Theo tin tức từ Tiền phong và Người lao động, ngày 25/6, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 truy tố 29 bị can trong vụ án giết người xảy ra ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).
Cụ thể, VKSND Hà Nội truy tố 25 bị can trong vụ án thiêu chết 3 cảnh sát về tội Giết người, khung hình phạt từ 12 năm tù đến án tử hình.
Số này gồm Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.
Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: Internet
4 người còn lại bị truy tố tội Chống người thi hành công vụ, khung hình phạt từ hai năm đến 7 năm tù. Các bị can gồm: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng.
VKSND Hà Nội cáo buộc, khu đất ở cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là đất quốc phòng nhưng từ năm 2013 ông Lê Đình Kình cùng nhiều người đã lập "Tổ Đồng thuận" với mục đích chiếm lại để chia nhau. Họ kích động, kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất".
Tháng 11/2019, biết thông tin Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, các bị can đã góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm... để tấn công lực lượng chức năng.
Rạng sáng 9/1, khi công an ngăn chặn, bắt giữ những người vi phạm đang ẩn nấp trong nhà ông Kình, ông Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng làm nhiệm vụ.
Kết luận điều tra cũng xác định, những đối tượng bị truy tố đã nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sĩ công an hy sinh. Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, giết chết nhiều người cần phải được xử lý nghiêm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.