Liên quan đến thông tin một số trang mạng đăng tải bài viết “cụ Rùa hồ Gươm chết” gây hoang mang dư luận, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết: “Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng viễn thông, mạng internet sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm”.
Đăng tin tầm bậy, cụ Rùa vẫn nổi
Ngày 28/3/2015, một website diễn đàn về văn hóa, ẩm thực và du lịch, một trang tin điện tử đăng tải bài viết với tít rất ấn tượng: “Đau xót cái chết bất ngờ của cụ Rùa ở hồ Gươm vào rạng sáng nay”. Thông tin này đã gây xôn xao dư luận, gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Bài viết với tựa đề “Đau xót cái chết bất ngờ của cụ Rùa hồ Gươm vào rạng sáng nay” được đăng tải trên website ola88 (ảnh chụp màn hình sáng 29/3).
Thế nhưng, nội dung bài viết lại đề cập đến tiêu bản cụ Rùa ngự trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), là một trong bốn cụ từng sống ở hồ Gươm. Cách đây hơn 40 năm, cụ qua đời trong một sự kiện đầy sóng gió. Bài viết cũng trích lời phỏng vấn Giáo sư Hà Đình Đức, nhà động vật học từng có khoảng 20 năm nghiên cứu về rùa ở hồ Gươm, kể lại câu chuyện về cái chết của cụ. Ông Đức cũng cảnh báo rằng, nếu cụ Rùa còn lại hiện nay không được chữa trị kịp thời, thì cá thể rùa mai mềm lớn cuối cùng của hồ Gươm cũng sẽ ra đi.
Rõ ràng đây là một kiểu giật tít sốc để câu view (người xem), gây tâm lý hoang mang cho độc giả, bởi cụ Rùa hồ Gươm là “báu vật sống”, được người dân cả nước quan tâm.
Theo lời người dân, gần đây nhất là trưa 28/3, cụ Rùa có nổi trên mặt nước. (Ảnh tư liệu)
Để làm rõ thông tin này, ngày 29/3, PV báo Người Đưa Tin tìm đến hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi cụ Rùa đang sinh sống để xác minh thông tin trên. Tại đây, rất nhiều người dân tụ tập đông ven hồ Gươm. Họ xôn xao, bàn tán về thông tin cụ Rùa qua đời. Chị Nguyễn Vân Anh (trú Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Sáng nay, khi tôi mở điện thoại đọc tin tức và thấy trang diễn đàn đăng bài ngay trang nhất nói rằng, cụ Rùa đã qua đời, tôi vội chạy ra xem thực hư thế nào”.
Còn anh Phạm Văn Công (quê Nghệ An) nhấn mạnh rằng: “Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng tôi đợi cả buổi sáng xem cụ Rùa có nổi lên không là biết ngay”.
Để thông tin được xác thực, chúng tôi đã liên hệ với Ban quản lý hồ Gươm. Ông Trần Văn Đoàn (cán bộ bảo vệ đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm) cho biết: “Thông tin cụ Rùa chết mà các trang điện tử đưa tin sáng 28/3 chỉ là tin đồn nhảm, không có căn cứ. Năm 2011, cụ rùa có bị thương nhưng đã được trục vớt và chữa trị các vết thương. Hiện tại, cụ Rùa hoàn toàn khoẻ mạnh và thỉnh thoảng vẫn nổi lên mặt hồ”.
Bà Hoa cũng cho biết, gần đây nhất là trưa 28/3 (hôm mà một số trang tin đăng thông tin cụ Rùa qua đời gây xôn xao dư luận), cụ Rùa đã nổi lên mặt nước. Rất nhiều người dân đã đến xem và chụp ảnh. Cụ rùa hoàn toàn khoẻ mạnh và không có dấu hiệu ốm đau gì.Bà Hoàng Thị Như Hoa (người dân sống ở phố Lê Thái Tổ - ven hồ Hoàn Kiếm) cho hay: “Thông tin cụ rùa chết là hoàn toàn không có. Mấy ngày nay, tôi thấy hồ vẫn bình thường, chỉ thấy người dân đến hỏi han về cụ Rùa thôi”.
