Trong báo cáo mới công bố, tính đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Việt Nam này ở mức 28.116 tỷ đồng, cao hơn 3.000 tỷ so với tháng 6/2019.
Với các chỉ số tài chính nói trên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của VinFast nửa đầu năm qua ở mức âm 23,44%, trong khi cùng kỳ là âm 6,26%. Tuy nhiên, ROE nửa đầu năm nay đã cải thiện đáng kể so với mức âm 29% trong cả năm 2019.
Đầu 2020, VinFast cho biết có tổng cộng hơn 17.000 ôtô và 50.000 Xe máy điện VinFast được khách hàng đặt mua. Ảnh: FB
Báo cáo của VinFast cũng cho biết hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt 2,81 lần, tương đương nợ phải trả đến cuối tháng 6 khoảng 79.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh trên cho thấy phần lớn số lỗ ở bộ phận sản xuất (bao gồm VinFast và Vinsmart) ghi nhận trên báo cáo tài chính bán niên 2020 của Vingroup đều đến từ doanh nghiệp sản xuất xe điện, xe hơi này.
Năm 2019, tổng nợ phải trả của tập đoàn Vingroup đã tăng trên 99.000 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gần 12.000 tỷ, vay dài hạn tăng 25.000 tỷ, và người mua trả tiền trước (các dự án bất động sản) cũng tăng xấp xỉ 27.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cúa tập đoàn tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho biết hoạt động sản xuất nửa năm qua mang về cho tập đoàn 6.336 tỷ đồng Doanh thu thuần, cao gấp 3 lần cùng kỳ và đứng thứ 2 trong các mảng kinh doanh sau chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, hoạt động này khiến Vingroup chịu khoản lỗ trước thuế theo bộ phận 5.228 tỷ, tăng 78% so với nửa đầu năm 2019.
Trong lần đầu tiên công bố số liệu tài chính cuối năm 2019, VinFast cũng ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế 5.702 tỷ đồng.
Kể từ khi thành lập, đây là lần thứ 2 Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast công bố tình hình tài chính doanh nghiệp.
Theo đó, về quy mô tài chính, năm 2019 thương hiệu xe hơi Việt có vốn chủ sở hữu 19.459 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu nằm mức 3,67. Với dữ liệu này, số nợ doanh nghiệp phải trả ước tính hơn 71.414 tỷ đồng.