Tin mới

Vì sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế?

Thứ ba, 13/05/2014, 08:32 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) “Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ thắng” – đó là nhận định của các luật gia và chuyên gia trong nước. Vậy, tại sao đến giờ phút này chúng ta chưa kiện?Điểm danh tàu Việt Nam đang ngăn chặn giàn khoan Trung QuốcTướng Nguyễn Quốc Thước: "Càng ngoan cố, Trung Quốc càng thất bại nặng nề"Việt Nam có thể tịch thu giàn khoan của Trung Quốc ?

 

 

(Tinmoi.vn) “Nếu kiện Trung Quốc, Việt Nam sẽ thắng” – đó là nhận định của các luật gia và chuyên gia trong nước. Vậy, tại sao đến giờ phút này chúng ta chưa kiện?

Thời gian qua, báo chí trong nước dẫn lời của nhiều luật gia đã nhận định, nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về việc nước này đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách bất hợp pháp, chúng ta sẽ giành được phần thắng. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa đệ đơn lên Tòa án Liên Hợp Quốc, mặc dù hành động của Trung Quốc tại khu vực đặt giàn khoan HD-981 ngày càng ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế.

Video:

 

TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích tại sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc.

Về điều này, TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nói:  “Cũng như mọi người, tôi rất bức xúc trước hành động của phía Trung Quốc. Tôi biết người dân đang rất sốt ruột trước câu hỏi trên, nhưng, chuẩn bị hồ sơ kiện không phải điều đơn giản, có thể làm trong ngày một ngày hai”.

TS.Trần Công Trục phân tích: Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh  đã nói, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các biện pháp hòa bình cần thiết để xử lý vấn đề này, và một trong những biện pháp hòa bình là chuẩn bị hồ sơ để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Đây là việc sớm muộn gì cũng xảy ra. 

Chính phủ Việt Nam đã và đang chuẩn bị hồ sơ từ rất lâu. Tuy nhiên, việc này không phải nói là làm ngay được. Đã kiện là phải nắm chắn được phần thắng. Vì vậy, các cơ quan tham mưu phải đóng góp ý kiến, phân tích cặn kẽ mọi tình huống, đồng thời chuẩn bị hồ sơ thật đầy đủ thì mới có thể đệ đơn kiện.

Lý do nữa, đó chính là tương quan lực lượng, thời điểm thích hợp và sự ủng hộ của dư luận thế giới. Như ta đã biết, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là có toan tính. Họ chọn thời điểm thế giới đang có sự biến động về chính trị, khi cả thế giới đang dồn sự quan tâm vào cuộc khủng hoảng tại Ukraina và khủng hoảng kinh tế thế giới (nợ công châu Âu…). Thế nên, sự quan tâm của dư luận về biển Đông không phải là số 1.

Vậy ở thời điểm này, nếu chúng ta đưa vụ việc ra kiện ở tòa án quốc tế thì đã thích hợp chưa? Ông Trục chia sẻ quan điểm: “Tôi tin Chính phủ đã cân nhắc và chuẩn bị cho tất cả mọi tình huống. Trong sự việc lần này, thế mạnh của chúng ta là những căn cứ pháp lý. Tôi tin nếu kiện, Việt Nam sẽ giành phần thắng, nhưng người dân đừng nên sốt ruột”.

Vì sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam khiến 9 Kiểm ngư viên bị thương.

Cùng chung quan điểm với TS.Trần Công Trục, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Luật gia VN nhận định: “Khi đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, chúng ta phải tính hết những phương án có thể xảy ra. Giả sử nếu chúng ta bị thua kiện thì hệ lụy sẽ rất lớn. Vì vậy, để kiện, chúng ta phải nắm chắc phần thắng. Việc chuẩn bị, củng cố đầy đủ hồ sơ, những căn cứ pháp lý, tính toán kỹ mọi tình huống là rất quan trọng”.

Trao đổi trên báo chí, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nhận định: “Người dân có thể sốt ruột nhưng trong vấn đề chủ quyền, cần phải tỉnh táo, căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam”.

Vì sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế?
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.

Nhiều luồng dư luận đưa trường hợp Philippine kiện Trung Quốc ra so sánh, tuy nhiên, theo tướng Cương, hiện giờ Việt Nam chưa kiện Trung Quốc vì quan hệ Việt – Trung có 3 điều khác biệt.

Thứ  nhất, Việt Nam là láng giềng trực tiếp với Trung Quốc, hai quốc gia có đường biên giới đất liền 1435 km, điều này Philippines không có. Dù một triệu hay một tỷ năm nữa, người hàng xóm đó với chúng ta vẫn là “núi liền núi, sông liền sông”. Người ta có thể thay đổi bạn bè nhưng láng giềng thì không. Điều này không bao giờ được phép lãng quên trong quan hệ Việt - Trung.

Thứ hai, trong lịch sử, rõ ràng Trung Quốc và Philippines cũng không có ân oán gì cả, còn Việt Nam và Trung Quốc thì có hơn 1000 năm quan hệ song phương với bao trắc trở. Đặt dấu mốc từ năm 1859 khi Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam trở về trước, dân tộc Việt Nam chủ yếu đương đầu với tham vọng xâm chiếm cương thổ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Còn trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta được Trung Quốc ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, điều đó, quan hệ Trung Quốc – Philippines không bao giờ có được.

Thứ 3, Việt Nam và Trung Quốc nằm trong hệ thống chính trị gần gũi nhau. Và đương nhiên, điều này cũng khác với Philippines. 

Do đó, theo ông Cương, kiện Trung Quốc là hành động phù hợp, cần thiết nhưng cần bình tĩnh, chờ đợi.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news