Được biết, rùa hồ Gươm gồm có bốn cá thể, trong đó có một cá thể còn sống và ba cá thể đã chết. Thực tế, hai cụ đã chết trong thời gian không xác định, cụ thứ ba chết năm 1967 hiện còn tiêu bản trong đền Ngọc Sơn, cụ rùa thứ tư hiện đang sống trong Hồ Gươm và thuộc diện động vật quý hiếm đang được Nhà nước bảo vệ. Rùa hồ Gươm là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hoá linh thiêng từ hàng ngàn năm nay.
“Có thể phạt tù đến 7 năm...”
Được biết website (ola88) đăng bài viết trên là diễn đàn về vấn đề văn hóa, ẩm thực và du lịch. Qua kiểm tra của một nhân viên công nghệ cho thấy, máy chủ của website này nằm tại TP.HCM, chứ không phải ở nước ngoài như nhiều người dự đoán.
Chiều 29/3, trước phản ứng gay gắt của mạng xã hội bài viết đã đổi tít “Đau xót cái chết bất ngờ của cụ Rùa hồ Gươm vào rạng sáng nay” thành “Cái chết của “cụ Rùa” trong đền Ngọc Sơn”. Đến ngày 30/3, khi PV vào website này thì bài viết đã bị gỡ. Hiện trên một số trang tin vẫn lưu lại bài viết này.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội đồng khen thưởng – kỷ luật, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định: Tội đưa hoặc xử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet có mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng, nếu vi phạm nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 5 năm.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội đồng khen thưởng – kỷ luật, đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
“Theo tôi, Thanh tra bộ Thông tin & Truyền thông cần vào cuộc xác minh pháp nhân những website nói trên. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm, đăng tải bài viết sai sự thật, gây hoang mang dư luận có thể xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động. Mạnh hơn nữa có thể mời cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý vi phạm”, LS. Nguyễn Hoàng Tiến nói.
“Hoàn toàn là bịa bặt...”
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về rùa hàng đầu của Việt Nam hiện nay bày tỏ sự bức xúc trước việc một số trang tin đăng tải bài viết “Đau xót cái chết bất ngờ của cụ Rùa hồ Gươm vào rạng sáng nay – 28/3”.
GS.Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về rùa hàng đầu Việt Nam.
GS. Hà Đình Đức cho biết: “Sáng Chủ nhật (29/3), như thường lệ, tôi lại ra hồ Gươm thăm cụ Rùa. Nhiều người hỏi tôi về việc tôi trả lời trên một trang tin nói về cụ Rùa qua đời. Đây hoàn toàn là việc bịa đặt, họ giật tít câu khách xong ở phần sau lại đưa ý kiến của tôi kể về cụ Rùa ngự trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn là một trong bốn cụ từng sống ở hồ Gươm qua đời năm 1967. Họ còn trích ý kiến tôi nói rằng nếu cụ Rùa còn lại hiện nay không được chữa trị kịp thời, thì cá thể rùa mai mềm lớn cuối cùng của hồ Gươm cũng sẽ ra đi. Đây hoàn toàn là bịa đặt”.
“Gần đây nhất tôi chỉ trả lời báo chí ngày 20/3 khi cụ Rùa nổi lên trùng với sự kiện nhiều cây xanh ở Hà Nội bị chặt hạ và thay thế. Hiện cụ Rùa vẫn khỏe mạnh và đang được theo dõi, chăm sóc chu đáo. Tôi xin nhấn mạnh lại là những thông tin mà trang tin đăng là sai sự thật. Do vậy mọi người nên biết cách tiếp nhận thông tin, đặc biệt nên đọc tin tức ở những cơ quan báo chí chứ đừng tin vào các trang tin không phép gây ảnh hưởng đến dư luận”, GS. Hà Đình Đức nhấn mạnh.
Cao Tuân - Thu Hảo