Các loại mặt hàng kỳ quặc như đỉa, gián, hoa thanh long, lá điều khô, móng trâu bò… được các đầu nậu Trung Quốc thu mua ở Việt Nam nhưng không ai biết chúng được mang đi đâu vì số hàng này hoàn toàn không được xuất qua Hải quan.
Gần chục năm qua, với những chiêu trò được chiêu dụng lặp đi lặp lại, các thương lái xấu người Trung Quốc đã khiến không ít bà con nông dân và các đại lý thu gom người Việt “ôm quả đắng” trong các phi vụ thu mua các loại mặt hàng kỳ quặc như đỉa, gián, mầm thảo quả, hạt mây rừng, râu ngô non…
Đánh vào tâm lý “hám lợi trước mắt” của một số nông dân Việt, các thương lái này đã thực hiện trò lừa phỉnh thông qua các đại lý, tư thương người Việt bằng cách thổi giá cao ngất ngưởng, trả tiền ngay hoặc hứa mua các mặt hàng với số lượng khủng.
Có trường hợp, do thiếu hiểu biết, bà con nông dân đổ xô vào trồng các loại cây mà các đầu nậu hứa mua và trồng với số lượng lớn. Khi thấy sản lượng nhiều, các đại lý người Việt bỏ tiềm ôm hàng mong ăn chênh lệch giá thì thương lái xấu người Trung Quốc áp dụng bài toán ép giá, mua giá rẻ hoặc từ chối mua và “im thin thít, lặn mất tăm" khiến không ít bà con nông dân, đại lý thu gom người Việt ôm quả lừa.
Một dạo, các thương lái này còn gia tăng thu mua nhiều mặt hàng “ kỳ quặc” hơn. Về cây trồng, họ tập trung thu mua gỗ trắc, gỗ sưa và các loại lá, mầm, hạt… Trong đó, lá điều khô, mầm thảo quả được mua với giá 50- 60.000đ/kg); lá khoai lang (10.000đ/kg); lá sắn, cây cu ly, lá cò ke, nấm độc ( 30.000đ/kg); cây kim cương, hạt mây rừng, râu ngô non, chè bẩn… Mới đây nhất, hồi tháng 6/2014, các thương lái này lại thu mua hoa thanh long trước một ngày nở, giá 3.000đ/kg.
Thương lái Trung Quốc chỉ mua hoa thanh long trước thời điểm hoa nở 1 ngày
Ngoài các loại mặt hàng cây trồng kỳ quặc, các đầu nậu này còn thu mua sừng, móng của trâu, bò; đỉa, gián, con banh lông, vịt đẻ, cá sấu, lợn mỡ, ốc bươu vàng…
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là các mặt hàng này được thu mua ở Việt Nam không thấy xuất qua Hải quan.
Thời gian gần đây, các thương lái này hoạt động công khai hơn, rầm rộ hơn, và địa bàn hoạt động của họ không chỉ là những vùng nông thôn, miền núi, khu vực trình độ dân trí chưa cao mà còn cả ở các thành phố lớn. Theo đó, liên tục xảy ra những vụ ôm trái đắng vì dính chiêu lừa của thương lái xấu người Trung Quốc vì các kịch bản tưởng như đã cũ rích.
Điển hình như vụ việc là việc bắt, nuôi đỉa, bán ngay ở Hà Nội năm 2012. Hàng trăm người lao động (chủ yếu người Vĩnh Phúc) tràn về các cánh đồng hoang trũng nước ở xã Cổ Nhuế (Từ Liêm – Hà Nội) để bắt đỉa. Nhiều đại lý người Việt đứng thu mua bán cho người Trung Quốc với giá 800 – 1.000.000 đồng/kg. Bà con Cổ Nhuế cũng bỏ cả cấy cày, trồng rau… mà đổ xô đi bắt đỉa. Hay như ở Hóc Môn (HCM), Tây Ninh,… cuối năm 2011, sau một vài đợt mua đỉa giá cao, thương lái bỗng dưng biến mất và người dân ở địa phương khốn khổ nạn đỉa.
