vì vậy, theo tôi, chúng ta không bất ngờ trước hành động ngang ngược lần này của Trung Quốc.
Nói về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, như đã biết, nó có quy mô của một hàng không mẫu hạm, do chính Trung Quốc tự chế, thuộc dạng giàn khoan tiên tiến hàng đầu thế giới và có độ khoan sâu tối đa lên tới 10.000m, theo một số nguồn tin thì chế tạo nó tốn xấp xỉ 1 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia dầu khí Trung Quốc tỏ ra tự hào về giàn khoan này. Chủ sở hữu của giàn khoan là Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) – công ty thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi lớn nhất, quan trọng nhất của nước này. Đối với một quốc gia khát nguyên liệu và năng lượng quy mô lớn, với tốc độ phát triển như hơn 30 năm qua, dễ hiểu Trung Quốc coi giàn khoan này là một con “át chủ bài” của mình trong sự phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí.
Gần ba năm sau ngày được chế tạo (tính từ năm 2011), người Trung Quốc mang giàn khoan này hạ đặt xuống vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Suy nghĩ căn cứ vào thực tế hành xử truyền thống của Trung Quốc, tôi cho rằng, ngay từ đầu, giàn khoan này đã được chế tạo để nhắm đặt vào một vị trí như vậy. Vấn đề ở đây là tính thời điểm của việc Trung Quốc thực hiện hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Sau một thời gian “kéo cưa lừa xẻ” với người Nhật trên biển Hoa Đông, sau nhiều cuộc tiếp xúc, va chạm và nghe ngóng, thăm dò phản ứng của người Mỹ, tranh thủ thời đoạn hữu hảo với Nga, tranh thủ lúc tình hình Ukraine rối bời thu hút sự chú ý của các đại thế lực (Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản), phía Trung Quốc đi đến quyết định “thả giàn”. Tôi cảm thấy họ quá coi thường Việt Nam. Tôi hiểu họ đã tính toán và chờ đợi cơ hội một cách kỹ lưỡng, thâm độc.
- Hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam có đơn thuần chỉ vì mục đích kinh tế? Đằng sau đó là những âm mưu, tính toán gì, thưa giáo sư?
- Các chuyên gia dầu khí đã nói rõ, đây không phải là hành vi sản xuất, cũng không phải hoạt động khoan thăm dò. Giới nghiên cứu chính trị quốc tế nhất trí khẳng định đây là hoạt động chính trị, là hành vi xâm lấn không sử dụng “vũ khí nóng”, là hành vi cắm mốc trưng phần lãnh thổ, lãnh hải.
Bỏ qua các thời điểm trước, chỉ tính từ năm 2009, thời điểm mà chính quyền Trung Quốc cố tình lôi ra từ những lưu trữ giấy tờ hành chính của chính phủ Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch trước đây một phác thảo mang tính “nhật ký hải trình” của một viên chức cục đồ bản, nhanh chóng biến nó thành thứ tài liệu có tầm quan trọng quốc gia.
Để rồi còn khẩn trương hơn, họ coi đó là bằng chứng thể hiện “lợi ích cốt lõi” của nước Trung Quốc “mới”, đưa ra trước thế giới “đường chín đoạn”, thì những người nghiên cứu Trung Quốc trên thế giới đã sớm nhận ra khát vọng của người Trung Quốc nhằm tạo dựng một “đế chế biển”.
Vì xuất hiện muộn nên giấc mộng trở thành “đế chế biển” của Trung Quốc bị lạc lõng so với các đế chế biển khác. Để khẩn trương hiện thực hóa khát vọng này, một khát vọng “thành phần” làm nên “giấc mộng Trung Hoa mới”, liên tục và ráo riết trong vòng 5 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã lần lượt gây hấn với tất cả các chủ sở hữu tự nhiên và truyền thống của Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam - quốc gia láng giềng có phần biển tiếp giáp với họ lớn hơn cả, nhiều hơn cả, quan trọng hơn cả. Trung Quốc cũng không ngần ngại va chạm với các “hải khách vãng lai khổng lồ” như Mỹ.
Khi mà lối ra theo hướng biển Hoa Đông đi vào ngõ cụt, không có tương lai, Trung Quốc chọn cách “xâm chiếm” Biển Đông để mở đường thực hiện giấc mộng trở thành đế chế biển. Chỉ có xuyên qua vùng biển Việt Nam, vùng biển Philippines, người Trung Quốc mới rộng đường ra Thái Bình Dương, để rồi vươn ra những đại dương khác.
Hành động đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển của Việt Nam lần này là nhằm nhiều mục đích và nằm trong những toan tính lâu dài của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần quyết liệt ngay từ đầu để tránh Trung Quốc tiến xa hơn trong mưu đồ thâu tóm Biển Đông.
