“Lễ hội Chém lợn là bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời tại địa phương để tướng nhớ người có công, không gây phản cảm”, đó là lý giải của đa số người dân Ném Thượng về việc tiếp tục chém lợn tại sân đình trước hàng vạn du khách.
Như đã thông tin, ngày 27/1, Tổ chức Động vật Châu Á đã có kiến nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Theo Tổ chức này, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một cách đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra xung quanh ý kiến bỏ và không nên bỏ lễ hội này.
Lễ chém lợn thực hiện công khai trước sự chứng kiến của hàng vạn du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Tử Quỳnh khẳng định, cách đây hai năm, tục “chém lợn” gây phản cảm đã không còn duy trì tại lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm (Tiên Du, Bắc Ninh).
Ông Quỳnh cũng bày tỏ quan điểm là địa phương không nên duy trì tục “chém lợn” vì đối với phần lớn người dân đây là hành vi phản cảm, không phù hợp với nhận thức chung của xã hội.
Quyết duy trì bản sắc văn hóa
Thế nhưng bất chấp các ý kiến trên, hôm nay (24/2, tức mùng 6/1 âm lịch), lễ hội Chém lợn tại làng Ném Thượng vẫn diễn ra. Đặc biệt, nghi thức chém lợn được thực hiện công khai giữa sân đình trước sự chứng kiến của hàng vạn người dân, du khách cùng báo giới (sau hai năm vắng bóng theo lời Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh).
Sự việc như một lời khẳng định của dân làng Ném Thượng về việc quyết giữ bản sắc truyền thống dù vấp phải rất nhiều chỉ trích.
Lý giải việc vẫn giữ nghi thức trên, các cụ cao tuổi làng Ném Thượng cho biết, họ vẫn giữ nghi thức chém lợn vì đây là nghi thức cúng tế thần linh truyền thống của làng Ném Thượng với ý nghĩa tốt đẹp là tôn vinh công lao của thành hoàng Đoàn Thượng, nhắc nhở con cháu về truyền thống anh dũng và cầu cho mùa màng bội thu...
Các cụ cao niên trong làng cũng bày tỏ sự bức xúc khi có nhiều tổ chức cá nhân đánh giá lễ hội là dã man. Bản thân người dân Ném Thượng cho rằng, đây là lễ hội truyền thống có từ hơn 800 năm trước, do chiến tranh nên mới được khôi phục trong thời gian gần đây, các nghi thức trong lễ hội không vi phạm pháp luật và ngay nghi thức chém lợn ở sân đình cũng vậy. Đó là nét văn hóa truyền thống được lưu truyền qua nhiều đời nay.
Trao đổi với PV, cụ Nguyễn Văn Hưng (85 tuổi, một bô lão làng Ném Thượng), cho biết, đây là lễ hội cổ truyền của làng có lịch sử cách đây 850 năm nhưng mới được phục dựng lại từ năm 2000. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm thành hoàng làng.
"Đây là lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức được gìn giữ. Việc chém lợn không có gì là phản cảm bởi đó là một phần của truyền thống văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chúng tôi sẽ vẫn gìn giữ và tổ chức theo nghi lễ cổ xưa”, ông Hưng cho biết.
Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó ban tổ chức Lễ hội Ném Thượng cho biết: “Năm sau, nếu các vị bô lão và đại diện dòng họ trong làng đồng ý giữ nguyên nghi lễ chém lợn giữa sân đình thì lễ hội sẽ vẫn tổ chức như năm nay”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh lại bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi là cần bảo tồn và phát huy những những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Tuy nhiên, những gì không phù hợp thì cần phải bỏ”.
Ông Phong cho hay, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện như năm 2013-2014, tức là không tổ chức chém lợn giữa sân đình, thay vào đó là mổ lợn làm cỗ ngọc tế Thánh.
Thành hoàng làng là ai?
Trong một thông tin khác liên quan, nhiều ý kiến cũng đang bàn luận sôi nổi về việc lễ hội này tôn vinh vị thần nào.
Có một số tài liệu như bản in Hội hè đình đám của nhà nghiên cứu Văn hóa Toan Ánh (in tại nhà in Sao Mai, Thủ Đức, phát hành ngày 1/11/1974) cho rằng “Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng”. Ngay bản in Hội hè đình đám năm 2005 của NXB Trẻ cũng giữ nguyên nội dung này.
Tuy nhiên, theo tất cả các cụ đều cho rằng, lễ hội truyền thống làng Ném Thượng để tưởng nhớ công ơn của Đông hải đại vương Đoàn Thượng, một trung thần và dũng tướng đời Lý Huệ Tông.
“Lễ hội này nhằm tưởng nhớ công ơn ngài Lý Đoàn Thượng chứ không phải Lý Công. Sau khi đánh thắng giặc, ngài đã về đây giết lợn khao quân. Người dân làng đã vinh danh ông là thành hoàng làng và lễ hội là để tưởng nhớ vị thành hoàng làng này”, thủ từ Nguyễn Văn Hưng khẳng định.
Theo Nhất Nam/Đời sống và Pháp luật