Cũng trong năm 2011, thương lái xấu người Trung Quốc thu mua chè bẩn, nông dân đem cả liềm cắt cành, ngọn, không kể lá non, lá già bán cho thương lái, sau đó, nhiều nhà máy chè trong nước ngừng hoạt động không có nguyên liệu.
Các mặt hàng kỳ quặc được các đầu nậu thu gom nhưng không hề xuất qua Hải quan
Theo phân tích của TS. Phí Văn Kỷ (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), trong chuyện này, ngoài nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, cả tin, hám lợi của người nông dân và các đại lý thu gom thì từ trước tới nay, chưa thấy đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Tại sao các thương lái Trung Quốc tự do vào vườn, vào ao nhà dân để thương thảo buôn bán? Việc quản lý thương lái Trung Quốc cần chặt chẽ, xử lý nghiêm sai phạm họ gây hại cho nông dân, cảnh báo bà con nông dân, các thương lái Việt Nam làm ăn với thương lái Trung. Cần tìm hiểu tại sao lại đột xuất trồng nhiều cây này, cây kia; tại sao bà con lại đi thu gom lá sắn, lá khoai hay đổ xô đi bắt đỉa, nuôi đỉa hay vì đâu họ lại đổ xô đi mua sừng trâu, móng trâu…
Cùng với đó, việc Bộ Nông nghiệp năm vừa qua đã phát hiện và tiêu hủy một cơ sở nuôi gián ở Bắc Ninh do người Trung Quốc hướng dẫn kỹ thuật, bán giống và bao tiêu sản phẩm. "Đây là việc làm đúng nhưng cần quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng trên: Thông tin, cảnh báo, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất nông nghiệp đúng qui hoạch cây, con của ngành, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường”. – TS. Phí Văn Kỷ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kỷ, ngoài sự chưa nhanh nhạy để có những giải pháp đối phó thương lái xấu người Trung Quốc của cơ quan quản lý nhà nước, dư luận cho rằng chưa được sự quan tâm của chính quyền địạ phương nơi xảy ra các vụ việc trên cũng là điều đáng bàn. Thậm chí, có địa phương thiếu giám sát hoạt động thương lái, đôi khi còn tiếp tay giúp họ thu mua.
Điển hình như gần đây còn có địa phương cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh nuôi gián, khuyến khích nuôi đỉa, nuôi cá lồng … Đến khi vỡ chuyện, nhiều hộ nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhưng điều khó hiểu là “kỹ thuật viên” người Trung Quốc ở với chủ doanh nghiệp hàng tháng, chính quyền địa phương không có ý kiến gì.
Vậy thu mua các mặt hàng đó để làm gì, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và các địa phương không hay biết? Ngoài ra, lực lượng Công an quản lý xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú cần có trách nhiệm nắm rõ việc các thương lái Trung Quốc vào Việt Nam đi những đâu, mua bán mặt hàng gì, có được phép cấp Giấy phép kinh doanh không, các mặt hàng họ thu mua có làm thủ tục xuất nhập qua Hải quan hay không. Đây cũng là cơ sở nhận biết thương lái “tốt - xấu”. Hơn nữa, nhiều thương lái người Việt hám lợi đứng ra vận động tuyên truyền, làm đại lý thu gom mua sản phẩm tiếp tay cho thương lái xấu người Trung Quốc. Việc khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, thu mua, chế biến sản phẩm cho nông dân, giá cả … yếu, nên thương lái Trung Quốc lấn ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, dường như phần trách nhiệm này của cơ quan chức năng đã vô tình đã bị lãng quên.
“Các cơ quan, ban ngành, các địa phương phải có biện pháp đồng bộ, quản lý chặt chẽ sản xuất, tiêu thụ nông sản trước mắt và lâu dài để phòng và chống thương lái xấu người Trung Quốc hoạt động buôn bán phi pháp trên địa bàn Việt Nam” - TS. Phí Văn Kỷ kiến nghị.
Vũ Đậu