"Ngay từ đầu, giàn khoan này đã được Trung Quốc chế tạo để nhắm đặt vào một vị trí như vậy - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
- Như giáo sư đã phân tích, hành động đặt trái phép giàn khoan lần này nằm trong chuỗi các tính toán của Trung Quốc. Nhưng vụ việc này có những gì khác biệt so với các vụ việc có tính chất tương tự trong mấy năm gần đây?
- Việc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là hành động leo thang của Trung Quốc, có tính chất nghiêm trọng hơn các vụ va chạm, cắt cáp trước đây.
Với những hành động ngang ngược, trắng trợn, hung hăng Trung Quốc đã và đang thực hiện, vụ việc hạ đặt trái phép giàn khoan lần này đã chỉ ra và thể hiện rõ 3 cuộc chiến phi truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những xung đột trên Biển Đông.
Thứ nhất là cuộc chiến tâm lý. Chúng ta có thể nhận thấy rõ là qua vụ việc giàn khoan lần này, Trung Quốc đang thể hiện rõ cách hành xử theo kiểu đe dọa, bắt nạt, hiếp đáp của nước lớn với nước nhỏ hơn nhằm tấn công vào tâm lý đối phương. Việc Trung Quốc thường xuyên gây ra căng thẳng, có các hành động gây hấn, khiêu khích trên Biển Đông thể hiện rõ điều này.
Thứ hai là cuộc chiến ngôn luận. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc có nhiều ưu thế về phương tiện trong cuộc chiến này. Trung Quốc cũng là bậc thầy trong vận dụng tu từ học chính trị, vừa ăn cướp vừa la làng. Việc tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam nhưng nước này lại lu loa lên là bị Việt Nam bắt nạt là một minh chứng.
Thứ ba là cuộc chiến pháp lý. Đây chính là cuộc chiến mà Trung Quốc sợ đương đầu nhất. Mặc dù luôn lớn tiếng khẳng định có chủ quyền với phần lớn Biển Đông nhưng Trung Quốc không có cơ sở, bằng chứng nào chứng minh được. Vì vậy, Trung Quốc luôn sợ bị đưa các vấn đề tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng ra trước công luận quốc tế bởi chắc chắn họ sẽ thua bẽ bàng. Việt Nam cần tận dụng điểm yếu này của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền, như vụ việc hạ đặt giàn khoan trái phép lần này hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế.
- Theo nhận định của giáo sư, diễn biến tiếp theo trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ như thế nào?
- Theo tôi, Trung Quốc đang hành động theo cách “ném đá dò đường” nên họ sẽ chú ý xem phản ứng, các động thái cụ thể của Việt Nam, ASEAN, các nước lớn và dư luận quốc tế như thế nào. Bên ngoài tuy vẫn lớn tiếng nhưng thực chất, Trung Quốc đang để ý dư luận để điều chỉnh hành vi.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải thể hiện thái độ kiên quyết, không khoan nhượng ngay từ đầu, cũng như trong suốt quá trình đấu tranh với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Chúng ta cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN và các nước trên trường quốc tế để tạo sức ép mạnh mẽ, tổng lực với Trung Quốc.
Tuy nhiên, với vị thế một nước lớn, Trung Quốc sẽ không dễ dàng xuống thang bởi sợ mất thể diện. Vì thế, vụ việc lần này có thể kéo dài nhiều ngày nữa. Bên cạnh sự kiên quyết, không khoan nhượng, chúng ta cũng cần bền bỉ, bình tĩnh, kiên trì, không được mệt mỏi để vượt qua những áp lực, không mắc bẫy đối phương vã giành chiến thắng cuối cùng trong “3 cuộc chiến phi truyền thống” với Trung Quốc trong vụ giàn khoan lần này.
- Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rất đáng chú ý tại hội nghị ASEAN về tình hình Biển Đông hiện nay và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về bài phát biểu này?
- Tôi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu thành công, đủ hàm lượng. Bài phát biểu này có ngôn từ trực diện, mạnh mẽ, thể hiện được thái độ yêu chuộng hòa bình nhưng kiên quyết phản đối các hành vi ngang ngược của Trung Quốc và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền.
Chính vì vậy, bài phát biểu của Thủ tướng đã giành được sự ủng hộ, tán thưởng của nhân dân trong nước và của đông đảo lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN cũng như trên thế giới.
Và một điều đáng chú ý là trong những ngày này, người dân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những cuộc xuống đường bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc có hành động hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Những động thái trên cho thấy, chúng ta đang đồng lòng từ trên xuống dưới, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Hành động chính nghĩa của chính quyền và nhân dân Việt Nam cũng đang nhận được sự ủng hộ lớn của các nước trên thế giới.
Duy Minh (thực hiện)